Khúc cua thứ 15 – khúc cua cuối cùng tại trường đua Sepang, luôn được mệnh danh là khúc cua định đoạt cuộc chơi. Trong chặng 2 của giải Asia Road Racing Championship vừa qua, khúc cua 15 đã mang lại đủ thái cực cảm xúc cho toàn đội Honda Racing Vietnam.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid, Honda Racing Vietnam đã tiếp tục hành trình chinh phục giải ARRC với mùa giải 2022 với vòng đua thứ 2 tại Sepang, Malaysia. Honda Racing Vietnam tiếp tục là đại diện duy nhất của Việt Nam với 3 tay đua Cao Việt Nam (#65, hạng mục AP250), Nguyễn Đức Thanh (#193) và Nguyễn Anh Tuấn (#178) tại hạng mục UB150).
Sepang – Phép thử nặng đô cả về tinh thần và kỹ thuật
Có lẽ Sepang là trường đua nổi tiếng nhất khu vực Đông Nam Á với hàng loạt chặng đua danh giá đã từng hoặc thường xuyên được tổ chức tại đây, bao gồm F1 Grand Prix và MotoGP. Sepang có chiều dài 5,54 km với tổng cộng 15 khúc cua bao gồm sự kết hợp giữa những khúc cua tốc độ cao, khúc cua tốc độ thấp và sự thay đổi độ cao đến chóng mặt. Đoạn thẳng dài, cua trái phải liên tục và sự thay đổi độ cao mặt đường khiến bất cứ tay đua nào cũng phải tập trung cao độ khi thi đấu ở Sepang nếu như không muốn … ăn cỏ!
Tại Sepang, có 2 cụm khúc cua được ngay cả những tay đua lão luyện nhất cũng phải đánh giá là “khó nhằn”. Đầu tiên là cụm khúc cua 1 và 2. Theo Nguyễn Đức Thanh (#193) đoạn khó khăn nhất của đường đua Sepang chính là đoạn thẳng khởi đầu. Đoạn thẳng xuất phát băng qua khán đài này có chiều dài lên tới 927 mét, dài nhất trong mọi trường đua tại giải ARRC. Đó là sân khấu để những tay đua với các cỗ máy mạnh mẽ nhất bỏ xa đối thủ trước khi đối mặt với khúc cua thoải số 1 và khúc cua tay áo xuống dốc số 2 cực nguy hiểm. Nếu như mải so kè tốc độ và không chủ động phanh đúng điểm phanh, các tay đua sẽ có nguy cơ va chạm rất cao hoặc bỏ qua đỉnh cua, bị các tay đua khác vượt mặt.
Cụm khúc cua thử thách tiếp theo là khúc cua 12 – 13 – 14. Các vận động viên phải đối mặt với những vùng tăng tốc và vùng phanh liên tục, khi vừa qua đỉnh cua 13 là họ phải vừa phanh hết cỡ, vừa ngả người sang bên phải để vào cua 14. Việc làm chủ khúc cua thứ 14 sẽ khiến các tay đua giành được lợi thế trong cuộc đua drag dài 800 mét hướng đến khúc cua “tử thần” số 15. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng khúc cua số 15 sẽ định đoạt trận đua và thực tế đã cho thấy rằng khúc cua cuối cùng này đã mang lại niềm vui cũng như lấy đi nước mắt của cả những vận động viên top đầu và 3 vận động viên đến từ Việt Nam.
UB150 – Bản lĩnh của những tay đua trẻ!
Thể thức UB150 này là sân chơi có sự chênh lệch độ tuổi tay đua lớn nhất, với tay đua trẻ nhất mới vừa tròn 12 tuổi, trong khi tay đua có tuổi đời cao nhất là anh Ahmad Fazli Sham – 40 tuổi. Sự chênh lệch về độ tuổi và kinh nghiệm chính là thứ tạo ra sức hấp dẫn của thể thức UB150 vì điều gì cũng có thể xảy ra!
“Vạn sự khởi đầu nan” là sự ví von rất chính xác với hành trình của toàn đội đua Honda Racing Vietnam tại Malaysia. Cả hai vận động viên ở hạng UB150 là Nguyễn Đức Thanh (#193) và Nguyễn Anh Tuấn (#178) đều không có sự khởi đầu như ý trước khi Race 1 bắt đầu. Cụ thể, Nguyễn Anh Tuấn chỉ có vị trí xuất phát 20/24 trong khi Nguyễn Đức Thanh còn không thể tham gia Race 1 vì trục trặc kỹ thuật. Như vậy, trong cả race 1, chỉ có một mình Nguyễn Anh Tuấn “tả xung hữu đột” giữa một rừng tay đua Malaysia và Indonesia.
Khi chặng 1 trôi qua được 3 vòng đua, Anh Tuấn vẫn ngụp lặn ở vị trí 21/24 và cách top dẫn đầu khoảng 10 giây. Cũng không có gì lạ khi các tay đua Malaysia chiếm đa số vị trí trong top dẫn đầu, 2 năm gián đoạn bởi covid đã khiến các vận động viên nước ngoài chịu thiệt thòi lớn khi thi đấu ở Sepang. Dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, tay đua Nguyễn Anh Tuấn của Honda Racing Vietnam vẫn kiên cường giữ vị trí rất tốt, không để tay đua cạnh tranh trực tiếp là Asyraf Zamri vượt lên. Sự kiên trì của Nguyễn Anh Tuấn đã được đền đáp xứng đáng khi các tay đua ở top giữa liên tục “ngã ngựa” ở 3 vòng đua cuối, đa phần là ở cụm khúc cua khó nhằn 12 – 13 – 14. Kết thúc race 1, Nguyễn Anh Tuấn xếp vị trí 15/24 tay đua, dù chưa có điểm nhưng anh vẫn cải thiện được 6 bậc so với vị trí xuất phát.
Ở race 2, 2 vận động viên Việt Nam đã thi đấu với tất cả khát khao chiến thắng và khả năng bản thân. Ngay ở vòng đua thứ 2, Nguyễn Anh Tuấn đã có một pha vào cua xuất sắc ở khúc cua 15, vượt qua 2 đối thủ và tạm chiếm vị trí thứ 16, trong khi Nguyễn Đức Thanh cũng tiến lên vị trí thứ 19, cải thiện 5 bậc so với vị trí xuất phát. Thế trận giằng co được giữ nguyên ở cả 3 top đầu, giữa và cuối cho đến vòng đua cuối cùng. Ở ngay khúc cua thứ 4 vòng cuối, Nguyễn Anh Tuấn đã xuất sắc vượt qua Gian Mauricio để chiếm vị trí thứ 15, trong khi Nguyễn Đức Thanh cũng leo lên vị trí thứ 17. Dù vậy, dường như khát khao có điểm tại Sepang đã trở nên xa vời hơn bao giờ hết…
Nhưng không! Một tai nạn lớn xảy ra ở khúc cua 15 định mệnh, khiến 5 tay đua ở top đầu phải dừng cuộc chơi ngay trước vạch đích. Đó là một kịch bản còn kịch tính hơn cả phim Hollywood và 2 vận động viên của Việt Nam đã về đích ở vị trí thứ 11 (Nguyễn Anh Tuấn) và 12 (Nguyễn Vũ Thanh). Như vậy, kết thúc 2 vòng đua tại Thái Lan và Malaysia, Nguyễn Anh Tuấn đang có 16 điểm, xếp thứ 15/24 trên bảng tổng sắp; Nguyễn Đức Thanh có 11 điểm xếp vị trí 19/24 tay đua.
AP250 – Bản lĩnh của Cao Việt Nam
Sau phong độ chói sáng tại vòng 1 Buriram, có lẽ cả ban lãnh đạo và bản thân Cao Việt Nam đều hướng đến mục tiêu lọt vào top 10 tại 2 chặng đua diễn ra tại Sepang. Tuy nhiên, chiếc xe đua của Cao Việt Nam vẫn chưa được tối ưu triệt để đã khiến tay đua sinh năm 95 chỉ có vị trí xuất phát 14/18. Sự chuyên nghiệp ở hạng đua AP250 cũng cao hơn rất nhiều so với UB150 nên gần như không có những vụ va chạm chùm để tay đua phía sau tận dụng cơ hội. Liệu tay đua có biệt danh “The Mad” có lọt được vào top 10?
Cao Việt Nam xuất phát với sự máu lửa thường lệ, nhưng lần này anh đã không thể vượt qua đối thủ nào như cái cách anh thường làm khi đề pa bắt đầu cuộc đua. Những vận động viên Malaysia đã bọc lót cho nhau rất tốt và dường như không có một kẽ hở nào cho Cao Việt Nam. Dù vậy, ở khúc cua 15 ngay vòng đầu tiên, Cao Việt Nam đã có một pha ôm cua “chuẩn như sách giáo khoa”, vượt liền 2 đối thủ Malaysia và Indonesia để chiếm vị trí 12/18.
Cuộc đua diễn ra căng thẳng đúng như mong đợi của người hâm mộ. Cả 3 top đua liên tục hoán đổi vị trí và có những pha vượt xe với khoảng cách chỉ trong gang tấc. Ở vòng đua thứ 4, Cao Việt Nam đã vượt qua đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Muzakkir Mohamed để chiếm lấy vị trí thứ 11. Địa điểm mà tay đua Việt Nam tung ra “cú đánh” vẫn là khúc cua số 15. Ở vòng đua thứ 5, Cao Việt Nam đã khiến người hâm mộ nước nhà bùng nổ cảm xúc với một pha vào cua đẹp như tranh, loại bỏ 3 tay đua và tạm thời chiếm vị trí thứ 8/18! Vẫn là khúc cua số 15, vẫn là sự gay gắt nhưng đầy tính toán của “Gã Điên”.
Cao trào của cuộc đua vẫn chưa dừng lại ở đó. Tay đua số 19 Idlan Raduan đã không chịu nổi sức ép khủng khiếp từ Cao Việt Nam và đã mắc sai lầm, trượt ngã ở khúc cua 14. Cao Việt Nam chiếm vị trí thứ 7 dù xuất phát ở vị trí thứ 14! Tuy nhiên, tưởng như Cao Việt Nam đã nắm chắc vị trí số 7 trong tay thì cũng ngay ở khúc cua 15 ở vòng đua cuối cùng, một thoáng mất tập trung đã khiến Cao Việt Nam để 2 đối thủ Piyaw và Muzak vượt mặt. Anh đành về đích ở vị trí thứ 9 và giành 7 điểm – một thách tích vẫn rất ấn tượng.
Bước vào ngày đua thứ 2, Cao Việt Nam có quá nhiều động lực để thi đấu với 150% phong độ. Tuy nhiên, những đối thủ trong top giữa cũng thể hiện sự chặt chẽ về mặt chiến thuật và máu lửa khi ganh đua trực tiếp. Trong 4 vòng đua đầu tiên, Cao Việt Nam chỉ ngụp lặn ở 3 vị trí cuối bảng. Sự bùng nổ của “Gã Điên” chỉ thực sự xuất hiện ở vòng đua thứ 5 khi – thêm một lần nữa – anh thể hiện bản lĩnh của mình tại khúc cua 15 và vượt liền 3 đối thủ và chiếm vị trí thứ 13. Ở vòng đua áp chót, tay đua số 65 lại rơi xuống vị trí 15 – điều đó cho thấy sự cạnh tranh ở hạng mục AP250 lớn tới mức nào, dù là top đầu hay top cuối.
Sự gay cấn chưa dừng lại! Thêm một lần nữa, Cao Việt Nam cho thấy hai từ “bỏ cuộc” chưa bao giờ tồn tại trong cuốn từ điển của anh. Vẫn là khúc cua số 15 định mệnh, vẫn là một pha vào cua hoàn hảo, Cao Việt Nam đã cho 3 đối thủ hít khói và hiên ngang về đích ở vị trí thứ 12/18. Anh đã giành được 4 điểm quý giá trong ngày đua thứ 2. Sau 2 vòng đua tại Thái Lan và Malaysia, Cao Việt Nam đang có trong tay 26 điểm và xếp thứ 9/18 trên bảng tổng sắp.
Nhìn lại kết quả ARRC 2022 vòng 2 Sepang – Bản lĩnh của 3 tay đua Việt
Đội đua Honda Racing đến Sepang với rất nhiều khó khăn và thử thách, từ việc “nhịn đua” 2 năm cho đến những vấn đề về kỹ thuật. Dù vậy, màn trình diễn của 3 vận động viên trẻ tuổi đã thực sự toát nên 2 từ Bản Lĩnh. Chúng ta đã thấy sự tiến bộ rõ rệt của Nguyễn Đức Thanh và Nguyễn Anh Tuấn ở hạng mục UB150 còn Cao Việt Nam xứng đáng nhận được những lời khen tuyệt vời nhất. Anh đã không còn là người mới tại sân chơi ARRC nữa mà giờ đây, Cao Việt Nam là một vận động viên thuộc top 10 ở bất cứ chặng đua nào. Chặng ARRC tiếp theo sẽ diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 12-14/8 và người hâm mộ Việt Nam thực sự có quyền mơ về một vị trí trên bục podium.
Nông Phương (Tuoitrethudo)