Đóng
 

Chủ nhật, 24/11/2024 | 17:00
13:25  |  21/11/2023

Việt Nam thử nghiệm thành công một số bình chữa cháy có khả năng dập tắt đám cháy từ pin xe điện

Xe điện ngày càng trở nên phổ biến, số vụ cháy nổ liên quan đến xe điện theo đó cũng ngày một tăng, gây nên hậu quả khó lường và sự bất an cho người dùng.

Pin dùng cho xe điện hiện nay hầu hết là dòng pin lithium ion, dòng pin được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, camera... Đây là dòng pin khá an toàn, được chứng minh qua hàng tỷ thiết bị sử dụng hàng ngày trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, tương tự như xăng, dầu, pin xe điện là một thiết bị tích trữ năng lượng với mật độ cao, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nếu không sử dụng hợp lý.

Nguyên nhân gây cháy/nổ ở pin lithium ion bao gồm các va đập cơ khí, quá tải điện và quá nhiệt. Các tác nhân này khiến cho các vách ngăn giữa các điện cực bị thủng, dẫn đến hiện tượng ngắn mạch ở trong các tế bào pin (battery cell). 

Cháy pin lithium ion thường rất khó dập bởi vì đây là phản ứng hoá học không cần tới oxy. Do đó các biện pháp thông thường như dùng chăn ướt, cát… nhằm cô lập ngọn lửa với oxy đều không hiệu quả.

Mới đây,  Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam (VFRA) đã công bố kết quả thử nghiệm khả năng dập tắt đám cháy pin xe điện.

Cụ thể, vào ngày 21/9/2023 vừa qua, VFRA đã tiến hành các thử nghiệm chữa cháy các đám cháy Pin Lithium - Ion trang bị trên xe máy điện, xe đạp điện bằng một số loại bình chữa cháy xách tay đang lưu thông trên thị trường, do các doanh nghiệp hội viên VFRA đăng ký thử nghiệm.

Cụ thể, một số bình chữa cháy đã được VFRA sử dụng trong buổi thử nghiệm như: sử dụng cát, bình bột chữa cháy, bình khí C02.

Đặc biệt, VFRA còn sử dụng một số loại bình chữa cháy xách tay do các doanh nghiệp hội viên VFRA sản xuất và đăng ký thử nghiệm như: bình chữa cháy gốc nước Eco Fire 6; bình chữa cháy gốc nước F500 EA công nghệ bọc phân tử và bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION.

Quá trình thử nghiệm được VFRA tiến hành qua 3 bước, gồm:

Bước 1: Sử dụng bếp lò xo bằng điện để gia nhiệt trực tiếp lên khối Pin tại vị trí thiết kế lắp pin trên xe điện để kích cháy khối pin.

Bước 2: Khi đám cháy bùng phát trên khối pin và cháy lan ra toàn xe, đồng thời các viên pin phát nổ và bắn văng ra các khu vực lân cận thì tiến hành đo nhiệt độ đám cháy, bấm giờ và bắt đầu sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy. Các viên pin bắn ra xung quanh cũng được đo và ghi nhận nhiệt độ.

Bước 3: Ngay sau khi đám cháy được dập tắt, ghi nhận các thông số về nhiệt độ pin, thời gian, kết quả chữa cháy, hiện tượng sau khi chữa cháy, tổng hợp kết quả.

Quá trình thử nghiệm cho thấy, nhiệt độ các đám cháy đo tại khối pin trước thời điểm tiến hành dập cháy trong khoảng 500 - 600 độ C.

Ngoài ra, trong quá trình cháy, các viên pin lithium - Ion phát nổ và văng ra xa trên 30 m với độ cao ước lượng khoảng 15 m so với vị trí của xe điện. Viên pin văng ra có nhiệt độ khoảng 250 độ C.

Đáng chú ý, các bình chữa cháy xách tay loại bình bột và bình khí CO2 không thể dập tắt được đám cháy.

Quá trình thử nghiệm, bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước dập tắt được đám cháy trong thời gian 2 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (dưới 60 độ C).

Bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (dưới 60 độ C).

Bình chữa cháy nhãn hiệu Eco Fire 6, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin vẫn nổ và có khói, nhiệt độ cao (dưới 230 độ C).

Ngoài ra, thử nghiệm cũng cho thấy, cát ẩm có khả năng dập tắt đám cháy nhưng chỉ trong một số điều kiện cụ thể. Hiệp hội cũng khuyến cáo rằng phương tiện cần phải ở vị trí gần mặt đất nhất có thể, thậm chí phải đạp đổ, sau đó dùng thật nhiều cát phủ lên.

Sau khi thử nghiệm nhiều phương pháp, VFRA chỉ ra rằng chỉ có hai loại bình chữa cháy có khả năng dập tắt đám từ pin lithium - ion trang bị trên xe máy điện, xe đạp điện. Đó là bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - Công nghệ bọc phân tử và bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION.

Ngoài ra, trong quá trình phát nổ, các viên pin sẽ văng ra xa với nhiệt độ rất cao nên người dùng cần trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân trong quá trình chữa cháy.

TH (Tuoitrethudo)

Ảnh: VFRA

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...