Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok lần thứ 46 (BIMS 2025) đã kết thúc với một kỷ lục mới: 77.379 đơn đặt cọc ôtô sau 12 ngày diễn ra.
Con số này không chỉ vượt 44,8% so với kỳ triển lãm năm ngoái, mà còn cao hơn cả doanh số trung bình tháng toàn thị trường Thái Lan (khoảng 48.000 xe/tháng). Riêng ngày cuối cùng, các hãng xe nhận về 14.560 đơn – một minh chứng rõ ràng cho sức nóng của sự kiện này.
Đáng chú ý, hơn 65% lượng xe đặt mua thuộc về nhóm xe năng lượng mới (NEV), phản ánh xu hướng chuyển dịch rõ rệt của người tiêu dùng Thái Lan sang xe điện và hybrid. BYD là cái tên dẫn đầu với 9.819 đơn, tiếp theo là Toyota (9.615 xe) và Honda (5.948 xe). Ngay cả các thương hiệu siêu sang như Porsche, Rolls-Royce hay Aston Martin cũng ghi nhận đơn hàng.
Trong bối cảnh thị trường ô tô Thái Lan sụt giảm mạnh năm qua (chỉ đạt 572.675 xe bán ra trong cả năm), BIMS 2025 cho thấy triển lãm không chỉ là nơi trưng bày mà còn là động lực tiêu dùng thực tế, giúp kích cầu và tái lập niềm tin vào thị trường.
Việt Nam học được gì từ BIMS?
Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS 2024) – sự kiện lớn nhất ngành xe trong nước – dù quy mô và lượng khách tham quan tăng trưởng tốt, nhưng theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng đơn đặt cọc chỉ dừng lại ở mức hơn 2.000 xe sau 5 ngày, phần lớn thuộc các thương hiệu Nhật và Hàn.
Sự chênh lệch này không chỉ phản ánh sức mua khác biệt giữa hai thị trường, mà còn cho thấy tiềm năng chưa được khai thác hết của các kỳ triển lãm tại Việt Nam. Trong khi Bangkok Motorshow đang được “thương mại hóa” mạnh mẽ để trở thành kênh bán hàng chiến lược, VMS vẫn chủ yếu thiên về trưng bày, trải nghiệm và định vị thương hiệu.
Rõ ràng, BIMS 2025 không chỉ là thành công của Thái Lan mà còn là bài học đáng giá cho ngành xe Việt Nam – nhất là trong bối cảnh thị trường nội địa đang nỗ lực phục hồi sau nhiều quý tăng trưởng âm.
PV (Tuoitrethudo)