Cùng với xu hướng điện hóa trong thời gian gần đây, nhiều hãng xe đã đua nhau ra mắt các mẫu ô tô điện mới tại Việt Nam. Thị trường xe điện được mở rộng, cơ sở hạ tầng trạm sạc cũng là vấn đề khiến nhiều hãng xe và người dùng quan tâm.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện không chỉ là động thái giúp thúc đẩy sự phổ biến của xe chạy điện thân thiện môi trường, tạo sự cạnh tranh giữa các hãng xe mà các trạm sạc này còn rất cần thiết cho các xe hybrid cắm-sạc (PHEV) vốn bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.
Các hãng xe có trạm sạc tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện nay mới chỉ có duy nhất VinFast xây dựng được một hệ thống trạm sạc điện công cộng dành cho ô tô, xe máy điện với trên 150.000 cổng sạc, trải rộng 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các loại trụ sạc bao gồm: DC 250kW, DC 60kW, DC 30kW và DC 11kW.
Người dùng xe điện có thể dễ dàng tìm kiếm trạm sạc gần nhất thông qua màn hình trung tâm trên xe, ứng dụng và website VinFast.
Ngoài VinFast các hãng xe lớn như Porsche, Audi, Mercedes-Benz hay Mitsubishi vẫn có trạm sạc cho khách hàng tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng tại các thành phố lớn.
Các hãng xe này thành lập trạm sạc mới chỉ là hình thức thí điểm, mang tính chất “thăm dò” thị trường, hoàn toàn đứng ngoài ý tưởng xây dựng trạm sạc dùng chung tại Việt Nam.
“Làn sóng” xe điện Trung Quốc
Ra nhập thị trường Việt Nam, các mẫu xe điện Trung Quốc đang vấp phải một thách thức lớn là không có trạm sạc.
Chính vì thế, nhà sản xuất đã lược bỏ bớt tính năng sạc nhanh trên một số mẫu xe. Điển hình là Wuling Air EV và Hongguang Mini. Hướng đến việc sử dụng di chuyển trong phố cùng bộ pin dung lượng nhỏ nên những mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc chỉ cần một bộ sạc công suất vừa đủ tại bãi xe đã có thể đáp ứng được nhu cầu. Hoặc xe cũng có thể được sạc như những thiết bị điện thông thường.
Wuling Air EV yêu cầu công suất sạc tối thiểu là 2.200 watt và đầy pin trong vòng từ 8-11 tiếng đồng hồ, nếu sạc ở mức công suất tối đa 6.600 watt sẽ mất 4 tiếng đồng hồ. Trong khi đó hầu hết các mẫu xe điện hiện nay đều có đầu sạc nhanh DC với tốc độ sạc đầy phổ biến từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ tuỳ loại, tuy nhiên các đầu sạc nhanh này phải có những trạm sạc do chính hãng lắp đặt và đặt ở các vị trí riêng.
Tuy nhiên, để cạnh tranh cùng các mẫu xe điện khác và phục vụ được mọi đối tượng, các hãng xe Trung Quốc này cần phải có những giải pháp sạc cho những người ở chung cư hay nơi không thể lắp sạc.
Việc triển khai các trạm sạc dùng chung trên diện rộng tại Việt Nam không đơn giản. Không chỉ thách thức về tài chính mà việc đảm bảo được một chuẩn sạc đồng nhất cũng như nguồn cung cấp điện phù hợp cho các trạm cũng không dễ dàng. Do đó, cần có một lộ trình thống nhất về việc triển khai hạ tầng sạc trên quy mô toàn quốc, với những quy chuẩn rõ ràng về kỹ thuật. Trong đó, các nhà sản xuất cần có sự hợp tác và chia sẻ. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất cung cấp trạm sạc.
TH (Tuoitrethudo)