BYD dự kiến sẽ vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong ba tháng cuối năm 2023. Hiện nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc chỉ còn kém Tesla 3.000 xe.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về xe điện trên thế giới, chiếm 64% tổng sản lượng và 59% doanh số bán xe điện trên toàn cầu vào năm 2022. Một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất của Trung Quốc - BYD, dường như sẽ “soán ngôi” nhà bán xe điện lớn nhất thế giới của Tesla.
Trang tin Business Insider cho biết, doanh số bán xe điện trong ba tháng tính đến ngày 30 tháng 9 của BYD chỉ ít hơn 3.000 chiếc so với Tesla. Các nhà phân tích cho biết rất có khả năng BYD sẽ vượt qua Tesla vào cuối năm nay, đây sẽ là thời điểm quan trọng đối với thị trường xe điện nếu điều này xảy ra.
Dải sản phẩm của Tesla chỉ có 4 mẫu xe, gồm: Model S, Model 3, Model X và Model Y. Tất cả đều có mức giá khá cao từ 40.000 - 100.000 USD (970 triệu – 2,42 tỷ VNĐ).
Ngược lại, BYD tập trung vào những mẫu xe có giá bán phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, điều này giúp hãng có được lượng khách hàng lớn hơn. Tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm nay, BYD đã cho ra mắt mẫu xe điện Seagull có giá 73.000 NDT (khoảng 10.000 USD, tương đương 242 triệu VNĐ) và hiện đây là mẫu xe điện bán chạy thứ tư tại Trung Quốc, theo Autovista24.
Các mẫu xe Song, Qin Plus, Dolphin, Yuan Plus và Han của BYD cũng góp mặt trong top 10 mẫu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu Tesla chỉ góp mặt duy nhất một mẫu xe trong danh sách đó là Model Y.
Seth Goldstein - Chiến lược gia chứng khoán của Morningstar, nói với Business Insider rằng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm đến từ Tesla vẫn lớn, nhưng nhà sản xuất xe điện Mỹ sẽ cần phải "có một mẫu xe giá cả phải chăng để cạnh tranh với BYD" nếu muốn giữ vững ngôi vị dẫn đầu về doanh số bán xe điện toàn cầu. Tesla đã bán được 1,3 triệu ô tô trên toàn thế giới vào năm ngoái và Elon Musk cho biết ông muốn con số đó đạt 20 triệu vào năm 2030.
Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ chính phủ với sự hỗ trợ đối với chuỗi cung ứng pin EV, cùng nỗ lực xây dựng mạng lưới trạm sạc trong nước.
Pin chiếm khoảng 30% đến 50% giá thành của một chiếc xe điện. Ilaria Mazzocco - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC, trước đây đã nói với Business Insider rằng Trung Quốc đã đạt được lợi thế đáng kể trong lĩnh vực này, một phần nhờ vào việc kiểm soát chuỗi cung ứng cần thiết để sản xuất pin.
Theo báo cáo của Morgan Stanley - Ngân hàng đầu tư và công ty dịch vụ tài chính tại Mỹ hồi tháng 7, các công ty Trung Quốc hiện “thống trị về cơ sở hạ tầng lao động và sản xuất, cũng như khai thác các vật liệu quan trọng cần thiết để sản xuất xe điện”.
Cũng theo Morgan Stanley "có tới 90% chuỗi cung ứng pin EV phụ thuộc vào Trung Quốc", trong khi hai nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc là CATL và BYD kiểm soát hơn một nửa thị trường.
“Trung Quốc có mạng lưới cơ sở hạ tầng sạc trên cao tốc lớn nhất thế giới. Về cơ bản cứ 50 km dọc theo các đường cao tốc chính sẽ có một bộ sạc công suất lớn và điều này đã giúp giải quyết mối lo ngại lớn nhất của hầu hết của người dùng xe điện”, ông Seth Goldstein cho biết. Theo đó, sự thành công của xe điện tại Trung Quốc một phần cũng nhờ vào cơ sở hạ tầng sạc dày đặc tại nơi đây.
Bắc Kinh đã hủy bỏ chương trình trợ cấp xe điện đã hoạt động được 11 năm vào năm 2022, nhưng doanh số bán hàng vẫn tăng. Theo dữ liệu của Rho Motion do Reuters đưa tin, Trung Quốc đã ghi nhận doanh số bán xe điện kỷ lục trong tháng 10 và dự kiến sẽ kết thúc năm với hai tháng tăng trưởng mạnh hơn nữa.
TT (Tuoitrethudo)