Quá nửa năm 2019 đã qua đi nhưng có vẻ như thị trường xe cũ trong nước vẫn khá trầm lắng. Dù được người bán giảm giá kịch sàn, cắt lỗ, nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà với các loại xe đã qua sử dụng.
"Một vốn bốn lời", đó là câu nói mà nhiều người vẫn đùa nhau khi nói tới các doanh nghiệp kinh danh xe cũ, xe đã qua sử dụng. Tuy vậy, câu nói đó giờ đây có vẻ đã không còn đúng, đặc biệt là với nửa đầu năm 2019 vừa qua. Không ít các công ty kinh doanh xe cũ đã phải chuyển đổi mô hình, thu hẹp quy mô hoặc thậm chí là đóng cửa vì lý do "ế ẩm", tiền lãi từ bán xe không đủ trả lãi ngân hàng... Vậy lý do thực sự do đâu?
Nếu như các năm trước đó, khoảng thời gian trước và sau tháng 7 âm lịch được xem như những tháng "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp xe cũ. Lượng xe bán ra trung bình của một showroom thường dao động từ 25 - 40 xe/tháng thì với nửa đầu năm 2019, doanh số bán ra đã sụt giảm tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ, xe đã qua sử dụng trong suốt thời gian qua đã có nhiều động thái giảm giá bán tối đa, kịch sàn nhưng vẫn không đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng. Có những đơn vị giảm giá xe tối đa tới 150 triệu VNĐ nhưng "ế vẫn hoàn ế". Ngoài các mẫu xe thường nổi tiếng là khó bán và kén khách đến từ những thương hiệu hạng sang đắt tiền như Mercedes-Benz, Audi hay BMW... thì nay, ngay tới những thương hiệu xe bình dân, có giá bán rẻ và dễ tiếp cận với người tiêu dùng như Toyota, Hyundai hay Kia... cũng đều rơi vào tình trạng tương tự.
Bên cạnh việc không bán được xe, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe cũ, xe đã qua sử dụng còn đang gặp phải tình trạng tồn kho quá nhiều. Cụ thể, như thường lệ, vào thời điểm quý I và quý II hàng năm, nhiều đơn vị kinh doanh xe cũ sẽ nhập vào một lượng lớn xe để cung ra thị trường. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng... để có tiền mua thêm xe, và tất nhiên tiền vay phải có lãi đi kèm. Chính vì vậy, việc để tồn kho với quá nhiều xe một lúc trong thời gian dài vừa gây mất giá xe theo thời gian, các doanh nghiệp lại vừa phải trả lãi suất tiền vay trước đó.
Có một thực trạng nữa phải nói tới chính là việc các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ thời gian này vẫn thường phải chịu nghịch cảnh "mua đắt bán rẻ". Lấy ví dụ như việc hôm nay doanh nghiệp mua mẫu xe A với mức giá 900 triệu đồng, xe trong trạng thái đã qua sử dụng 1 vạn km, còn rất mới và giá niêm yết tại hãng đang ở mức 1,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp đề bán mẫu xe A này với mức giá 1 tỷ đồng, tức rẻ hơn xe mới đến 200 triệu đồng, đó là còn chưa nói tới tiền thuế, tiền biển số... mà người mua xe mới sẽ phải nộp. Tuy nhiên, chỉ ngay hôm sau, mẫu xe A này được hãng giảm giá để kích cầu với mức giảm lên tới 50 triệu đồng, điều này đồng nghĩa với việc mức chênh lệch giữa xe cũ và xe mới sẽ rút ngắn chỉ còn 150 triệu đồng. Như vậy, tâm lý nhiều người sẽ cho rằng với mức chênh lệch chỉ khoảng 150 - 200 triệu, họ thà mua xe mới cho yên tâm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe cũ phải hạ giá xe của mình, đồng nghĩa với việc bớt lãi đi hoặc thậm chí nhiều trường hợp phải cắt lãi, chịu lỗ để bán xe nhằm thu hồi lại kinh phí bỏ ra. Tất cả khiến các đơn vị kinh doanh xe cũ phải đau đầu, gồng gánh tìm cách giải quyết.
Lý giải nguyên nhân của việc thị trường xe cũ xuống dốc không phanh trong thời gian vừa qua được cho là đến từ rất nhiều khía cạnh. Đầu tiên, đó chính là việc từ đầu năm tới nay, các hãng xe trong nước liên tục cho ra mắt những mẫu xe mới, cùng với đó là việc cải tiến chất lượng sản phẩm và giá bán rất dễ chịu. Do đó, với mức tiền chênh lệch không quá mạnh so với xe cũ, nhiều người dùng đã chọn giải pháp mua xe mới, vừa yên tâm lại vừa đảm bảo.
Tiếp tới, nhiều hãng sản xuất xe trong nước suốt thời gian qua như THACO, TMV, TC Motor... đều đồng loạt tung ra rất nhiều các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Những khuyến mãi này ngoài việc tặng phụ kiện xe, các gói bảo dưỡng... mà còn trừ thẳng tiền cho người mua xe, mức giảm có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Thêm vào đó, hiện nay một số hãng xe lớn như Mercedes-Benz hay Toyota... cũng đã bắt đầu triển khai các dự án kinh doanh cả xe cũ, xe đã qua sử dụng của hãng. Với lợi thế về uy tín và thương hiệu cùng cơ sở vật chất hiện đại, việc mua xe cũ chính hãng cũng là một lựa chọn không tồi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, như vậy ngoài việc phải cạnh tranh về giá bán so với xe mới, các doanh nghiệp kinh doanh xe tư nhân đã qua sử dụng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp cả với các mẫu xe cũ chính hãng.
Ngoài ra, còn có khá nhiều lý do dẫn tới việc thị trường xe cũ trầm lắng trong quá nửa đầu năm 2019 như việc việc các mẫu xe nhập khẩu từ thị trường nước ngoài đổ bộ về Việt Nam khá dồi dào, cùng với đó là giá bán tương tự hoặc thậm chí là thấp hơn xe lắp ráp trong nước hay việc các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ đang gặp khó trong quá trình nắm bắt tâm lý của thị trường...
Tuy doanh số 3 quý đầu năm 2019 của làng xe cũ chứng kiến sự sụt giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo một số chuyên gia nhận định, sắp tới đây khi bước vào quý IV/2019, thị trường xe cũ trong nước sẽ có thể ổn định và khởi sắc hơn do tâm lý mua xe của người tiêu dùng thường dồn vào những tháng cuối năm.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)
Ảnh: autothanhcong