Đến nay, có khoảng 800.000 ô tô đã dán thẻ thu phí tự động không dừng nhưng gần như không sử dụng.
Vô vàn nguyên nhân làm chậm tiến độ thu phí không dừng
Tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng" do Báo Giao thông tổ chức mới đây, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT thông tin, theo kế hoạch trước đây, Chính phủ chốt thời điểm 31/12/2019 phải hoàn thành dự án thu phí không dừng (ETC). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin gia hạn đến 31/12/2020.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT và hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, về nguyên nhân khách quan, trước hết là do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam, cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai, dẫn đến khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp thực tiễn.
Thứ hai, thời gian qua, việc thực hiện miễn giảm phí đường bộ dẫn đến doanh thu các dự án BOT bị sụt giảm 30 - 50%. Từ đó, phương án tài chính thu phí không dừng không đạt được như ban đầu, khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án.
Thứ ba, dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các dự án giai đoạn 2 khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc về nguồn vốn, đấu thầu thành lập doanh nghiệp dự án.
Thứ tư, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn. Điều này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn hạn chế. Nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn rồi mới chỉ đạt 10 - 20% phương tiện sử dụng.
Một nguyên nhân nữa là trình tự thủ tục trong đầu tư rất phức tạp, để đảm bảo được đúng các quy định và hài hòa lợi ích nhiều bên mất rất nhiều thời gian. Do vậy, quá trình rà soát, điều chỉnh, đàm phán phương án tài chính cho các dự án này rất khó khăn.
Khó khăn cuối cùng là, kinh nghiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong triển khai thu phí tự động không dừng chưa nhiều.
Đánh giá về tiến độ triển khai thu phí không dừng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thu phí không dừng rất tiến bộ, nhiều nước đã sử dụng rất hiệu quả vì rất tiết kiệm thời gian. Hiệp hội rất ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và Bộ GTVT.
Tuy nhiên, việc triển khai tại nước ta đang rất chậm. Ông Quyền cho rằng, nguyên nhân là do các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào vấn đề công nghệ nhiều hơn mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường.
Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần gì, mong muốn gì. Vì thế mới có chuyện đến nay, đã có 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã dán thẻ ETC nhưng ít khi sử dụng.
Từ 1/1/2022, ô tô dán thẻ ETC sẽ mất phí
Đề cập đến tiến độ triển khai dán thẻ phương tiện, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến nay, cả nước đã dán xấp xỉ 800.000 thẻ ETC. Trong đó, VETC dán 600.000 thẻ, hệ thống các đơn vị đăng kiểm dán khoảng 200.000 thẻ.
Trong khi đó, số lượng phương tiện trên địa bàn cả nước khoảng 3 triệu ô tô. Do vậy, tiến độ dán thẻ như trên là rất chậm.
Về nguyên nhân, trước hết là do hiện tại quy định của Nhà nước mới chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc. Mặt khác, nhiều lái, chủ xe cho rằng, dán thẻ chưa mang lại hiệu quả thiết thực, vì dán thẻ nhưng qua nhiều trạm không có làn thu phí tự động không dừng.
Thứ hai, khi dán thẻ, mở tài khoản nhưng không trừ trực tiếp vào tài khoản cá nhân mà trừ vào tài khoản trung gian. Bởi vậy cần có cách nào để khi xe đi qua trạm, tự động trừ vào tài khoản cá nhân.
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, thời gian tới, khi sửa đổi Quyết định 07 mà Bộ GTVT đang trình Thủ tướng, sẽ có một số giải pháp quan trọng để thúc đẩy tiến độ dự án ETC.
Đặc biệt, trong đó sẽ giải quyết bất cập giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thu phí không dừng, làm sao cho hài hoà hơn. Tới đây, sẽ cho phép nhà đầu tư BOT tự lắp đặt thiết bị tại trạm, tự quản lý và kết nối với các đơn vị cung cấp.
Thêm vào đó, từ sau ngày 31/12/2021, xe ô tô mới dán thẻ ETC sẽ phải mất phí (hiện nay là đang miễn phí).
Ngoài ra, phương tiện không dán thẻ ETC hoặc không đủ tiền, trước đây có thể đi vào làn ETC, sau này sẽ chỉ cho đi vào làn hỗn hợp ngoài cùng, cấm vào làn ETC.
Ngân Tuyền (ANTĐ)