Đóng
 

Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:56
14:15  |  26/11/2021

Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/12

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Hôm nay, ngày 26/11 Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền Thủ tướng ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022 lệ phí trước bạ nộp lần đầu của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) được giảm 50% so với mức thu hiện hành. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Đây là lần thứ 2 trong liên tiếp 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa. Động thái này nhằm kích cầu, thu hút, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm sau khoảng thời gian dài thị trường suy giảm nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thêm vào đó là tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Năm ngoái, nhờ áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ mà lượng xe tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với cùng giai đoạn trước khi giảm.

Vào hồi tháng 5, Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất ban hành chính sách này. Và tới quý III, khi thấy doanh số bán hàng liên tiếp xuống thấp trong các tháng giãn cách xã hội, Thaco và TC Motor tiếp tục gửi kiến nghị về quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe CKD.

Việc hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ được cho sẽ tạo ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân về doanh số của thị trường ô tô trong nước, trong đó các mẫu ô tô được lắp ráp trong nước sẽ chiếm lợi thế lớn trước đối thủ. Các hãng xe nắm giữ thị phần lớn và có nhà máy tại Việt Nam sắp được hưởng lợi có thể kể đến như Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, VinFast, Honda…

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, bao gồm 19.865 xe du lịch, 9.492 xe thương  mại và 404 xe chuyên dụng. Riêng xe du lịch đã tăng đến 138%, xe thương mại tăng 94% và xe chuyên dụng tăng 45% so với tháng trước. Xét về nguồn gốc, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng 9/2021. Đây là kết quả bán hàng tốt nhất được ghi nhận từ thời điểm giữa quý II, giai đoạn dịch bệnh bắt đầu bùng phát căng thẳng khiến toàn thị trường “điêu đứng”.

Đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường ô tô đang dần hồi phục trở lại và khi kết hợp với chính sách hỗ trợ vừa được ban hành, các nhà sản xuất có thể kỳ vọng việc cải thiện doanh số trong tháng 12 và khôi phục lại sản lượng trong nửa đầu năm 2022.

Tú Trương (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...