Đóng
 

Thứ sáu, 10/05/2024 | 13:12
18:02  |  09/09/2023

Vấn nạn tua công-tơ-mét tại Việt Nam

Tình trạng ô tô cũ bị tua công-tơ-mét không phải là hiếm gặp tại Việt Nam. Đây được coi là hành vi gian lận hàng hoá, dịch vụ nhằm lừa dối khách hàng nên có thể phải đối mặt với việc bị xử phạt, thậm chí là ngồi tù.

Vấn nạn gian lận tua ngược công-tơ-mét khi bán xe cũ diễn ra rất phổ biến tại nước ta. Thậm chí hiện nay nhiều lái xe còn dùng chiêu thức này để ăn gian cước vận chuyển hay rút ruột tiền thanh toán chi phí xăng dầu.

Điển hình như gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện bài đăng của một người về việc mua chiếc Honda City đã qua sử dụng tại showroom A. và sau khi hoàn tất thủ tục người này mang xe ra hãng để kiểm tra thì phát hiện có sự chênh lệch ODO.

Cụ thể, chiếc Honda City mà người này mua thuộc phiên bản 1.5 AT, đăng ký tháng 10/2017. Tại thời điểm nhận xe ở showroom A., ODO của xe là 66.276 km. Sau khi được bàn giao, chủ sở hữu mang xe ra đại lý chính hãng để kiểm tra thì phát hiện chiếc Honda City này đã từng làm bảo dưỡng ở mốc 184.940 km. Theo đó, chủ xe cho rằng chiếc Honda City trên đã bị "tua" công-tơ-mét. Sự việc ngay sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng, đa phần đều không đồng tình với cách làm của đơn vị bán xe trên.

Không chỉ “tua” công-tơ-mét để ăn gian số km thực tế xe chạy để xe cũ “được giá” hơn mà còn có hiện tượng "tua công" để tăng số km nhằm "ăn chặn" cước vận chuyển hoặc thanh toán chi phí xăng dầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một garage, nhân viên tại đây cho hay có không ít khách hàng đến garage yêu cầu điều chỉnh tăng số km xe chạy và đa phần những người này là lái xe cho các công ty, cơ quan Nhà nước. Việc “tua công” này nhằm mục đích thanh toán chi phí tiền xăng cao hơn mức khoán.

Hiện nay, trên thị trường thậm chí còn có dịch vụ "tua công" cho tất cả các loại ô tô, từ xe bình dân đến xe sang. Chỉ với một một thiết bị như chiếc máy tính bảng, kết nối với xe thông qua cổng ODB (hệ thống chẩn đoán tích hợp, thường nằm gần vị trí đầu gối trái của người lái trên xe) là người thợ có thể thay đổi số công-tơ-mét theo mong muốn.

Đối với những dòng xe không thao tác được qua việc cắm máy vào cổng OBD đều phải tháo đồng hồ xe ra vì ở đó mới có chân cắm. Với những dòng xe Đức, xe sang việc “tua công” có thể phức tạp hơn nhưng các “phù thuỷ” trong nghề vẫn có thể “biến hoá” được, vấn đề chỉ là thời gian và chi phí để thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, một người kinh doanh ô tô cũ cho hay ngay cả đến “dân chuyên” mua bán xe đã qua sử dụng cũng có những lần mua phải xe bị “tua công” chứ không riêng gì với người sử dụng bình thường.

Theo anh, “check hãng” là một trong những cách để có thể biết  ODO. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chủ xe không làm bảo dưỡng trong hãng hoặc làm ngắt quãng thì việc "check hãng" cũng không chắc nói lên điều gì. Trường hợp phức tạp hơn là mỗi lần vào hãng để làm dịch vụ thì xe đã được "tua" ODO từ trước thì con số cũng bị sai. Đương nhiên, với một chiếc xe có lịch bảo dưỡng đều đặn, thì vẫn sẽ yên tâm hơn.

Bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng số ODO, hãng còn cho người dùng thêm các thông tin khác như: kiểm tra đâm đụng, ngập nước, máy móc có còn nguyên bản, các tính năng và vận hành của xe có còn tốt? Do đó, việc check hãng là điều nên làm khi mua xe cũ nhưng không có nghĩa nó đúng 100%.

Việc người dùng mua phải một chiếc xe ô tô đã bị tua công-tơ-mét sẽ có rất nhiều hệ luỵ. Điển hình như sai lệch về thời hạn chu kì bảo dưỡng của xe gây ảnh hưởng tới chất lượng của các hệ thống tổng thành cũng như tính năng khai thác của ô tô.

Tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công-tơ-mét ô tô, mà chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Tuy nhiên mới đây, Bộ Công an đã đề xuất một số chỉnh lý, bổ sung dự thảo của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới. Trong đó, quy định về việc cấm tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của ô tô (tua công-tơ-mét) được bổ sung vào dự thảo.

Trên thế giới, hành vi này sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí có thể bị ngồi tù. Tại Mỹ, đạo luật Liên bang số 49 (được thông qua năm 1972) nghiêm cấm hành vi quảng cáo, rao bán, lắp đặt, hoặc sử dụng thiết bị để vặn lùi công-tơ-mét. Cá nhân vi phạm sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD (~5,9 tỷ VNĐ) hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn.

Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 500.000 USD (~11,8 tỷ VNĐ). Giám đốc hoặc nhân viên của công ty nếu cố ý vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt như với cá nhân.

TT (Tuoitrethudo)