Xe máy là loại hình phương tiện "quốc dân" tại Việt Nam. Song song với những ưu điểm về tính linh hoạt, tiết kiệm khi sử dụng của xe máy là hàng loạt những vấn nạn nhức nhối, đặc biệt là về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mới đây, một nghiên cứu về thực trạng sử dụng xe máy tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường AMR Group thực hiện đã tiết lộ rất nhiều điều bất ngờ xung quanh loại hình phương tiện vốn vẫn được coi là "quốc dân" của người Việt. Theo đó, tỷ lệ sở hữu xe máy ở nước ta đang đạt con số 0,8 xe/người và tần suất sử dụng xe máy của người dân tại 2 thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng lên tới 6,9 ngày/tuần. Những con số trên đã khiến Việt Nam trở thành một "Cường quốc" về tiêu thụ xe máy trên toàn thế giới.
Công ty nghiên cứu thị trường AMR Group đã thực hiện nghiên cứu của mình chủ yếu tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với tập người dùng chia làm hai nhóm chính, gồm nhóm người dùng học sinh/sinh viên và nhóm người dùng đang trong độ tuổi đi làm. Theo AMR Group, trên cả nước hiện nay đang lưu hành khoảng 55 triệu xe máy các loại, tức tỷ lệ sở hữu xe máy trên đầu người ở mức 0,8 xe/người. Bên cạnh đó, tần suất sử dụng xe máy của người dân cũng ở mức rất cao, gần như hoạt động 7/7 ngày trong tuần.
Mỗi nhóm người dùng gồm học sinh/sinh viên và nhóm người đang trong độ tuổi đi làm sẽ có những thói quen và hành vi sử dụng xe khác nhau. Khảo sát nhanh về mức kinh phí nguời dùng phải bỏ ra để vận hành và sử dụng một chiếc xe máy có thể thấy, trung bình trong một năm, tổng chi phí tập người dùng là học sinh/sinh viên phải chi trả cho quá trình vận hành ổn định của một chiếc xe máy, bao gồm các khoản tiền như tiền xăng, tiền bảo dưỡng định kỳ, tiền sửa xe... là khoảng 4,5 triệu VNĐ. Con số này với tập người dùng đang trong độ tuổi đi làm gấp gần hai lần và ở mức 8,5 triệu VNĐ.
Như vậy, trung bình mỗi tháng, người sử dụng xe máy là nhóm học sinh/sinh viên và nhóm người đi làm sẽ phải bỏ ra số tiền tương ứng 375.000 VNĐ và 708.000 VNĐ để bảo dưỡng, vận hành xe. Đây được xem là khoản kinh phí nhỏ, tiết kiệm với đại đa số mức thu nhập của người dân hiện nay. Với lợi thế về tính kinh tế, cộng thêm các ưu điểm về độ linh hoạt và dễ dàng sử dụng, xe máy vẫn đang là loại hình phương tiện có mức tăng trưởng tốt và phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tất nhiên, vấn đề nào cũng sẽ có hai mặt ưu và nhuợc điểm. Nhược điểm của xe máy chính là vấn nạn lớn nhất về tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Theo nhiều chuyên gia trong ngành giao thông vận tải, xe máy chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong hệ thống các loại hình phương tiện giao thông ngày nay, đặc biệt là ở những quốc gia mà xe máy vẫn là phương tiện thiết yếu.
Cụ thể, nhiều nghiên cứu về tình trạng phát thải của các phương tiện giao thông đã chỉ ra rằng, xe máy đang chiếm khoảng 29% tổng nguồn phát thải các loại khí như NO, CO, NMVOC, khoảng 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn và 37,7% bụi ra môi trường.
Với 55 triệu xe máy đang lưu hành trên thị trường, mỗi năm xe máy phát thải ra môi trường khoảng 200.000 tấn CO, 15.000 tấn Nox và 80.000 tấn HC
Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước
Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có mức báo động về tình trạng ô nhiễm không khí thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tính riêng trong năm 2018 tại thủ đô Hà Nội, khoảng thời gian chỉ số chất lượng không khí ở mức kém là 60 ngày. Một năm sau, vào năm 2019 vừa qua, khoảng thời gian chỉ số chất lượng không khí kém đã tăng lên thêm 9 ngày và ở mức 69 ngày trong năm. Thêm vào đó, cũng trong năm 2019, Hà Nội là thành phố đã nhiều lần bị các ứng dụng đo lường không khí đánh giá ở mức rất thấp, tức có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ.
Trước vấn nạn đáng báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đã và đang thúc đẩy nhanh quá trình hạn chế sử dụng xe máy trong di chuyển ở đô thị. Bước đầu, việc làm này đã đón nhận những thành công ngoài mong đợi và đang không ngừng cho thấy các tín hiệu vô cùng tích cực. Tại Việt Nam, việc hạn chế và tiến tới loại bỏ sử dụng xe máy đã có lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, để sớm hiện thực hoá quá trình này sẽ đòi hỏi rất nhiều điều kiện và yếu tố khác nhau nhưng chắc chắn, đây vẫn chính là yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự trong lành của môi trường xung quanh.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)
Ảnh: An ninh thủ đô, wall.alphacoders