Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin trong thời gian quan, đơn vị này thông báo cho cơ quan hải quan xử lý gần 40 xe tẩy xóa số khung, số máy.
Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong năm 2019 đơn vị này phát hiện hơn 30 trường hợp cơ sở sản xuất linh kiện xe cơ giới tại nước ngoài (nước chưa có thỏa thuận về công nhận lẫn nhau về đăng kiểm chất lượng xe cơ giới) không đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nguyên nhân do linh kiện không được sản xuất tại nơi mà cơ sở sản xuất đăng ký, không có đầy đủ hoặc không kiểm soát thực hiện đúng các quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm...
“Các trường hợp trên, khi nhập khẩu linh kiện vào trong nước sẽ phải kiểm định riêng lẻ từng lô linh kiện xe để đảm bảo an toàn chất lượng”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Với trường hợp cơ sở sản xuất nước ngoài có chứng nhận, trong thời hạn 3 năm kể từ khi được cấp chứng nhận sẽ chỉ phải kiểm tra mẫu đối với mỗi lô linh kiện nhập khẩu.
Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian qua hơn 80 ô tô, xe máy chuyên dùng và một lô xe đạp điện nhập khẩu cũng bị cơ quan đăng kiểm từ chối cấp chứng nhận kiểm định do không đảm bảo chất lượng; Trong đó, đơn vị này thông báo cho cơ quan hải quan xử lý gần 40 xe tẩy xóa số khung, số máy.
Đối với cơ sở sản xuất trong nước, trong năm qua Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện, yêu cầu 11 cơ sở sản xuất lắp ráp xe, linh kiện xe cơ giới, xe đạp điện phải khắc phục tiêu chuẩn về cơ sở sản xuất.
Theo quy định, linh kiện ô tô được nhập khẩu từ nước ngoài, cơ sở sản xuất nước ngoài phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm theo các tiêu chí nêu trong tiêu chuẩn IATF 16949.
Cơ sản xuất lắp ráp, ô tô, xe máy trong nước phải được Cục Đăng kiểm VN đánh giá lần đầu, định kỳ để cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở. Trước đó, xuất xưởng sản phẩm, cơ sở sản xuất, lắp ráp phải tuân thủ quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phương tiện.
Hải Dương (ANTĐ)