Đóng
 

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:15
10:57  |  05/01/2019

Bằng thật - học giả và những xe "điên" cứ liên tiếp gây tai nạn

Những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, những con số “giật mình” về tỉ lệ người chết do tai nạn giao thông khiến ai cũng phải kinh sợ. Không có thống kê chính xác, nhưng cũng chẳng nghi ngờ gì khi chúng ta tự xếp Việt Nam là quốc gia có số vụ tai nạn giao thông hàng đầu thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng nguyên căn của những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng này là do tình trạng đào tạo lái xe tràn lan hiện nay. Bằng thật học giả là nguyên nhân chính làm cho tai nạn giao thông tăng khủng khiếp.

Bằng lái giả… vẫn sống dai dẳng

Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (QLSH-CGPLX) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy từ đầu năm đến giữa tháng 12-2018, Phòng QLSH-CGPLX đã phát hiện gần 300 bằng lái xe giả mạo, bình quân mỗi tháng phát hiện gần 25 trường hợp, hầu hết được làm giả hoàn toàn. Trong gần 300 bằng lái xe giả mạo đã được phát hiện trong năm nay chiếm nhiều nhất là loại bằng lái điều khiển mô tô, tức bằng lái A1 với 146 trường hợp, đứng thứ nhì là bằng lái ô tô (bằng B2) với 60 giấy phép lái xe. Tiếp theo là bằng lái xe tải, bằng C với 29 trường hợp giả mạo. Bằng lái xe khách dưới 30 chỗ ngồi (bằng D) nhiều thứ tư với 20 trường hợp.

Hiện nay, rất nhiều lái xe sử dụng bằng giả để qua mặt lực lượng chức năng

Câu hỏi đặt ra vì sao nạn bằng giả còn đất sống, thậm chí sống dai dẳng? Không khó để chỉ ra rằng có rất nhiều lý do được người xài bằng giả trưng ra… bào chữa! Đó có thể là do trình độ học vấn của bản thân còn hạn chế, từ đó dẫn tới sự nhút nhát, thiếu tự tin hoặc có khi không đủ sức hoàn thành bài sát hạch, nhất là sát hạch lý thuyết. Túng thì phải tính và cái “tính” đó là chuyển sang nhờ “cò”.

Nhiều bằng lái xe giả bị phát hiện thời gian qua rơi vào bằng lái xe khách. Tìm hiểu mới biết hóa ra do luật quy định để được dự thi lấy bằng lái D hoặc E, người dự thi buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9), riêng đối với bằng E còn có thêm điều kiện tuổi đời phải từ 27 trở lên, trong khi thực tế đa phần người muốn học lấy loại bằng lái xe chở khách đều có học vấn thấp. Tương tự, điều kiện về thâm niên khi muốn nâng hạng bằng lái được Bộ GTVT sửa đổi chặt chẽ hơn khi buộc phải có bằng lái trước đó 3 năm. Thời gian chờ đủ thâm niên khá dài, trong khi nhu cầu mưu sinh - lái xe - thúc bách, thế nên bằng lái giả còn… đất sống. Nói cách khác, phần nào đó chính tâm trạng sốt ruột hoặc nhu cầu bức bách phải sớm có bằng lái hành nghề nên có những người đánh liều chấp nhận xài bằng giả.

Bấm lỗ bằng lái: “Chuyện nhỏ”!

Theo thông tin trên báo NLĐ, đối với giới bác tài, bằng lái xe là cần câu cơm nên họ rất quý. Bởi vì nếu như bị bấm 2 lỗ thì có nghĩa phải thi bằng lái lại từ đầu tốn tiền rất nhiều, nhất là hiện nay phải thi bằng vi tính. Trong khi đó, việc làm bằng lái giả chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/cái.

Chính vì vậy, không ít bác tài đã “tậu” cho mình một bằng lái xe giả để cho cảnh sát giao thông vô tư mà bấm lỗ nếu họ có sai phạm. Các trường hợp bằng lái bị thu hồi đưa về Sở GTCC đa số từng vi phạm luật giao thông và bị cảnh sát giao thông bấm lỗ. Thậm chí có bằng lái bị bấm đến 3 lỗ. Nhưng vì là bằng lái giả nên các bác tài không tiếc.

Điều đáng nói là những đối tượng sử dụng bằng lái giả thường không để địa chỉ và tên tuổi thật trong bằng lái. Do đó khi xác minh đến địa chỉ đó thì cũng không có tên người cần xác minh nên không xử lý được. Có những người biết lái xe theo kiểu “cây nhà lá vườn” nhưng nếu họ không được học một cách chính quy để nắm luật giao thông thì rất nguy hiểm và dễ gây tai nạn giao thông.

Bán bằng lái xe là tiếp tay cho tội ác

Theo thông tin trên báo LĐO, chuyện thi cử giả lấy bằng thật như bằng A, B, C tiếng Anh thì đầy, tương tự là tín chỉ tin học để hợp thức hoá nhiều thủ tục theo yêu cầu của khách hàng. Thế nhưng nói sai một câu tiếng Anh không sao nhưng lái xe "sai" thì không có cơ hội để sửa, không phải cho riêng người lái mà còn những người ngồi trong xe.

Bán bằng lái xe là tiếp tay và là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông

Khi bước lên xe, không ai biết được tay nghề của tài xế, họ có niềm tin tự nhiên vào người lái xe. Nhưng đã quá nhiều, không phải niềm tin của họ bị đánh cắp, mà mạng sống của họ bị đánh cắp.

Ở các nước văn minh, họ kiểm soát rất chặt việc thi bằng lái xe, có những người thi nhiều lần vẫn không đỗ, chỉ vì kỹ năng chưa thuần thục. Họ xem việc lái xe an toàn là trên hết, bởi vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.

Còn đối với đào tạo và cấp bằng lái chở khách, yêu cầu càng ngặt nghèo, vì anh đang nắm trong tay sinh mạng của mấy chục hành khách.

Cho nên, đào tạo và sát hạch bằng lái xe theo kiểu bán bằng là tội ác, là gián tiếp giết người.

Siết chặt quản lý đào tạo, quản lý lái xe

Sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Bến Lức – Long An, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu siết chặt đào tạo, thi cử và cấp bằng lái, theo hướng có thể tăng thời lượng, điều chỉnh giáo trình, tổ chức thi công khai minh bạch...

Cần siết chặt việc quản lý đào tạo, quản lý lái xe để hạn chế tai nạn giao thông

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, xe container, xe quá khổ quá tải là loại hình đặc thù, vì thế Bộ đang nghiên cứu để có thể kiểm tra sức khỏe tài xế điều khiển các phương tiện này thường xuyên hơn.

“Không chỉ cấp bằng mà phải kiểm tra, rà soát liên tục. Doanh nghiệp phải đánh giá về quá trình hoạt động của lái xe; phải làm hết lương tâm. Nếu không làm hết trách nhiệm để những tài xế này ra ngoài xã hội gây tai nạn chết người thì lương tâm của các chủ doanh nghiệp cũng có lỗi”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức học thi cấp bằng lái xe, tất cả các lái xe khi ra đường phải vững vàng nghiệp vụ, tư cách đạo đức tốt, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tăng thời lượng giáo trình để lái xe biết vấn đề cơ bản về Luật Giao thông, tổ chức thi cử công khai minh bạch để cấp bằng.

Nguyễn Thuỷ (Tuoitrethudo)