Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ được kết nối với 55 tuyến buýt trợ giá dọc hành lang để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thông tin, ngay trong ngày nhận bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông từ Bộ GTVT, Công ty sẽ chuẩn bị số lượng xe buýt chờ sẵn để phục vụ việc đi lại người dân và thực hiện giải tỏa khi cần thiết.
Trong 15 ngày đầu, sẽ có 2 loại tàu hoạt động, trong đó là 3 chuyến tàu tham quan chạy suốt tuyến, không dừng đỗ tại các ga. Loại còn lại là để phục vụ nhu cầu đi lại thông thường của người dân. Trong những ngày miễn phí, khách đi tàu được phát thẻ miễn phí.
Về kết cấu hạ tầng xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đến thời điểm hiện tại, dọc hành đã đạt tổng cộng 55 tuyến buýt trợ giá hoạt động, bao gồm cả kết nối dọc và kết nối ngang.
Trước đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các công đoạn để bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho TP Hà Nội phải được thực hiện trước ngày 10/11. Tại cuộc họp mới đây nhất, Bộ GTVT và TP Hà Nội đã thống nhất dự kiến ngày 6/11 sẽ tiến hành bàn giao dự án.
Có 55 tuyến buýt kết nối với đường sắt Cát Linh- Hà Đông để phục vụ khách đi lại
Do hướng tuyến cơ bản của dự án theo hướng tâm kết nối từ khu vực Tây Nam tới trung tâm thành phô, lộ trình chủ yếu qua các tuyến đường tập trung nhiều cơ quan, trường học nên sẽ thu hút trực tiếp nhu cầu đi lại của người dân dọc tuyến.
Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông có năng lực vận chuyển rất lớn với gần 10.000 người/giờ. Do đó, việc cung ứng, giải tỏa hành khách từ các chuyến tàu cần phải đặc biệt chú trọng để đảm bảo khai thác tối đa năng lực vận hành của tuyến đường sắt.
Khai thác tối đa năng lực tàu đường sắt Cát LInh- Hà Đông
Theo báo cáo phương án kết nối vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến 2A, Hà Nội thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến để đạt tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m.
Trong đó 12 cặp điểm dừng được đặt trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT Cát Linh; La Thành; Thái Hà; Láng; Thượng Đình; Phùng Khoang; Văn Quán; Hà Đông; Văn Khê; La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga Vành Đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối.
Ngoài ra, sẽ có thêm 14 nhà chờ xe buýt được bổ sung trong thời gian tàu hoạt động để nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên con số 28. Đồng thời bố trí các khu vực dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe khi sử dụng tuyến đường sắt đô thị này.
Bên cạnh đó, nhà chức trách sẽ nghiên cứ nhằm giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Cụ thể là với 4 tuyến buýt 02, 21, 27, 33 với các phương án điều chỉnh thành tuyến thời gian hoạt động, chuyển thành tuyến kết nối ngang hoặc hợp nhất để vừa đảm bảo khai thác lượng hành khách trên tuyến, và không làm giảm số lượng phương tiện công cộng phục vụ người dân.
Ngân Tuyền (ANTD)