Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:32
10:10  |  26/02/2019

[ĐÁNH GIÁ XE] Ferrari 488 GTB - Ngựa hoang!

Ferrari 488 GTB là hiện thân tột đỉnh của câu nói bất hủ: “Kiểu dáng phục vụ công năng”.

Tôi là 1 fan cuồng của Lamborghini và trên thực tế, tôi đã có một thời gian làm việc ở Lamborghini Việt Nam với cương vị là chuyên gia đào tạo. Khi còn làm việc với Lamborghini, nhiệm vụ chính của tôi là nghiên cứu sản phẩm của hãng và cả các đối thủ khác nữa, trong đó có Ferrari.

Cũng chính vì vị trí đặc biệt ấy mà tôi có cơ hội tiếp cận khá nhiều người chơi xe nổi tiếng. Kỳ lạ thay, gần như đa số họ đều khẳng định rằng lái Lamborghini không “đã” bằng Ferrari. Thật vậy sao? Hãng xe mà tôi yêu thích từ bé lại lép vế như vậy so với người đồng hương? Đó là câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu tôi ngay cả khi không còn làm việc cho Lamborghini nữa.

Gần đây, tôi đã có dịp thực hiện ước mơ thời niên thiếu: cầm lái 1 chiếc Lamborghini sở hữu động cơ V12. Cũng dường như là định mệnh, chủ nhân của chiếc Lamborghini Aventador Roadster đó cũng đang có trong tay 1 chiếc Ferrari 488 GTB. Và đó là câu chuyện dẫn đến bài đánh giá ngày hôm nay. Tôi sẽ phân tích từng chân tơ kẽ tóc của chiếc Ferrari 488 GTB này và sau đó, chúng ta hãy cùng trải nghiệm con ngựa chứng này để đánh giá xem liệu Ferrari có lái hay hơn Lamborghini như lời đồn hay không. Xin cảnh báo trước với các bạn: đây là 1 bài đánh giá được thực hiện bởi 1 người cuồng Lamborghini và đã từng làm cho Lamborghini.

Tôi đã có vài video giới thiệu qua về dòng xe 488 rồi nên hôm nay tôi sẽ không tốn thời gian của các bạn nữa. Hôm nay, tôi sẽ chỉ nêu lên những điểm tôi thích và không thích về siêu xe này. Không làm văn miêu tả nữa, chỉ đơn giản là tôi thích hay ghét cái gì thì tôi nói thẳng ra thôi!

Hãy bắt đầu luôn bởi 1 điểm tôi cực thích. Đó là Logo ngựa chồm. Ai cũng biết logo này đại diện cho 1 hãng siêu xe nổi tiếng nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Con ngựa đen là biểu tượng của Francesco Baracca, phi công nổi tiếng nhất của không lực Ý hồi thế chiến. Một hôm, trước 1 cuộc đua, lúc mà Enzo Ferrari vẫn là tay đua chủ lực của đội Alfa Romeo, chính mẹ của Baracca đã gợi ý rằng Enzo Ferrari sơn hình ngựa đen vào xe đua của mình để gặp nhiều may mắn. Kết quả là ông chiến thắng cuộc đua hôm đó. Sau này khi tạo ra hãng xe mang tên mình, ông Enzo đã đặt hình con ngựa lên nền màu vàng, màu đại diện cho thị trấn Modena làm biểu tượng của Ferrari.

Vậy đấy, logo của hãng siêu xe Ferrari đã ra đời như thế. Logo của Lamborghini thì chỉ đơn giản là do ông Ferruccio Lamborghini thuộc cung Kim Ngưu nên ổng lấy biểu tượng con bò vàng cho hãng xe mang tên mình thôi. Tất nhiên là ở thời điểm hiện tại, độ nổi tiếng của 2 logo hãng siêu xe Ý này có vẻ như tương đương nhau nhưng nếu đào sâu vào ý nghĩa của nó, tôi sẽ dành 1 điểm cho “đội Ferrari”. Ferrari 1 – 0 Lamborghini.

Tuy nhiên, dù rất thích ý nghĩa của logo ngựa chồm nhưng tôi phải nhắc ngay đến 1 điểm tôi không thích về siêu xe nhà Ferrari, đó là cái tên của nó. Tên gọi: 488 GTB - 488 tức là mỗi xy-lanh có dung tích 488 phân khối. Đây là cách đặt tên khác với những mẫu xe V8 tiền nhiệm như F430 hay 458 Italia. F430 thì tức là xe sở hữu động cơ V8 4.3 lít, còn 458 Italia thì tức là xe có động cơ 8 xy-lanh, 4.5 lít và đến từ nước Ý. Nếu theo đúng cách gọi tên của những siêu xe tiền nhiệm thì chiếc Ferrari này phải là 398 GTB mới đúng. Nhưng nếu gọi thế thì hóa ra siêu xe này lại kém hơn 458 Italia à? Có lẽ vì mục đích marketing, Ferrari đã chọn 488, tức là dung tích mỗi xy lanh để đặt tên cho chiếc xe này. Rất thông mình, nhưng tôi không thích điều này. Bên cạnh đó, GTB tức là Grand Tourismo Berlinetta, đại ý là 1 chiếc xe Grand Tourer dạng mui cứng không tháo rời.

Lamborghini Huracan có tên gọi “ngầu” hơn nhiều, vì “Huracan” tức là bão tố! Ok, không liên quan đến bò tót lắm nhưng đa phần những mẫu xe mà Lamborghini từng sản xuất đều có tên gọi lấy cảm hứng từ thế giới đấu bò. Điều đó là đủ để khiến tên gọi của Huracan mang lại nhiều sự hứng khởi hơn so với 4-8-8. Nhân tiện, “U-rah-kan” nha các bạn, không phải “Hu-ra-can”! Ferrari 1 – 1 Lamborghini.

Điểm không thích tiếp theo là thiết kế. Nghe có vẻ ngược đời nhưng tôi là một trong số ít những người không thích thiết kế của 488 GTB, ít nhất là so với siêu xe tiền nhiệm 458 Italia. Đối với tôi, 458 Italia mới là chuẩn mực thiết kế của 1 chiếc Ferrari V8. Như các bạn đã biết thì Pininfarina là hãng thiết kế đã song hành cùng Ferrari từ những ngày đầu tiên nhưng đáng tiếc là 458 Italia là chiếc Ferrari V8 cuối cùng mà studio này chắp bút, chiếc 488 GTB là do Ferrari tự thiết kế. Nó rất đẹp, nhưng không mang vẻ đẹp vĩnh cửu như 458 Italia. So với Lamborghini Huracan, chiếc 488 GTB cũng thiếu đi sự gai góc, dám phá bỏ khuôn phép, phá bỏ mọi quy tắc thiết kế mà “Bò Điên” xứ Sant'Agata Bolognese sở hữu. Ferrari 1 – 2 Lamborghini.

Tất nhiên, mọi đường nét trên thân hình Ferrari 488 GTB chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: giúp siêu xe này xé gió “ngọt” nhất có thể! Như đã nói ở trên, Siêu xe này được thiết kế hoàn toàn bởi các kỹ sư Ferrari thay vì Pininfarina và nó là mẫu xe tiêu biểu cho nguyên tắc thiết kế trứ danh: Kiểu dáng phục vụ công năng (Form follows function). Từng đường gờ, từng mặt lõm, từng hốc hút gió và kiểu dáng của từng bộ phận trên Ferrari 488 GTB phục vụ một mục đích duy nhất: giúp siêu xe này “cắt” gió tốt hơn. Hãy xem video sau:

Video trên giải thích tường tận những giải pháp khí động học trên Ferrari 488 GTB. Bằng hàng loạt bộ phận khí động học, Ferrari tận dụng lực ép sinh ra do chênh lệch áp suất (hiện tượng Venturi Effect) để tăng lực ép xuống (downforce) cho 488 GTB. Đầu tiên là 2 tấm tản gió dạng đôi (spoiler) và cột Aero Pillar ở giữa: 3 bộ phận này giúp hướng luồng gió xuống dưới gầm xe – luồng gió này được tăng tốc khi đi qua các tấm Aero fin. Gầm xe được làm cực phẳng để khiến luồng gió dưới gầm xe bị tăng tốc và giảm áp suất (không khí càng di chuyển nhanh và qua diện tích hẹp thì càng có áp suất thấp).


"Aero pillar"

Đồng thời, những tấm khuếch tán gió ở dưới đuôi (rear diffuser) giúp giảm tốc độ và tăng áp suất luồng gió thoát ra dưới gầm xe. (Bạn chỉ cần nhớ: luồng khí tốc độ thấp > áp suất cao, tốc độ cao > áp suất thấp). Sự chênh lệch áp suất giữa luồng khí dưới gầm xe và luồng khí thoát ra ở đuôi xe chính là thứ tạo nên lực ép xuống. Chưa hết, sự chênh lệch áp suất giữa luồng khí dưới gầm xe và luồng khí bên trên xe cũng là một nguồn lực ép xuống rất lớn. Ferrari còn trang bị hệ thống Active Aerodynamics tiên tiến cho 488 GTB. Đó là các tấm phẳng nằm xen giữa những cánh khuếch tán gió dưới đuôi nhằm giảm lực cản không khí ở tốc độ cao. Đây là hệ thống giảm lực cản không khí (DRS) được lấy cảm hứng từ xe đua F1 của Ferrari.

Các chi tiết bên sườn xe cũng được thiết kế với mục đích rõ ràng. Gương chiếu hậu được tạo hình để hướng luồng gió tới 2 hốc hút gió lớn bên sườn. Những hốc hút gió này được chia làm 2 phần riêng biệt: phần dưới phục vụ 2 hệ thống làm mát khí nạp (intercooler), phần trên cung cấp gió vào cổ góp khí nạp động cơ, đồng thời hướng một phần gió đến 2 hốc nhỏ ở bên cạnh cụm đèn hậu. Luồng gió này khi đi qua lỗ hẹp sẽ được tăng tốc và giảm áp suất (không khí càng di chuyển nhanh và qua diện tích hẹp thì càng có áp suất thấp, bạn còn nhớ chứ?), qua đó giảm lực cản không khí, giúp xe tăng tốc tốt hơn.

Ở giữa 2 đèn xe còn có 1 khoang rỗng, có tác dụng giảm tốc độ luồng không khí đi qua nó, qua đó tăng lực ép xuống, giúp xe bám đường hơn, vào cua tốt hơn. Ferrari áp dụng khoang rỗng này thay vì 1 cánh gió đặt cao nhằm giảm lực cản không khí nhưng vẫn tạo ra được lực ép xuống mặt đường như ý. Theo Ferrari, 488 GTB là dòng xe thương mại sở hữu nhiều giải pháp khí động học nhất mà họ từng sản xuất (vào thời điểm 2016) và có lực ép xuống mặt đường nhiều hơn 458 Italia tới 50% (con số chính xác là 325 kg tại 250 km/h). Để tiện so sánh: con số này gấp 3 lần Lamborghini Huracan tiêu chuẩn và tương đương Huracan Performante. Đó là cách mà một hãng xe đua làm xe đường phố! Ferrari 2 – 2 Lamborghini.

Hãy tiến đến phần quan trọng nhất của một chiếc xe: động cơ. Ferrari 488 GTB sở hữu động cơ V8 3.9L tăng áp kép cực kỳ tiên tiến. Động cơ này chỉ dùng chung lốc máy nhôm với người anh em California T, tất cả bộ phận còn lại như nắp quy lát, trục cam, trục khuỷu … đều hoàn toàn mới. Hai cụm tăng áp luồng đôi của IHI có các cánh quạt tăng áp được chế tạo bằng hợp kim nhôm - titan thường được dùng cho tăng áp của các máy bay chiến đấu.

Một điều đặc biệt nữa là thanh kết nối giữa tuốc bin khí xả và tuốc bin nén khí cũng được lắp vòng bạc đạn giúp giảm ma sát, khác với hầu hết hãng xe khác chỉ lắp trên giá đỡ thông thường. Kết quả là ta có động cơ V8 cho công suất tối đa 670 mã lực tại 8.000 vòng/phút, 760 Nm tại 3.000 vòng/phút. Kết hợp với trọng lượng khô dưới 1 tấn rưỡi và khí động học tiên tiến, Ferrari 488 GTB chỉ cần đúng 3 giây để tăng tốc lên 100 km/h, 8,3 giây để lên 200 km/h và đạt tốc độ tối đa 330 km/h. Tất nhiên, những thông số này tốt hơn so với Lamborghini Huracan nhưng vì khối V10 5.2L của Huracan cho trải nghiệm âm thanh “đã” hơn nên mỗi xe sẽ có 1 điểm. Ferrari 3 -3 Lamborghini.

Một điều nữa mà tôi cực thích trên chiếc Ferrari 488 GTB là hệ thống phanh của nó. Bộ phanh gốm các-bon với đĩa phanh trước được bê nguyên xi từ siêu xe LaFerrari sang 488 GTB. Đĩa trước này có đường kích lên tới 398 mm, tức là khoảng 15,7 inch, bằng kích cỡ bánh xe của những mẫu xe bình dân! Đĩa sau của 488 GTB thì nhỏ hơn LaFerrari một chút, ở mức 360 mm.

Tại sao phanh gốm các-bon lại thường xuất hiện trên xe thể thao? Câu trả lời rất đơn giản: vì hiệu năng của nó vượt trội. Phanh gốm các-bon nhẹ gấp 4 lần phanh thép bình thường. Trọng lượng đĩa phanh nhẹ hơn giúp giảm trọng lượng của hệ thống treo giúp chiếc xe nhanh lẹ hơn, phản hồi chính xác hơn. Quan trọng hơn nữa, đĩa phanh nhẹ hơn tức là bánh xe nhẹ hơn nên sẽ giảm quán tính, giúp việc quay bánh xe đỡ tốn công suất động cơ hơn, việc hãm bánh xe cũng hiệu quả hơn, đỡ tốn má phanh hơn. Chưa hết, đĩa phanh gốm các-bon có thể chịu được nhiệt độ 1000 độ C, qua đó loại bỏ hoàn toàn hiện tượng cháy phanh, tăng độ an toàn khi vận hành. Lamborghini cũng có phanh gốm – các-bon nhưng phiên bản dẫn động cầu sau vẫn sử dụng phanh thép. Như vậy, Ferrari 4 – 3 Lamborghini.

Bước vào khoang nội thất, thực sự thì đối với người mê xe thì khoang cabin 488 GTB chính là hiện thân của thiên đường. Đó là chiếc vô lăng được lấy cảm hứng từ xe đua với rất nhiều nút bấm tích hợp, là đồng hồ vòng tua máy vàng chói, là rất nhiều chi tiết bằng sợi các-bon và 2 chiếc ghế tuyệt đẹp được lấy cảm hứng từ mẫu Ferrari Daytona. Tuy vẫn còn một vài chỗ, vài nút bấm bằng nhựa nhìn khá rẻ tiền nhưng chắc chắn bạn không muốn xem tôi làm văn miêu tả. Bạn đang muốn trải nghiệm siêu xe này cùng tôi, đúng không?

Trải nghiệm choáng ngợp!

Quan điểm của tôi về xe Ferrari thay đổi hoàn toàn và mãi mãi ngay từ pha vần vô lăng đầu tiên. Có một điểm mà từ xưa đến nay, Ferrari luôn vượt trội so với Lamborghini. Đó là cảm giác vô lăng. Chiếc 488 này vẫn có vô lăng trợ lực dầu và càng lái ở tốc độ cao, cảm giác vô lăng chân thật càng khiến bạn tự tin hơn. Đúng, vô lăng trợ lực điện của Lambo có thể biến thiên theo tốc độ nhưng nếu như bạn cầm lái đủ các thể loại xe thì sẽ thấy rằng với 1 chiếc xe thể thao, vô lăng trợ lực dầu luôn là lựa chọn số một.

Hãng xe duy nhất cho đến thời điểm này chế tạo được hệ thống trợ lực vô lăng điện cho cảm giác lái gần bằng trợ lực dầu là Porsche. Nhưng trừ khi bạn vươn đến những mẫu xe Porsche mang dòng máu đua như GT3 hay GT3 RS, những chiếc Porsche “thấp cấp” hơn không thể so sánh với Ferrari.

Cũng bàn về cảm giác vô lăng, Ferrari và McLaren hiện cho trải nghiệm ngang tầm nhau. Tuy nhiên, Ferrari cũng đã lần đầu tiên áp dụng trợ lực điện trên chiếc 812 SuperFast nên tôi e rằng những chiếc Ferrari sau này cũng sẽ có trợ lực điện để giảm cân và giảm tiêu thụ nhiên liệu. Cho nên, nói riêng về cảm giác vô lăng thì tôi vẫn đứng về đội McLaren. Một câu chuyện ngoài lề: McLaren kiên quyết nói không với xe SUV nhưng Ferrari cuối cùng cũng chịu hòa vào trào lưu với một chiếc SUV sẽ ra mắt trong năm 2022.

Trở lại với chiếc 488 GTB, chỉ khi thực sự cầm lái thì tôi mới hiểu vì sao khối động cơ V8 này liên tục thắng giải Động cơ hiệu suất cao của năm từ Wards Auto. Khối động cơ V8 cho cảm giác chân ga mượt mà và nhạy không thể tin nổi. Theo thông số Ferrari công bố, động cơ của 488 GTB chỉ mất 0,8 giây để “bung lụa” toàn bộ sức mạnh nếu như bạn đang chạy tà tà ở 2.000 vòng/phút, để số 3. Con số đó của 458 Italia là 0,7 giây – bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt lên đến 0,1 giây đó không? Không chỉ có độ phản ứng nhanh nhạy, khối động cơ chưa đầy 4 lít này cho khả năng tăng tốc mãnh liệt tới mức bạn có cảm giác như đang rơi tự do vậy! Kích hoạt Launch Control, chiếc xe lao vút đi với một gia tốc thẳng gần tương đương với gia tốc trọng trường (chính xác là 0.9G!).

Nếu như không được thông báo trước thì tôi cho rằng nhiều người sẽ nghĩ 488 Spider vẫn sở hữu động cơ V8 nạp khí tự nhiên vì chân ga của nó thực sự đáng kinh ngạc. Đó là do hệ thống tăng áp tiên tiến với vật liệu siêu nhẹ, van xả khí thải và khí nạp dư thừa được điều khiển điện. Nhưng trên hết, điều quan trọng nhất khiến khối động cơ tăng áp này cho trải nghiệm như không tăng áp là bởi ECU được lập trình để hạn chế lực mô-men xoắn tối đa dựa theo các cấp số. Tức là ở số 1, động cơ sẽ không có trọn vẹn 760 Nm mà lực mô-men xoắn tối đa sẽ tăng dần theo từng cấp số, 760 Nm chỉ đạt được ở cấp số 7.


Những chiếc ghế Daytona chỉnh cơ này có khả năng ôm trọn cơ thể bạn, mang đến sự thoải mái khi vào cua ở tốc độ cao

Như vậy, kết hợp với hộp số ly hợp kép 7 cấp có khả năng sang số nhanh hơn 30% so với 458 Spider, bạn sẽ có trải nghiệm thực sự phấn khích như đang lái 1 siêu xe có động cơ nạp khí tự nhiên. Nhanh hơn 1 chút như thế thì có tác dụng gì? Giả sử như bạn cần về số gấp để chinh phục 1 khúc cua gắt, với 488 thì bạn có thể về 4 số trong khi 458 chỉ kịp về 3 số.

Hệ thống kiểm soát góc nghiêng thân xe Side Slip Control thế hệ thứ 2 cũng là tính năng đỉnh cao của 488 GTB. SSC đời đầu chỉ thay đổi tỷ lệ phân bổ lực kéo xuống 2 bánh sau qua vi sai điện tử nhưng SSC đời 2 làm được nhiều điều hơn thế. Nó tác động đến hệ thống treo từ tính, thay đổi cả lực giảm chấn ở cả 4 bánh xe và vi sai để cho phép thân xe trượt nhiều hơn hoặc gia tăng độ cân bằng tùy theo phong cách lái của người lái và chế độ lái được chọn. Tất nhiên, nếu bạn không muốn máy tính drift hộ mình thì hãy chọn chế độ lái ESC-OFF.

Một điểm nhấn nữa mà Ferrari vượt trội so với Lamborghini là hệ thống treo. Nếu bạn đã từng ngồi vào bất kỳ 1 chiếc Lamborghini nào, trừ Urus, bạn sẽ thấy ghế ngồi cứng vô cùng và hệ thống treo cũng cứng không kém. Ferrari đã sử dụng hệ thống treo từ tính ngay từ năm 2007 với chiếc 599 GTB và họ đã hoàn thiện nó đến mức hoàn hảo. Lamborghini thì chỉ bắt đầu áp dụng treo từ tính với chiếc Huracan ra đời năm 2014, sau đó là Aventador SV. Trên chiếc Ferrari 488 GTB, chỉ với 1 nút bấm là hệ thống treo có thể êm ái, hiền hòa, đi phố cực kỳ nhẹ nhàng êm ái nhưng cũng nút bấm đó sẽ khiến các thanh giảm chấn với chất lỏng từ tính cứng hơn, kiểm soát thân xe tốt hơn, mang lại cảm giác lái tốt hơn. Nhìn chung, khi nói về trải nghiệm lái, rõ ràng 1 chiếc Ferrari cho trải nghiệm mê hoặc hơn cho người lái, còn tất nhiên, 1 chiếc Lamborghini sẽ nổi bật hơn trong mắt người đi đường. Ferrari 5 – 3 Lamborghini.

Kết luận

Như vậy đấy, bạn đã thấy một fan cuồng Lamborghini bị thuyết phục như thế nào sau buổi trải nghiệm chiếc Ferrari 488 GTB. Những chiếc Lamborghini vẫn có những điểm hấp dẫn riêng: động cơ nạp khí tự nhiên, thiết kế đặc biệt hơn, sự hỗ trợ chính hãng tại Việt Nam v.v.. Tuy nhiên, nếu bạn là một người đam mê ôm vô lăng như tôi và bằng cách nào đó có đủ tiền để chơi siêu xe, hãy chọn Ferrari, bạn sẽ không phải hối tiếc dù chỉ một giây!

Điểm: 9,75/10

Ưu điểm:

- Hiệu năng đỉnh cao
- Sở hữu nhiều công nghệ hiện đại
- Trải nghiệm thuần chất

Nhược điểm:

- Động cơ tăng áp cho âm thanh chưa đủ “phê”
- Chưa có đại lý chính hãng tại Việt Nam
- Đối thủ đang mạnh mẽ hơn, điển hình là McLaren 720S

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo) 

Tags: siêu xe   Ferrari    Ferrari 488   488 GTB   xe Ý  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...