Về góc độ pháp lý, việc tài xế và đơn vị thu phí yêu cầu nhau phải bồi thường thiệt hại cần chứng minh vấn đề lỗi, nguyên nhân... .
Theo một số thông tin chúng tôi ghi nhận được, chiếc Kia Carnival mang BKS “61LD-081.xx” khi đi qua trạm BOT An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) đã gặp sự cố với hệ thống thu phí không dừng. Cụ thể, chiếc Kia Carnival do nam tài xế điều khiển đã đâm gãy barie của trạm BOT. Hiện chưa rõ, nguyên nhân tại sao vào thời điểm xe đi qua barie lại không mở lên. Chỉ biết rằng, nam tài xế đã bị trạm thu phí BOT yêu cầu bồi thưởng tổn thất.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT hình thức điện tử không dừng là hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải dừng lại để trả tiền sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động qua trạm thu phí không dừng vẫn có các thanh chắn. Khi hệ thống nhận được tín hiệu từ thẻ định danh (Etag hoặc ePass) lắp trên xe, thanh chắn sẽ tự động mở lên.
Theo các theo khuyến nghị của nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, tài xế chỉ nên duy trì tốc độ tối đa 30km/h khi đi qua barie. Ngoài ra, với các điểm vào khu vực trạm thu phí, các biển cảnh báo đều báo hiệu các phương tiện đi chậm lại, tín hiệu đèn giao thông cũng được lắp kèm với vị trí barie. Do đó, nếu tự ý đâm vào barie dẫn đến hư hỏng xe thì cần làm rõ nguyên nhân trực tiếp nào dẫn đến các hậu quả đã xảy ra.
Việc các bên yêu cầu nhau phải bồi thường thiệt hại cần chứng minh vấn đề lỗi, nguyên nhân và mối quan hệ nhân quả từ lỗi đến hậu quả xảy ra để yêu cầu của mình phù hợp quy định pháp luật.
TT (Tuoitrethudo)
Ảnh: OFFB