Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:27
17:13  |  15/01/2021

[ĐÁNH GIÁ XE] Động cơ TFG của Koenigsegg - Tương lai động cơ đốt trong!

Tiny Friendly Giant (TFG) là tên gọi rất “đáng yêu” của khối động cơ đặc biệt nằm trong chiếc hypercar Koenigsegg Gemera. TFG kết hợp với 3 động cơ điện và đặc biệt là hộp số 1 cấp độc quyền của Koenigsegg (KDD) tạo ra công suất cực khủng: 1700 mã lực!

Mãnh lực khổng lồ này kết hợp với trọng lượng khô chỉ 1850 kg khiến chiếc hypercar 4 chỗ này có thể tăng tốc lên 100 km/h trong đúng 1,9 giây và đạt tốc độ tối đa 400 km/h. Chưa hết, hãng xe Thụy Điển còn hứa hẹn rằng thời gian tăng tốc 0-400 km/h của Gemera sẽ không hề kém mẫu Regera, vốn có khả năng tăng tốc lên 400 km/h và phanh về 0 km/h trong vòng 31,49 giây, để tiện so sánh thì Bugatti Chiron làm điều tương tự trong 42 giây.

Tuy nhiên, hiệu năng đơn thuần không phải là thứ thú vị nhất của Koenigsegg Gemera nói chung và khối động cơ “Gã khổng lồ thân thiện” nói riêng. Trên giấy tờ, động cơ này sản sinh công suất tối đa 600 mã lực và 600 Nm. Vậy thì có gì đặc biệt?

Thứ đột phá nhất của động cơ siêu nhỏ gọn này là hệ thống van khí nén không sử dụng trục cam truyền thống. Koenigsegg gọi đó là Freevalve – một cái tên không thể phù hợp hơn! Nhờ loại bỏ hoàn toàn trục cam, xích cam và một lô xích xông thiết bị phụ trợ, 12 cái van nạp và xả của động cơ TFG có thể hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau! Tức là 12 cái van này có thể làm bất cứ cái gì mà ECU sai khiến, có thể mở bất cứ lúc nào và mở trong bao lâu cũng được mà không cần biết cái van bên cạnh đang làm gì. Khả năng độc đáo này giải phóng động cơ đốt trong khỏi giới hạn duy nhất còn sót lại: trục cam. Nhờ đó, động cơ TFG có hiệu năng VÀ độ thân thiện môi trường tuyệt đỉnh mà không có động cơ đốt trong nào khác có thể so sánh.

Giảm tiêu thụ nhiên liệu

Theo tính toán của Koenigsegg, động cơ TFG 3 xy-lanh sẽ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 15-20% so với một khối động cơ 4 xy-lanh, dung tích 2.0L truyền thống sử dụng phun nhiên liệu trực tiếp và cam biến thiên. Tiny Friendly Giant có hiệu quả sử dụng nhiên liệu tốt hơn động cơ truyền thống vì không sử dụng bướm ga, qua đó loại bỏ hiện tượng hao hụt công suất do bướm ga (throttle loss), vốn mạnh nhất khi bạn chỉ đạp ga khe khẽ. Một ví dụ đơn giản để bạn hiểu về cái throttle loss: động cơ hít thở không khí cũng giống như ta hít vào thở ra vậy – cần một lượng công năng nhất định để ta hít vào thở ra và động cơ cũng vậy. Nếu lấy 2 ngón tay che đi gần hết lỗ mũi, bạn sẽ thấy hít vào thở ra khó hơn nhiều và động cơ cũng vậy!

Freevalve giúp động cơ TFG có thể chạy với chu trình Miller khi không cần phát huy hết công suất và chuyển sang Otto khi cần công suất lớn. Chính vì khả năng biến thiên vô hạn của Freevalve mà TFG có tỷ số nén tĩnh đạt mức 9,5:1, đây là mức cực cao đối với những động cơ chấm nhỏ boost lớn. (Ví dụ như động cơ M139 trên Mercedes A45 AMG S – một trong những động cơ I4 thương mại mạnh nhất thế giới – có tỷ số nén tĩnh 8,6:1). Khối TFG thì thực sự là next-level với cấu hình 3 xy-lanh, 2.0L mà mạnh tới 600 mã lực, 600 Nm! , tức là thông số công suất/thể tích động cơ đạt mức 300 mã lực/1.000 phân khối!

Khí thải sạch hơn

Nếu chỉ nói đến công suất thì cũng hơi … bình thường quá. Dân độ xe có thể tạo ra những con quái vật 1, 2 nghìn mã lực chỉ với động cơ 2.0, 3.0 lít . Điều khiến Tiny Friendly Giant nổi bật chính là sự tổng hòa của mọi chỉ số hoạt động của động cơ chứ không đơn thuần chỉ là công suất. Động cơ đốt trong truyền thống phát sinh nhiều khí thải nhất khi vừa nổ máy (cold start). Trong khoảng 20 giây đầu tiên này, xy-lanh lạnh, bộ xúc tác khí thải cũng lạnh và nhiên liệu không được phối trộn đều ở vòng tua máy thấp. Khi cỗ máy ấm dần lên thì 2 vấn đề đầu tiên bị loại bỏ, nhưng nhiên liệu vẫn không đạt được độ tơi tối ưu. Nhờ hệ thống van “ảo diệu”, TFG có thể tăng tốc, tạo ra nhiễu động mạnh đối với dòng không khí tràn vào và thải ra khỏi buồng đốt qua van nạp và van xả, qua đó khiến hòa khí tơi hơn, trộn đều hơn. Nhờ đó, TFG thải ra ít hơn hẳn 60% khí thải khi cold start so với động cơ có trục cam! Về cơ bản thì Tiny Friendly Giant đã xóa bỏ giới hạn cuối cùng về mặt khí thải của động cơ đốt trong: độ “bẩn” của dòng khí thải khi nổ máy nguội.

Chưa hết, nếu sử dụng nhiên liệu xanh (xăng Ethanol v.v..), có khả năng lớn là thứ mà TFG thải ra thậm chí còn sạch hơn cả không khí xung quanh nó! Do đó, nếu con Gemera này mà chạy ở Hà Nội vào những ngày này, thì có khi nó lại trở thành một cái máy lọc không khí. Theo tính toán của Koenigsegg, nếu sử dụng loại nhiên liệu xanh tốt nhất, TFG có khả năng trở thành một cỗ máy CO2 âm, tức là lượng các-bon điô-xít nó tiêu thụ còn nhiều hơn lượng CO2 thải ra!

Luôn nổ máy – dù ở bất cứ đâu

Nhiên liệu ethanol (còn được gọi là xăng cồn) sẽ giải phóng hiệu năng tối đa cho động cơ TFG cũng như nhiều động cơ hiệu năng cao khác. Ethanol có khả năng làm mát buồng đốt tốt hơn khi chúng hóa hơi và cũng có trị số octane cao hơn hẳn so với xăng bình thường. Tuy nhiên, nhược điểm của ethanol là chúng khó hóa hơi hơn xăng, nhất là khi trời lạnh hoặc nổ máy nguội.

Hệ thống van Freevalve khắc phục nhược điểm này bằng một lộ trình khởi động động cơ đặc biệt. Ở 3 xy-lanh, sẽ có một van nạp được điều khiển để mở chậm hơn – và mở ít hơn van còn lại. Điều này khiến tạo ra gió xoáy mãnh liệt hơn khi dòng không khí tràn vào buồng đốt, giúp nhiên liệu được đánh tơi hơn. Hệ thống tuần hoàn khí thải ERG có nhiệm vụ luôn hồi dòng khí xả, đẩy chúng ngược về cổ góp khí nạp, tận dụng nhiệt lượng của chúng để khiến động cơ làm nóng nhanh hơn. Đặc biệt hơn, động cơ TFG còn có tính năng “Heating Mode” rất hay ho: mô tơ điện sẽ khiến trục khuỷu quay liên tục khoảng 10 vòng trong vòng 2 giây, lúc này kim phun chưa hề phun xăng vào buồng đốt. Sau khoảng 10 vòng này thì không khí bên trong buồng đốt được nung nóng, đạt nhiệt độ 30 độ C. Như vậy, Tiny Friendly Giant có khả năng đề nổ cold start và làm nóng tốt hơn mọi động cơ dùng trục cam trên thị trường.

Chàng khổng lồ tí hon

Đúng như cái tên của nó, động cơ TFG cực kỳ nhỏ gọn, đặc biệt là so với công suất 600 mã lực, 600 Nm của nó – những con số thường thấy trên động cơ V8 tăng áp kép chấm lớn. Bên cạnh những vật liệu cao cấp nhất thì động cơ này cũng có hệ thống bôi trơn các-te khô (dry sump oil system) giúp động cơ càng nhỏ gọn, trọng tâm thấp và có thể chịu được gia tốc vào cua lớn, độ nghiêng lớn mà không bị hụt dầu. Toàn bộ khổi động cơ này chỉ có cân nặng đúng 70 kg và có kích thước có thể nhét vừa 1 cái valy xách tay máy bay!

Hệ thống tăng áp kép cực kỳ bá đạo

Bên cạnh Freevalve, khối động cơ Tiny Friendly Giant còn sở hữu hệ thống tăng áp kép vô cùng thú vị. Nói một cách đơn giản thì một turbo nhỏ được kết nối với nhóm van xả số một của ba chiếc xy-lanh, trong khi turbo to còn lại được kết nối với nhóm van xả số hai. Khi ở vòng tua thấp, tải thấp, chỉ một nhóm van xả được mở ra, điều đó có nghĩa rằng chỉ một chiếc turbo nhỏ nhận được khí thải và hoạt động, tạo ra boost. Điều này giúp tối đa lượng khí xả chạy vào tuốc bin của turbo số 1 này, giúp nó phản ứng tức thời và nhanh chóng đạt được áp suất nén khí tối đa. Khi người lái đạp thốc ga, các nhóm van xả phục vụ turbo số 2 mới mở ra và động cơ sẽ đạt tối đa công suất. Thiết kế cực kỳ đơn giản và thông minh này – tất nhiên rồi – chỉ có thể áp dụng được khi các van xả được điều khiển độc lập với nhau, thứ mà chỉ có TFG làm được với hệ thống Freevalve!

Kết quả là chúng ta có một động cơ 3 xy-lanh, dung tích 2.0L mà sản sinh được 400 Nm ngay từ vòng tua 1.700 vòng/phút. Kinh khủng hơn, động cơ này đạt lực xoắn tối đa 600 Nm tại dải vòng tua vô cùng rộng: 2.000 – đến 7.000 vòng/phút! Chưa hết, công suất tối đa 600 mã lực đạt được ở vòng tua cực cao: 7.500 vòng/phút và tua máy tối đa của TFG lên tới 8.500 vòng/phút! Redline lên tới 8.500 vòng/phút là điều chưa từng hãng nào đạt được đối với động cơ I3, vốn luôn có rung chấn và độ bất cân bằng khi so với các cấu hình động cơ lớn hơn. Theo Koenigsegg, nếu không có turbo thì khối động cơ 2.0L này cũng có thể sản sinh 280 mã lực ở trạng thái nạp khí tự nhiên. Tức là nó sẽ đạt mức công suất 140 mã lực/1.000 phân khối, nhỉnh hơn so với con số 134 mã lực/1.000 phân khối của động cơ V8 4.5L trên Ferrari 458 Speciale – một trong những khối động cơ V8 nạp khí tự nhiên vĩ đại nhất trong ngành xe!

Chúng ta cần so sánh với động cơ M139 trên Mercedes A45 AMG S để thấy TFG vượt trội như thế nào. M139 được mệnh danh là động cơ i4 2.0L mạnh nhất quả đất, sản sinh 421 mã lực tại 6.750 vòng/phút, lực mô men xoắn tối đa 500 Nm tại 5.000 – 5.250 vòng/phút, redline 7.200 vòng/phút. Đây là những con số cũng vô cùng ấn tượng, nhưng chúng không thể so với Gã Khổng Lồ Thân Thiện! Một sự khác biệt nữa là TFG chỉ nặng đúng 70kg, trong khi M139 nặng 160,5 kg. So sánh thế thì mới thấy Koenigsegg sở hữu trong tay một khối động cơ hoàn toàn có đủ phẩm chất để được vinh danh là “next-level”. Tất nhiên, bản thân khối M139 của Mercedes cũng là một power unit cực kỳ ấn tượng, nhất là khi nó nằm trong 1 chiếc xe có giá bán thấp hơn Gemera rất, rất nhiều lần.

Với khả năng cực kỳ bá đạo và sở hữu rất nhiều thuật toán phức tạp, không có gì ngạc nhiên khi Tiny Friendly Giant được chế tạo với sự hỗ trợ của công nghệ AI – trí tuệ nhân tạo. Koenigsegg đã hợp tác với SparkCognition, một trong những công ty hàng đầu về AI để biến TFG thành hiện thực. Trí tuệ nhân tạo sẽ học và tìm cách tối ưu khối động cơ này hơn nữa, tức là con số 600 mã lực, 600 Nm và khả năng di chuyển 1.000 km chỉ với một bình xăng của Gemera vẫn còn có thể tốt hơn nữa! Hy vọng những gì đột phá nhất của Tiny Friendly Giant sẽ sớm được áp dụng vào những chiếc xe phổ thông hơn để động cơ đốt trong tiếp tục duy trì và phát triển trong tương lai, một tương lại sớm bị chi phối bởi xe điện.

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...