Liên tiếp những vụ lái xe gây tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây khiến dư luận đặt vấn đề về việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe hiện nay. Trong khi đó, việc thi lấy bằng lái xe sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nâng mức độ khó.
Thi sát hạch Giấy phép lái xe: Cứ thi là đỗ?
Liên tiếp trên địa bàn cả nước đã xảy ra những vụ lái xe “điên”, đâm hàng loạt phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ, đang đi bộ trên vỉa hè… không khỏi khiến dư luận đặt vấn đề về việc học, thi lấy bằng lái xe của những đối tượng này. Đáng nói, vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về thực trạng, lái xe một xã ở Gia Lai đã “khăn gói” ra Hải Phòng thi bằng lái xe vì cứ thi là… đỗ. Thậm chí, có trường hợp không viết nổi họ tên của mình nhưng vẫn sát hạch đỗ và được cấp Giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể, trong tổng số 91 người có GPLX của xã La Khai, huyện La Grai, tỉnh Gia Lai thì có đến 38 trường hợp được Sở GTVT Hải Phòng cấp. Trong 38 trường hợp có GPLX này chủ yếu được cấp trong 2 năm 2017-2018. Người dân ở các làng Jăng Krái 1, Jăng Krái 2, Jăng Blo, Ếch, Yom, Tung, Nú đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Sở GTVT Hải Phòng cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có kiểm tra, báo cáo về sự bất thường này. Trong khi dư luận còn chưa được trả lời thỏa đáng về sự việc bất thường này thì những vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp xảy ra gần đây như xe container đâm hàng chục xe máy dừng chờ đèn đỏ ở Long An làm 4 người tử vong, xe tải đâm đoàn người đi viếng mộ trên QL5 đoạn qua địa bàn Hải Dương làm 8 người tử vong… Điều đáng nói là những lái xe gây tai nạn đều có GPLX hợp lệ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX những năm qua được cải tiến rất nhiều, đặc biệt tăng độ khó như tăng bộ câu hỏi, tăng phần thi trong sa hình. Đặc biệt, tại các trung tâm sát hạch phần thực hành đều có gắn chip, chấm điểm tự động nên đã hạn chế tối đa tiêu cực, sự can thiệp của con người. Nhiều địa phương, tỷ lệ đỗ trong thi sát hạch GPLX chỉ ở mức 60-65% như Hà Nội…
Tới đây, Bộ GTVT sẽ tiếp tục siết chặt công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang lấy ý kiến các Sở GTVT về việc sửa đổi nội dung, tăng số câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe. Việc này được kỳ vọng nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, hạn chế các sai sót của lái xe khi xử lý các tình huống trên đường.
Tăng bộ câu hỏi lên 600
Từ đầu năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính đến việc tăng số câu hỏi thi sát hạch lý thuyết lấy bằng lái xe các hạng từ 450 câu lên 500 câu và dự kiến ban hành vào tháng 7-2018. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết số câu hỏi dự định sẽ tăng lên 600 và sau khi lấy ý kiến các Sở GTVT sẽ ban hành, thực hiện từ quý I-2019.
Bộ 600 câu hỏi thi sát hạch lý thuyết lấy Giấy phép lái xe
Hạng B1: Số câu hỏi là 30, số câu đạt 26/30, thời gian 18 phút;
Hạng B2: Số câu hỏi 36, số câu đạt 32/36, thời gian 20 phút;
Hạng C: Số câu hỏi 40, số câu đạt 36/40, thời gian 22 phút;
Hạng D, E và F: Số câu hỏi 45, số câu đạt 40/45, thời gian 25 phút.
Kết cấu của bộ 600 câu hỏi mới được xây dựng trên cơ sở bộ 450 câu hỏi cũ và bổ sung 150 câu hỏi mới. Trong 150 câu hỏi mới này có 100 câu liên quan đến sa hình, đường sắt, biển báo mới và khoảng 10 câu về kỹ thuật lái xe liên quan đến kỹ năng xử lý tình huống trên đường cao tốc, đường trơn trượt, đường có băng tuyết... Đặc biệt, có 50 câu bắt buộc phải trả lời đúng như cấm đua xe, cấm uống rượu bia rồi lái xe, cấm chạy quá tốc độ, cấm chạy xe vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc, ứng xử khi đang lái xe mà buồn ngủ…
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 50 câu hỏi bắt buộc trả lời đúng được chọn ra, đưa vào mỗi bài thi 1-3 câu. Đây là các câu hỏi về những lỗi liên quan đến một số tình huống mất an toàn giao thông gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Như các lỗi lùi xe hoặc đi vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, vượt đèn vàng - đỏ ở điểm giao cắt với đường sắt…
Với bộ 450 câu hỏi sát hạch như lâu nay, việc thi ở các hạng bằng lái xe đều có số câu hỏi như nhau (30 câu), số câu trả lời đạt như nhau (26/30 câu) và thời gian thi là 18-20 phút…. Đặc biệt, theo tiết lộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong phần thi lý thuyết sẽ có một câu hỏi mang tính quyết định. Với câu hỏi này thì thí sinh buộc phải trả lời đúng, nếu trả lời sai thì dù bài thi có đạt 26-28 điểm nhưng vẫn sẽ bị trượt. Cùng với bộ đề 600 câu hỏi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang chuẩn bị trình Bộ GTVT ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Điểm mới của Thông tư 12 là quy định việc học lý thuyết phải tập trung. Một điểm mới khác của Thông tư 12 là quy định trường dạy lái xe phải có thiết bị mô phỏng tập lái xe. Được biết một bộ thiết bị mô phỏng gồm “xe”, màn hình, đường truyền chấm điểm… có giá từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phần thi thực hành trong sa hình cũng sẽ được bổ sung thêm bài thi lái xe theo hình zích zắc. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự kiến, trong tháng 1 hoặc tháng 2 này, Tổng cục sẽ trình lên Bộ GTVT ký để ban hành. Sau 45 ngày sẽ có hiệu lực, như vậy, khoảng giữa năm nay, chương trình đào tạo, sát hạch lái xe sẽ áp dụng theo bộ đề mới, bài thi sát hạch mới có bổ sung.
Truất quyền thi sát hạch với một số lỗi mất an toàn
Mới đây, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo, xây dựng, bổ sung để tăng số lượng ngân hàng từ 450 câu hỏi lên 600 câu và lộ trình tăng dần theo hàng năm; tăng số lượng câu hỏi đối với mỗi bài thi; đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Nghiên cứu, hướng dẫn các trung tâm sát hạch lựa chọn, lắp đặt camera, đường truyền để kết nối trực tiếp dữ liệu hình ảnh phòng sát hạch lý thuyết và hình ảnh quá trình sát hạch thực hành lái xe trong hình của học viên tại các bài sát hạch mà thí sinh dễ mắc lỗi đến Sở GTVT và để các cơ quan chức năng có thể giám sát trực tiếp quá trình sát hạch; tổ chức lưu trữ tại các Trung tâm sát hạch theo quy định phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung quy định truất quyền sát hạch đối với các thí sinh vi phạm lỗi gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng như: Không tuân thủ tín hiệu đèn, vi phạm vạch phân làn tại ngã tư; không dừng xe tại nơi giao nhau với đường sắt, khi tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe những năm qua được cải tiến rất nhiều, đặc biệt tăng độ khó như tăng bộ câu hỏi, tăng phần thi trong sa hình. Đặc biệt, tại các trung tâm sát hạch phần thực hành đều có gắn chip, chấm điểm tự động nên đã hạn chế tối đa tiêu cực, sự can thiệp của con người. Nhiều địa phương, tỷ lệ đỗ trong thi sát hạch Giấy phép lái xe chỉ ở mức 60-65% như Hà Nội…
Hải Dương (ANTĐ)