Mulsanne EWB là chiếc xe đỉnh cao của Bentley trong vòng 10 năm qua, đơn giản là vậy.
Bentley Mulsanne thế hệ đầu tiên ra đời năm 1980, đến năm 2010, cái tên Mulsanne được tái sinh và lại một lần nữa trở thành một trong những chiếc siêu sedan sang trọng và nhanh nhất thế giới. Khi Bentley Mulsanne lần đầu tiên ra đời năm 1980, nó là phát súng mở màn cho sự phục hưng của Bentley. Đó là sự trở lại với hình ảnh những cỗ máy siêu sang trọng, mạnh mẽ và bền bỉ của thập niên 20, thay vì chỉ là cái bóng của Rolls-Royce.
Sự phục hưng của Bentley
Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, hội chủ xe Bentley (Bentley Drivers Club) đã viết thư kiến nghị gửi cho David Plastow, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Rolls-Royce thời bấy giờ. Thời đó, xe Bentley chỉ đơn giản là những chiếc Rolls-Royce mang biểu tượng Flying B, chẳng đủ khác biệt để khách hàng quan tâm. Tại sao phải mua Bentley khi chúng chẳng khác gì Rolls-Royce? Những thành viên gạo cội của Bentley Drivers Club không muốn hãng xe mình yêu quý bị đồng hóa như vậy. Đáp lại nguyện vọng của hội chủ xe Bentley, David Plastow đã hứa sẽ thực hiện những biện pháp để tái sinh thương hiệu Bentley.
Năm 1980, Bentley Mulsanne ra đời và dù nó vẫn chỉ là một phiên bản hơi khác biệt một chút của Rolls-Royce Silver Spirit, ít nhất thì tên gọi Mulsanne cũng gợi nhớ lại lịch sử huy hoàng của Bentley tại đường đua Le Mans. Ngay từ lúc mới thành lập hãng, tốc độ và những chiến thắng trên đường đua mới là những yếu tố đưa tên tuổi Bentley lên đỉnh cao danh vọng chứ không chỉ riêng sự sang trọng.
Từ năm 1924 đến 1930, Bentley là hãng xe thống trị tại đường đua Le Mans với 5 chiến thắng liên tiếp và Mulsanne là tên của đoạn đường thẳng dài nhất tại đường đua Le Mans. Đoạn Mulsanne này là nơi duy nhất tại tất cả các trường đua cho phép xe đua đạt tốc độ tối đa của mình, cá biệt đã có một chiếc xe đua GT đạt 407 km/h tại đoạn thẳng dài tới 6 km này. Đã có lúc đoạn thẳng Mulsanne được fan hâm mộ gọi là “đường đua drag đỉnh nhất thế giới”, trước khi đoạn thẳng bị xẻ làm ba để tăng độ an toàn cho tay đua cũng như khán giả đến xem.
Sự phục hưng của Bentley chỉ thực sự bắt đầu năm 1982 khi mẫu Mulsanne Turbo ra đời. Mẫu xe siêu sang với biệt danh “Quả tên lửa Crewe” có tốc độ tối đa lên tới 225 km/h có thể tăng tốc nhanh hơn một số chiếc Ferrari cùng thời nhưng vẫn giữ nguyên sự sang trọng tột đỉnh của Bentley. Những chiếc Bentley lại một lần nữa sở hữu thứ tưởng chừng như đã biến mất, đó là tốc độ.
Năm 1984, Bentley Eight ra đời với mặt ca lăng crôm tương tự như xe đua Bentley những năm 20 và có hệ thống treo cứng, thể thao hơn hẳn so với xe Rolls-Royce. Năm 1985 là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử Bentley với sự ra đời của dòng Mulsanne Turbo R. Nó không chỉ nhanh hơn, mạnh hơn, sang trọng hơn Mulsanne Turbo mà còn thực sự linh hoạt và có cảm giác lái phấn khích. Mulsanne Turbo R thời đó còn tăng tốc nhanh hơn cả Ferrari, và đó là thứ người hâm mộ Bentley chờ đợi.
Mulsanne Turbo R là biểu hiện rõ nhất cho thấy lúc đó, Bentley mới là thương hiệu chủ đạo tại nhà máy đặt tại Pyms Lane, Crewe. Tính đến cuối năm 1989, Bentley đã san bằng doanh số với Rolls-Royce dù chỉ một thập kỷ trước đó, doanh số xe Bentley chỉ chiếm chưa đến 10% số xe xuất xưởng Crewe. Năm 1991, mẫu Continental R ra đời và đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, Bentley có một dòng xe riêng biệt mà Rolls-Royce không có dòng xe tương ứng.
Năm 1994, tròn 10 năm kể từ khi mẫu Mulsanne ra đời, doanh số xe Bentley và Rolls-Royce là 2:1 – cứ 2 chiếc Bentley rời Crewe thì mới có 1 chiếc Rolls-Royce. Sự lấn át của Bentley đối với chính hãng mẹ Rolls-Royce vẫn được duy trì cho đến khi Volkswagen sở hữu Bentley, BMW mua Rolls-Royce năm 1998. Vậy là 2 hãng xe sang nổi tiếng nhất Anh Quốc đã chia xa sau gần 60 năm hòa nhập.
Trái tim thuần khiết
Bentley Mulsanne EWB là phiên bản facelift được giới thiệu tại triển lãm Geneva 2016. Dù chiếc xe sở hữu rất nhiều điểm nâng cấp so với các bản tiêu chuẩn và Speed đời đầu nhưng có một thứ không hề thay đổi: khối động cơ V8 6,75 lít.
Đối với nhiều người hâm mộ Bentley, Mulsanne mới là đỉnh cao của Bentley và là dòng xe thuần khiết cuối cùng của thương hiệu này. Khi dùng từ thuần khiết, ý tôi là nó vẫn sở hữu khung gầm không có dấu ấn của Volkswagen, được lắp ráp với tiêu chuẩn khắt khe nhất và nhất là vẫn mang trong mình động cơ V8 6.75 lít trứ danh, được lắp ráp thủ công tại Crewe. Khối động cơ V8 6.75 lít của Mulsanne (tên mã L410) cũng là động cơ xe hơi lâu đời nhất còn được sản xuất.
Dòng động cơ này được sản xuất từ năm 1968, được phát triển trực tiếp bởi các kỹ sư Bentley tại Crewe và đây là dòng động cơ có tuổi đời lâu nhất thế giới, hơn cả động cơ V12 của Lamborghini. Đây là động cơ được tối ưu hóa để tạo ra nhiều lực mô-men xoắn nhất ở tua vòng thấp nhất và mượt mà nhất để đẩy chiếc Mulsanne lướt đi một cách êm ái nhất. Với 537 mã lực và 1.100 Nm, đây là một trong những động cơ mạnh nhất thế giới, chỉ kém Bugatti Chiron và một vài mẫu hypercar triệu đô khác. Chỉ riêng khối động cơ hạng nặng này cũng đủ để khiến Mulsanne khẳng định đẳng cấp đối với phần còn lại.
Ở một góc độ nào đó, Bentley Mulsanne còn thuần khiết và nguyên bản hơn Rolls-Royce Phantom thế hệ trước, mẫu xe siêu sang được lắp ráp trên khung gầm BMW sản xuất và sở hữu động cơ V12 của BMW. Tuy nhiên, Phantom đời 8 mới nhất được lắp ráp trên khung gầm Architecture of Luxury dành riêng cho Rolls-Royce – đây là lợi thế lớn của Rolls-Royce so với các mẫu Bentley hiện tại vì “càng ít chung đụng với hãng mẹ thì càng tốt”!
Thiết kế tột đỉnh
“Chúng tôi muốn Mulsanne facelift sở hữu những sự thay đổi rõ ràng, cả về trải nghiệm và thiết kế”, ông Sam Graham, Giám đốc sản xuất Mulsanne, chia sẻ. “Về mặt trải nghiệm, Bentley muốn tạo ra một không gian tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trên thực tế, đội ngũ kỹ sư đã đạt được điều đó và Mulsanne mới là một trong những chiếc xe có khả năng cách âm tốt nhất thế giới. Về mặt thiết kế, chúng tôi muốn tạo ra một hình ảnh đậm chất Bentley nhưng không hề cũ kỹ, không lặp lại nhàm chán”.
Nếu là “fan cuồng” của Bentley thì bạn sẽ nhận ra điều thú vị của mặt ca lăng mới của Mulsanne EWB. Bộ phận này bao gồm các nan dọc hướng tâm ở bên ngoài, bên trong lại là các mắt lưới đan chéo. Đây là kiểu thiết kế lấy cảm hứng từ mặt ca lăng của những chiếc Bentley thời xưa, điển hình là chiếc Bentley 8 Litre huyền thoại.
Để ý một chút, bạn sẽ thấy mặt ca lăng của Bentley Mulsanne EWB được chế tác từ thép không gỉ. Theo tôi được biết thì hiện nay chỉ còn đúng Bentley Mulsanne và các mẫu xe của Rolls-Royce có mặt ca lăng bằng kim loại, các mẫu xe khác đều có bộ phận này bằng nhựa mạ crôm nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và dễ dàng đạt các tiêu chuẩn an toàn hơn.
Trong lịch sử xe hơi, Bentley Mulsanne là mẫu xe đầu tiên có lưới tản nhiệt thép không gỉ được mạ đen bóng. Khi khách hàng đầu tiên đưa ra yêu cầu này, các nghệ nhân thuộc bộ phận cá nhân hóa Mulliner của Bentley phải tự tạo ra quy trình mạ đen thép để phục vụ khách hàng đó, đơn giản vì quy trình đặc biệt này chưa từng xuất hiện trước đây.
Chưa hết, ngay cả lớp sơn có độ bóng và độ sâu tuyệt vời của Mulsanne cũng cần tới quy trình sơn gồm 120 công đoạn nhỏ, riêng công đoạn đánh bóng bằng tay đã tốn tới 12 giờ công. Chiếc Mulsanne EWB mà tôi trải nghiệm được sơn phối 2 tông màu vàng Rose Gold và màu xám Magnetic, giống hệt chiếc Mulsanne EWB đầu tiên!
Cụm đèn pha LED cũng là cải tiến đáng chú ý so với thế hệ trước. Mulsanne EWB có dàn đèn mang thiết kế tinh tế hơn với các vòng LED định vị ban ngày dạng khía rãnh đa chiều nhìn vô cùng nổi bật, nhất là khi xe di chuyển vào ban đêm. Tôi rất thích việc 2 cụm đèn tròn bên ngoài nay đã được đặt trên cùng một mặt phẳng so với 2 cụm đèn pha, xóa bỏ hiệu ứng “mắt xệ” của Mulsanne đời cũ. Các nhà thiết kế cũng khéo léo bố trí vòi xịt rửa đèn trong 1 tấm crôm tròn nằm gọn gàng trong vòng LED định vị, rất tinh tế!
Mulsanne là dòng xe duy nhất của Bentley mang trên nắp capô biểu tượng chữ B có cánh thẳng đứng bằng thép không gỉ. Điều đó nhằm khẳng định vị trí cao cấp nhất của Mulsanne. Tất nhiên, điều này chỉ đúng trước thời điểm Flying Spur hoàn toàn mới ra mắt, dòng Flying Spur 2020 có logo Flying B dạng cánh ngọc vô cùng thẩm mỹ và nó cũng trực tiếp thay thế Mulsanne, trở thành dòng xe flagship của Bentley.
Biểu tượng Bentley ở đuôi xe vẫn là dạng phẳng quen thuộc. Có một điều thú vị là logo Bentley dạng phẳng có số lông vũ 2 bên cánh không đều nhau: cánh trái 10 lông, cánh phải 11 lông. Bentley cố tình tạo ra sự không đối xứng này để ngăn chặn việc giả mạo logo. Riêng biểu tượng đứng của Mulsanne thì 2 bên cánh lại có đều 20 lông vũ.
Thân xe không có nhiều sự thay đổi ngoài chiều dài ngoại cỡ của biến thể Mulsanne EWB. Phiên bản trục cơ sở dài này có chiều dài tổng thể 5.825 mm, trục cơ sở 3.516 mm, dài hơn 250mm so với Mulsanne tiêu chuẩn. Toàn bộ 250 mm này được dành cho không gian cho hàng ghế sau, khắc phục nhược điểm lớn nhất của Mulsanne so với các mẫu Rolls-Royce.
Bentley Mulsanne EWB cũng được trang bị bộ la-zăng 21 inch đa chấu được mài bóng thủ công, đẹp hơn nhiều so với bản tiêu chuẩn. Một thay đổi nhỏ khác là cửa sổ trời được đặt thiên về hàng ghế sau nhiều hơn. Nền tảng khung gầm tương đối lỗi thời khiến dòng xe Mulsanne không thể có cửa sổ trời toàn cảnh panorama.
Nội thất hoàng gia
Nội thất là nơi Bentley Mulsanne EWB thể hiện sự sang trọng tột độ một cách rõ ràng nhất. Bước vào bên trong chiếc Mulsanne, bạn sẽ nhận thấy 1 vòng tròn gỗ bao quanh cabin: chạy từ táp lô đến cửa xe đến phần ghế sau. Mọi họa tiết trên từng tấm gỗ được thiết kế đối xứng từ trái sang phải giống như 2 trang của 1 cuốn sách, tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ vốn chỉ tồn tại trên những chiếc xe đắt tiền nhất. Nói đến Bentley là ta phải nhắc đến gỗ và da, chắc chắn là vậy.
Gỗ dùng để ốp nội thất xe Bentley Mulsanne được lấy ở phần gốc cây có đường kính lớn nhất (root ball), phần có chất lượng, độ hiếm và hoa văn tốt nhất của nhiều loại cây khác nhau, nổi tiếng nhất là gỗ óc chó. Bentley cho biết 75% khách hàng lựa chọn loại gỗ truyền thống này. Chiếc Mulsanne EWB được ốp gỗ Hồng Sam, một trong những loại cây cao nhất trên trái đất, có tuổi thọ trên 1.800 năm. Phù hợp với đẳng cấp của Mulsanne, đúng không?
Tất cả các loại gỗ quý mà Bentley sử dụng đều được trồng và chăm sóc hoàn toàn tự nhiên. Vào mùa lá rụng, toàn bộ lá sẽ được bón ngay tại những gốc cây, mỗi cây gỗ khi đủ tuổi khai thác (trung bình khoảng 200 năm) người ta lại tiếp tục trồng tiếp những cây con mới cùng loại vào đúng vị trí đó. Gỗ ốp được cắt mỏng có độ dày 0,6mm do nhà cung cấp Italia tuyển chọn sơ bộ. Bằng quá trình lựa chọn nghiêm ngặt, các nghệ nhân chế tác gỗ của Bentley chỉ lựa chọn theo tỷ lệ từ 30-35 mét vuông cho mỗi lô hàng 72.000 mét vuông gỗ.
Một chiếc Bentley Mulsanne cần tới 24 bộ gỗ ốp với đủ kích thước khác nhau, các bộ gỗ ốp này phải có hoa văn tương đồng và được ốp đối xứng từ trái qua phải một cách hoàn mỹ. Sự đối xứng trái phải của các tấm gỗ là một trong những nét đặc biệt của nội thất Bentley Mulsanne, kiểu làm nội thất như vậy được gọi là “book-matching”. Sau khi lựa chọn gỗ ốp, các nghệ nhân sử dụng laser để cắt gỗ thành những tấm ốp sau đó phủ 5 lần sơn mài rồi đánh bóng và uốn theo các khu vực ốp gỗ trên xe, có tổng cộng 40 miếng gỗ ốp trên 1 chiếc Mulsanne, tính cả tùy chọn bàn làm việc bằng gỗ. Chỉ riêng việc đánh bóng để hoàn thiện tấm ốp cũng cần tới 72 giờ công của những nghệ nhân gỗ lão luyện nhất. Từng miếng gỗ được phủ sơn mài và đánh bóng kỹ tới mức các vân gỗ hiện lên vô cùng sống động và rất có chiều sâu. Bentley là hãng xe duy nhất vẫn giữ lại xưởng gỗ bên trong nhà máy của họ đặt tại Crewe.
Nội thất xe Bentley được bọc da hoàn toàn mà không sử dụng các loại nhựa mềm thay thế. Trung bình mỗi chiếc xe dòng Continental người ta phải cần 12 bộ da bò hoàn chỉnh cùng 250 miếng da lẻ trong khi đó với Mulsanne số lượng cần thiết là 17 bộ da hoàn chỉnh và 400 miếng lẻ. Các nghệ nhân cần tới 200 giờ chỉ để bọc da khoang nội thất Mulsanne. Da bò được sử dụng để bọc nội thất xe Bentley chủ yếu là da bò thuần Âu và là da bò đực được chăn thả tự do tại các cao nguyên ở Tây Đức, nơi có không gian rộng và khí hậu lạnh để hạn chế vết côn trùng đốt, cũng như vết xước trên da do hàng rào thép.
Có 16 tùy chọn ốp gỗ tiêu chuẩn, 16 màu da cơ bản, 4 kiểu phối màu da, 120 màu sơn cơ bản và tất nhiên, bất kỳ màu sắc nào bạn yêu cầu cũng sẽ được đáp ứng. Khi lên cấu hình cho chiếc Bentley Mulsanne của bạn, thứ duy nhất có giới hạn chính là sự tưởng tượng của bạn. Bất kỳ màu sơn nào, bất kỳ màu da nào hay bất kỳ vật liệu, hoa văn nào cũng đều có thể được hiện thực hóa trên Mulsanne. Đã có rất nhiều lời đề nghị đặc biệt được dành cho Bentley, ví dụ như màu sơn xe phải trùng với màu sơn móng tay ưa thích, trùng với màu chiếc cà vạt ưa thích, gỗ ốp phải là gỗ trong vườn nhà chủ xe, bọc da đà điểu, bọc da cá sấu v.v.. Đối với một chiếc xe đẳng cấp như Bentley, chỉ cần bạn có yêu cầu, các nghệ nhận Mulliner sẽ thực hiện yêu cầu đó của bạn.
Chiếc Mulsanne EWB này còn đặc biệt hơn “đồng loại” của nó với tùy chọn 2 ghế sau tách biệt kiểu ghế máy bay hạng thương gia. Nằm giữa 2 ghế là một tủ lạnh đặc biệt, có thể chứa 2 chai sâm panh và 2 chiếc cốc pha lê tuyệt đẹp chế tác thủ công bởi David Redman tại London. Đế ly được tạo dáng theo bộ la-zăng 5 chấu nguyên bản của Mulsanne khi ra mắt năm 2009.
Giống như nhiều mẫu xe đắt tiền khác, Bentley Mulsanne cũng có 2 bàn làm việc ở hàng ghế sau. Hai chiếc này này cực kỳ chắc chắn, có thể chịu được trọng lượng 40kg đặt trên mép ngoài bàn! Mỗi chiếc bàn có thể nghiêng 20 độ, được chế tạo từ 761 bộ phận nhỏ, bao gồm cả lò xo giảm chấn để tạo ra độ đầm chắc khi bạn mở hoặc gấp bàn.
Dù bỏ ra rất nhiều tiền nhưng khách hàng khó có thể đòi hỏi những công nghệ thời thượng trên Bentley Mulsanne. Màn hình trung tâm 8 inch nay đã có tính năng cảm ứng, tốt hơn Mulsanne cũ nhưng cũng chẳng thể so với những màn hình hiện đại của BMW hay Mercedes.
Xe có kiểm soát hành trình thích ứng nhưng thiếu vắng hệ thống cảnh báo va chạm trước và tự động phanh. Hệ thống kiểm soát điểm mù đã xuất hiện nhưng không có cảnh báo phương tiện cắt ngang, có camera lùi nhưng không có camera 360. Thậm chí Mulsanne EWB còn chẳng có hỗ trợ giữ làn. Tất nhiên, mọi chuyện chẳng quá quan trọng khi ông chủ Mulsanne có một tài xế đáng tin cậy.
Trải nghiệm khác biệt
Mở cửa chiếc Bentley Mulsanne Speed, một mùi thơm thoang thoảng đầy dễ chịu khẽ lan tỏa ra không gian. Đó là mùi thơm tự nhiên của những miếng da hảo hạng nhất. Tôi đã từng ngồi lên 1 chiếc Bentley Arnage và mùi thơm da của 2 chiếc xe này hoàn toàn giống nhau. Điều ấy phần nào khẳng định da trên xe Bentley cực kỳ bền mùi, có thể lưu giữ hương thơm đến hàng chục năm.
Khoang nội thất của Bentley Mulsanne là nơi tôi chỉ muốn vào mà không muốn ra. Từng chi tiết đều toát lên vẻ sang trọng và xa xỉ tột độ. Chiêm ngưỡng khoang nội thất của Mulsanne, bạn sẽ hiểu vì sao chiếc xe này nặng tới gần 3 tấn. Đơn giản vì mọi bộ phận đều được gia công từ những vật liệu hảo hạng nhất, chân thật nhất: gỗ ốp đều là những loại gỗ quý hiếm, da hảo hạng cực mịn và đàn hồi, thảm sàn dày dặn và vô cùng êm ái, thậm chí cửa gió điều hòa với kiểu đóng mở thủ công cũng cho bạn cảm giác đang sờ vào một khối thép đặc vậy – nó đầm, chắc và mát lạnh. Ngay cả chiếc vô lăng dày dặn của Mulsanne cần tới 3 mét chỉ, 620 mũi kim khâu và 5 giờ làm việc chỉ để bọc da.
Ấn nhẹ nút đề, khối động cơ V8 khổng lồ tỉnh giấc rồi lại hiền hòa như một chú mèo ngoan, trả lại sự tĩnh lặng tuyệt đối cho khoang nội thất chiếc Mulsanne Speed. Dù vậy, sự tĩnh lặng ấy chỉ tồn tại trong xe, chỉ cần mở cửa ra thì bạn sẽ thấy quạt gió đang phải làm việc vất vả như thế nào để làm mát cho khối động cơ 6.75 lít giữa trời trưa nắng 37 độ trong tình trạng xe không di chuyển. Bentley cho biết rằng Mulsanne facelift có những cao su chân máy hiện đại hơn, có thể giảm tới 15 decibel tiếng ồn lọt vào khoang cabin. Ngay cả bộ lốp xe được Dunlop phát triển riêng cho Mulsanne cũng có xốp cách âm để giảm 50% tiếng ồn lốp, nhất là ở tốc độ cao.
Vào số, tôi ngay lập tức cảm thấy lực kéo không tưởng của khối động cơ vài chục năm tuổi này. Ở trạng thái nổ cầm chừng, động cơ chỉ quay ở tua vòng 500 vòng/phút nhưng ngay khi vừa nhả chân phanh, động cơ V8 này đã kéo chiếc xe lao đi vù vù dù tôi chưa hề chạm vào chân ga. Theo quan sát của tôi, lực kéo khủng khiếp này có thể kéo chiếc xe lên vận tốc gần 30 km/h mà tôi không cần phải đạp ga! Đây quả là một trải nghiệm đầy khác biệt mà tôi không thể tìm thấy cả trên chiếc Bentley Continental Flying Spur Speed mà mình trải nghiệm trước đây.
Rõ ràng thông số 1.020 Nm đến ngay từ tua máy 1.750 vòng/phút không phải là trò đùa. Bất kể khi nào tôi hơi nhấn vào chân ga một chút, tôi có cảm giác mình đang thả cương cho một cơn bão khổng lồ đang bị hốt bên dưới nắp capô chiếc Mulsanne. Đạp lút chân ga, chiếc xe phóng lên phía trước một cách thầm lặng và nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng. Không có tiếng động cơ gào rú thường thấy trên những chiếc xe tăng tốc lên 100 km/h trong 5,5 giây hoặc thấp hơn, không một chút cảnh báo nào về luồng sức mạnh to lớn đang kéo bạn và khối thép gần 3 tấn lên phía trước một các thầm lặng như lực hút nam châm. Thực sự, nếu không trực tiếp cầm lái Bentley Mulsanne Speed, bạn sẽ không tin có một chiếc xe nào lại tăng tốc nhanh và yên lặng như nó. Tất nhiên, “cơn bão” này cũng rất đói ăn, tôi chỉ hơi đạp ga mạnh một tí là con số 40 lít/100 km nhảy múa ngay trên đồng hồ. Không sao! Đạp ga một phát là đi một bát phở thôi mà!
Hệ thống treo của Mulsanne Speed cực êm ái, dập tắt mọi dao động một cách tức thì. Hệ thống treo này cộng với khả năng cách âm tuyệt vời sẽ khiến bạn có cảm giác mình đang đi với tốc độ ít hơn gấp đôi tốc độ thực tế. Vô lăng trợ lực dầu của mẫu xe siêu sang này cũng khá nhẹ nhàng ở tốc độ thấp, đầm chắc ở tốc độ cao và khá chính xác. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Bentley Mulsanne và Rolls-Royce Phantom là dù chiếc Bentley rất êm ái, nó luôn cho người ngồi bên trong cảm nhận mặt đường chứ không cho ấn tượng xe đang bay là là trên mặt đất giống như Rolls-Royce. Những ai thi thoảng muốn tự cầm lái chiếc xe siêu sang của mình thì sẽ tìm thấy sự phấn khích sau vô lăng Mulsanne, còn Rolls-Royce dành cho những ông chủ coi việc tự lái xe là “kém sang”.
Có thể thấy xe Bentley, dù là một mẫu flagship vô cùng sang trọng như Mulsanne, đều mang trong mình một chút ADN thể thao, đều có khả năng khiến những người ưa cầm lái phải cảm thấy bất ngờ. Chuyển sang chế độ Sport, âm thanh ống xả trở nên rõ ràng hơn, chân ga nhạy hơn một chút và hộp số sang số ở tua vòng cao hơn. Dù vậy, tôi vẫn thích để xe ở chế độ Comfort hơn. Sau vô lăng có lẫy chuyển số nhưng tôi thấy nó thật thừa thãi, hộp số 8 cấp cũng phần nào là thừa thãi vì theo kỹ sư Bentley, Mulsanne EWB thậm chí có thể hoạt động tốt nếu hộp số chỉ có 3 cấp vì sức mạnh 513 mã lực, 1.020 Nm quá khủng khiếp của nó.
Kết luận
Bentley Mulsanne EWB là mẫu xe phát huy đủ mọi tinh hoa của thương hiệu Bentley. Đó là thương hiệu lừng danh, thiết kế quý tộc, nội thất xa xỉ và trải nghiệm lái thú vị. Tất nhiên, nếu đã chọn phiên bản trục cơ sở dài thì chủ nhân của Mulsanne EWB nên ngồi sau và thưởng thức bài hát ưa thích qua dàn loa Naim 2.000W thì sẽ phù hợp hơn. Mulsanne EWB là một đoạn kết xứng đáng cho dòng xe sang trọng nhất của Bentley.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)