Đóng
 

Thứ năm, 28/03/2024 | 20:40
14:42  |  09/01/2020

Thực hư việc bị "phạt oan" khi kiểm tra nồng độ cồn: Không cần lo lắng

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên hiện nay đang có thông tin cho rằng dù không uống rượu, bia nhưng sử dụng một số loại trái cây hay thuốc như siro ho cũng có thể tăng nồng độ cồn trong hơi thở, dẫn đến việc bị xử phạt oan. Vậy thực hư thông tin trên ra sao? 

Tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, đáng chú ý là Luật "nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn", áp dụng với tất cả các phương tiện giao thông đường bộ (ôtô, xe máy, xe máy điện...) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn...)

Mức phạt cho những trường hợp vi phạm cụ thể như sau, với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30-40 triệu VNĐ, tước quyền sử dụng giấy lái xe 22-24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở

Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu VNĐ, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn bị phạt tiền cao nhất là 600.000 VNĐ

Mức phạt tiền lên đến con số hàng triệu đồng đã khiến nhiều người phải e ngại. Vì cứ có cồn trong máu hoặc hơi thở là sẽ phạt, trong khi không chỉ riêng rượu, bia mà ở một số loại hoa quả cũng có thể gây ra nồng đồ cồn sau khi ăn

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do trong hoa quả (như vải, sầu riêng, dứa, táo...) có chứa hàm lượng đường cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu, tạo ra nồng độ cồn nếu ăn vào

Đặc biệt ở quả vải, đây là loại trái cây chứa hàm lượng đường cao. Để bên ngoài một thời gian, quả vải sẽ xuất hiện hiện tượng lên men rượu. Bên cạnh đó, vì lượng cồn trong quả vải ít không đủ hấp thụ vào máu nên khi ăn lượng cồn sẽ chuyển qua phổi và khiến hơi thở có mùi cồn

Trong các thực phẩm có nguồn gốc tinh bột, đường để trong khoảng thời gian dài hoặc bảo quản không tốt cũng sẽ có một lượng ethanol trong đó

Tìm hiểu thêm thì các sản phẩm tương tự như siro ho cũng có chứa nồng độ cồn. Ngoài ra cũng có hơn 80 loại dược phẩm tạo ra nồng độ cồn trong hơi thở và máu của người dùng thuốc

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, người dân không nên quá lo lắng vì "nồng độ cồn trong các loại thức phẩm trên đều không quá cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn''

Vì thế sau khi ăn uống các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol như trên thì mọi người lưu ý cần súc miệng hoặc đánh răng kỹ càng, nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15 phút đến nửa tiếng rồi mới tham gia giao thông

Ngoài ra hiện nay, máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát và xử lý được nhập từ Úc và các nước tiên tiến, được kiểm định của Bộ KH - CN Việt Nam, đảm bảo các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn chặt chẽ và tiêu chuẩn của châu Âu. Vì thế tỷ lệ sai sót cực kỳ thấp nên sẽ không thể xảy ra trường hợp án oan khi kiểm tra nồng độ cồn

 

Trong trường hợp dương tính với nồng độ cồn, người vi phạm có quyền giải thích về nồng độ cồn trong cơ thể với lực lượng CSGT

Nếu người vi phạm cho rằng nồng độ cồn của mình là do ăn hoa quả chứ không phải do uống rượu bia, đồ uống có cồn thì hoàn toàn có quyền được xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác nhất

Trung tá Vũ Mạnh Nam - Đội phó Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết: "Với trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ chứng minh để người dân tâm phục khẩu phục chứ không có chuyện ăn hoa quả mà bị xử phạt. Tôi khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà lên được nồng độ cồn"

Tóm lại, để không phải "lo bò trắng răng", mỗi cá nhân khi tham gia giao thông cần chỉn chu hơn trong từng hành động của mình, đặc biệt là vấn đề ăn uống. Ngoài ra cũng cần hiểu rõ luật để chấp hành pháp luật cho đúng, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình

Như Quỳnh (ANTĐ)