Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:50
21:24  |  22/03/2019

[ĐÁNH GIÁ XE] Nissan Navara vs Mitsubishi Triton - Xe nào tốt hơn?

Nissan Navara và Mitsubishi Triton là hai mẫu bán tải đang thu hút được khá nhiều sự chú ý của khách hàng Việt Nam với những nâng cấp đáng giá và giá bán hợp lý. Vậy, đâu là chiếc xe phù hợp hơn với bạn?

Có 2 điều “bất di bất dịch” ở thị trường xe hơi Việt Nam là Toyota Fortuner luôn dẫn đầu doanh số phân khúc SUV 7 chỗ và Ford Ranger luôn làm chủ phân khúc xe bán tải. Sự thống trị của 2 mẫu xe này được duy trì qua nhiều năm dù đối thủ của chúng không ngừng nâng cấp mạnh mẽ. Nói riêng phân khúc bán tải, doanh số hàng tháng của Ford Ranger thường xuyên gấp 3, 4 lần đối thủ gần nhất và bằng doanh số cộng dồn của tất cả đối thủ cộng lại. Tuy nhiên, việc Ranger bán chạy không có nghĩa là những mẫu bán tải khác không xứng đáng được bạn cân nhắc.

Trong số “phần còn lại”, Nissan Navara và Mitsubishi Triton là hai cái tên nổi bật nhất. Mẫu bán tải của Nissan như một chiến binh thầm lặng, không phô trương nhưng sẵn sàng mang lại giá trị tốt cho từng đồng tiền bạn bỏ ra. Trong khi đó, Mitsubishi Triton vừa có một màn chào sân hoành tráng tại Việt Nam và nhiều người cho rằng mẫu SUV nhà Mitsubishi thực sự là một kẻ thách thức xứng tầm Ford Ranger. Việc Triton có lật đổ được Ranger hay không thì hãy để thời gian trả lời, còn trên thực tế, Triton và Navara đang cạnh tranh trực tiếp với nhau cả về giá bán, khả năng vận hành và trang thiết bị, tính năng.

Hiện tại, Nissan Navara Premium R VL bản cao cấp nhất có giá niêm yết 815 triệu VNĐ, trong khi bản cao cấp nhất Mitsubishi Triton 4x4 AT MIVEC có giá công bố 818,5 triệu VNĐ, tức là chênh lệch giữa 2 xe chỉ là 3,5 triệu đồng. Mitsubishi Triton có lợi thế nhỏ về đời xe khi Navara gần như không thay đổi nhiều so với phiên bản Premium R giới thiệu năm 2017 còn chiếc Triton 2019 facelift này khác biệt rất lớn so với phiên bản 2018.

Có thể thấy, dòng xe Nissan Navara đã đi đến cuối dòng đời sản phẩm nên phần nào mất đi tính cạnh tranh so với Triton. Điều đó được thể hiện bằng việc Mitsubishi Việt Nam tự tin công bố doanh số tháng 1/2019 của Triton (273 xe), trong khi Nissan Việt Nam không công bố doanh số Navara. Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng “gừng càng già càng cay”, tức là Navara đã được sản xuất trong vài năm qua, những lỗi vặt khi giới thiệu 1 dòng xe mới gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn, trong khi Triton là đời xe mới, dễ xảy ra những lỗi nhỏ trong quá trình sản xuất hơn.

Như vậy, nếu chấm trên thang điểm 10, Nissan Navara vẫn xứng đáng với điểm 7/10. Nissan Navara Premium R VL tuy không mới bằng đối thủ nhưng đây vẫn là lựa chọn đáng tin cậy trong phân khúc xe bán tải kể từ khi ra mắt thị trường Việt Nam năm 2015. Đặc biệt, Mercedes-Benz X-Class cũng được lắp ráp trên nền tảng khung gầm của Nissan Navara, cho thấy nền tảng của Navara là đáng tin cậy. Trong khi đó, tôi sẽ dành cho Mitsubishi Triton điểm 8/10. Dù chỉ là một bản nâng cấp giữa dòng đời nhưng Triton 2019 có sức hút không kém 1 đời xe hoàn toàn mới với ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield và nhiều nâng cấp về khả năng vận hành.

Thiết kế ngoại thất

Bao giờ cũng vậy, vẻ đẹp luôn là một khái niệm mang tính chất cảm quan và chủ quan. Nói riêng về xe hơi, có người thích thiết kế tròn trịa, nuột nà, có người lại thích xe có vẻ bề ngoài nam tính, góc cạnh, hầm hố. Thế nên, tôi không thể biết trong mắt độc giả, chiếc xe nào hấp dẫn hơn nhưng trong mắt tôi, Mitsubishi Triton là mẫu xe gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Mitsubishi Triton có thiết kế hiện đại hơn so với Navara. Dấu ấn của ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield thể hiện ở mặt ca lăng hình chữ X kết hợp với cụm đèn pha cá tính. Nếu nhìn vào phân khúc bán tải, bạn sẽ thấy một mẫu thiết kế chung: đèn pha lớn, vuông vức kết hợp với lưới tản nhiệt ngoại cỡ. Chỉ riêng Triton là vẫn áp dụng ngôn ngữ Dynamic Shield một cách tự nhiên với chiếc xe bán tải của mình với kiểu thiết kế đèn pha nhỏ.

Nhìn sang phần thân xe, Triton tiếp tục kế thừa dòng máu thiết kế Dynamic Shield thế hệ mới bằng những đường nét vô cùng gãy gọn và nam tính. Triton 2019 sở hữu các vòm bánh xe vuông vức tương tự như người anh em Pajero Sport, chi tiết này kết hợp với đường gân chạy dọc thân xe mang lại ngoại hình hiện đại và khỏe khoắn cho Triton 2019. Bậc lên xuống kiêm chắn bùn rất rộng rãi được mạ bạc khá sang trọng. Bên cạnh đó, bộ mâm kích cỡ 18 inch 6 chấu đơn với hoa văn hình kim cương rất mạnh mẽ và cá tính. Phần đuôi xe cũng được tinh chỉnh với các chi tiết vuông vức hơn và cụm đèn hậu với dải LED hình dấu hỏi mang đến dấu ấn đậm chất Mitsubishi cho Triton thế hệ mới.

Nissan Navara có thiết kế đại chúng hơn, đĩnh đạc hơn so với Triton, phù hợp với nhóm khách hàng không đề cao sự hào nhoáng. Phiên bản Premium R mang đến những nâng cấp về mặt ngoại thất cần thiết để Navara cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ nhất. Đó là tấm cản trước mạnh mẽ, bộ tem hiện đại ở thân xe và logo Premium R ở đuôi xe. Xe cũng sở hữu la-zăng 18 inch đa chấu với các mặt phay sáng màu nhìn khá hiện đại và cá tính. Thêm một sự khác biệt nữa giữa Navara và Triton là mẫu bán tải của Nissan có sẵn giá nóc trên nóc xe còn Triton không có sẵn.


Nissan Navara có giá nóc, Mitsubishi Triton không có

Về trang bị chiếu sáng, cả hai chiếc xe đều có đèn pha LED đi kèm dải đèn định vị LED mang thiết kế đặc trưng của từng hãng. Cả hai cụm đèn điều có tính năng bật tắt tự động nhưng đèn LED của Mitsubishi Triton còn có tính năng tự động điều chỉnh độ cao của luồng sáng. Về cụm đèn phanh phía sau, Triton tiếp tục trội hơn với dải đèn LED hình dấu hỏi rất cá tính và khác biệt, trong khi Nissan Navara chỉ được trang bị cụm đèn phanh halogen có thiết kế vuôn vức điển hình của một chiếc bán tải.

Mitsubishi Triton có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) là 5.280 x 1.785 x 1.780 (mm), chiều dài cơ sở 3.000 mm, trong khi những thông số này của Nissan Navara là 5.255 x 1.850 x 1.840 (mm), chiều dài cơ sở 3.150 mm. Kích thước thùng xe của Triton là 1.520 x 1.470 x 475 (mm), của Navara là 1.503 x 1.560 x 474 (mm).

Nhìn chung thì Nissan Navara là mẫu xe lớn hơn ở hầu hết thông số, trừ chiều dài tổng thể kém Triton 25 mm và chiều dài thùng xe kém Triton 17 mm. Cụ thể, Navara rộng hơn 65 mm, cao hơn 60 mm, chiều dài cơ sở lớn hơn 150 mm, thùng xe rộng hơn 90 mm. Navara cũng là mẫu xe có khoảng sáng gầm xe tốt hơn (230 mm so với 220 mm) nhưng Mitsubishi Triton có bán kính quay đầu tốt hơn (5,9 mét so với 6,2 mét). Có thể thấy, Triton là mẫu xe nhỏ gọn hơn, sẽ có lợi thế khi đi đường hẹp, đổi lại thì Navara rộng rãi hơn, chở được nhiều đồ hơn và không gian nội thất cũng rộng rãi hơn Triton. Tiêu chí cuối cùng ở phần ngoại thất mà tôi muốn so sánh là trọng lượng khô của xe. Nissan Navara có tự trọng công bố là 1.970 kg, Triton nhẹ hơn 45 kg với thông số của hãng sản xuất là 1.925 kg.

Như vậy, tôi sẽ dành cho Nissan Navara 8/10 điểm. Đây là 1 chiếc xe bán tải đúng nghĩa với kích thước phù hợp cho cả nhu cầu di chuyển gia đình và chở hàng làm việc vì kích thước to lớn của nó. Tuy nhiên, Mitsubishi Triton xứng đáng được 9/10 điểm. Đây là mẫu bán tải có thiết kế đẹp nhất phân khúc với nhiều trang bị hiện đại và khả năng linh hoạt trong không gian hẹp, phù hợp với khách hàng thường xuyên di chuyển trong phố.

Nội thất – đầy đủ đồ chơi

Nếu nhìn vào bất kỳ một chiếc xe bán tải đời mới nào, bạn sẽ thấy chúng sở hữu nội thất đẹp vượt trội so với thế hệ trước. Đó là do người tiêu dùng đòi hỏi một chiếc bán tải phải có nội thất như xe con chứ không như “xe tải” – họ muốn một chiếc xe vừa để làm việc, tải nặng, vừa để di chuyển cả gia đình. Cũng chính vì những nâng cấp về thiết kế và công năng phục vụ người lái cũng như hành khách tương đương với xe gầm thấp, những chiếc xe bán tải hiện nay nhận được sự ưu ái lớn từ khách hàng Việt Nam. Đó là một điều rất hợp lý: khi ngân sách mua xe có hạn, tại sao không lựa chọn 1 chiếc xe đa dụng nhất có thể?

Nhìn vào khoang nội thất của Navara và Triton, nếu chỉ xét riêng yếu tố thẩm mỹ, tôi sẽ chọn Mitsubishi Triton. Gam màu đen chủ đạo mang đến cảm giác sang trọng, và những điểm nhấn màu bạc ở vô lăng, bảng táp lô và khu vực cần số mang đến âm hưởng hiện đại cho chiếc xe. Nhìn vào trong chiếc Triton, tôi có cảm giác đúng là mình đang nhìn vào 1 chiếc xe của năm 2019, còn với Navara thì không. Kiểu phối màu be và xám của Navara cho cảm giác hơi già dặn quá so với tôi, các chi tiết như cửa gió điều hòa hình tròn cũng không toát lên vẻ hiện đại trong mắt tôi.

Điểm tiếp theo tôi muốn nhắc đến là chiếc vô lăng của Navara. Nó có thiết kế không bắt mắt và già cỗi, nếu không muốn nói là hoàn toàn lép vế so với vô lăng của Mitsubishi Triton. Vô lăng của Triton được bọc da mềm mại hơn, có thiết kế hiện đại giống như một tấm khiên vững chãi, phản ánh đúng ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield của hãng. Tôi thích những chiếc xe toát lên được ngôn ngữ thiết kế chung từ ngoại thất đến nội thất, điều này cho thấy các nhà thiết kế của Mitsubishi rất tâm huyết với sản phẩm của họ.

Cả 2 chiếc vô lăng của Navara và Triton đều có nút chỉnh âm thanh, Ga tự động (Cruise Control), Navara có thêm nút đàm thoại rảnh tay còn Triton có lẫy chuyển số sau vô lăng. Hai lẫy chuyển số này có thiết kế to bản, đẹp và cho cảm giác bấm đầm chắc rất đã tay chứ không hời hợt như lẫy chuyển số của Honda hay Kia. Một điểm cộng nữa cho vô lăng Triton là nó có thể chỉnh tay 4 hướng (gật gù, thò thụt), trong khi vô lăng Navara chỉ 2 hướng gật gù.

Bảng táp lô 2 xe đều được làm hoàn toàn bằng nhựa cứng, táp pi cửa được bổ sung một chút nhựa mềm giả da ở khu vực tỳ tay nhưng tỷ lệ nhựa mềm giả da của Navara nhiều hơn Triton. Tuy nhiên, nếu nói về thiết kế táp lô và táp pi thì tôi thấy Triton đẹp hơn. Tuy nhiên, có một điểm tôi không hài lòng với Triton là nó có quá nhiều nút trống ở khu vực táp lô – điều cho thấy nhiều tính năng đã bị cắt bớt ở phiên bản Triton bán tại Việt Nam. Nissan Navara cũng có 3 nút trống nhưng vẫn ít hơn Triton.

Khi nói đến phần ghế ngồi, tôi sẽ dành sự ưu ái cho Nissan Navara - nếu tôi là người lái xe. Ghế lái của Navara chỉnh điện 8 hướng và có thiết kế Zero Gravity do Nissan phát triển cùng Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Nghe thì có vẻ to tát nhưng xét 1 cách kỹ thuật thì chiếc ghế lái được thiết kế để ôm lấy tài xế một cách thoải mái nhất, giảm áp lực vào vùng lưng dưới và thắt lưng – tạo tư thế ngồi tự nhiên giống như tư thế thả lỏng của các phi hành gia trong môi trường vô trọng lực. Nghe “đậm mùi marketing” nhưng tôi thực sự thấy ngồi lái Navara vô cùng thoải mái, nhất là đi đường dài. Điều đó không có nghĩa là ngồi lái Triton không thoải mái nhưng sự khác biệt là có thể cảm nhận được, và Navara cho trải nghiệm ngồi tốt hơn.

Đối với người ngồi sau thì câu chuyện lại cân bằng hơn. Nissan Navara có cửa gió điều hòa sau, điểm cộng lớn tại một nước nóng ẩm như Việt Nam. Tuy nhiên, độ ngả lưng ghế sau của Triton lại tốt hơn. Nhờ thiết kế thùng hàng J-Line hơi cong một chút nên lưng ghế sau có độ ngả lên tới 25 độ, tốt nhất phân khúc. Tôi là một người rất ghét cảm giác ngồi thẳng lưng ở hàng ghế sau xe bán tải nhưng với Triton, trải nghiệm gần tương đương với xe SUV, tất nhiên là ghế sau của Triton không thể ngả thêm được như xe SUV/CUV 5+2 hoặc 7 chỗ.


Nissan Navara có cửa gió điều hòa dành cho người ngồi sau

Dù vậy, vị trí lưng ghế cố định của Triton vẫn có độ ngả tốt hơn Navara hay Ranger, và người ngồi sau còn có bệ tỳ tay và tay nắm ở cột B để tiện ra vào xe. Không có cửa gió điều hòa sau nhưng Triton lại có 2 cổng USB và 1 ngăn chứa đồ nhỏ cho người ngồi sau. Tựu chung lại, vì Triton có hàng ghế sau thoải mái hơn nên nếu khách hàng chủ yếu đi phố và thường xuyên sử dụng hàng ghế sau, Mitsubishi Triton sẽ phù hợp hơn.

Mitsubishi Triton có màn hình trung tâm cảm ứng kích thước 6,75 inch, có hỗ trợ Apple CarPlay, Android Auto, AM/FM, MP3, Bluetooth, USB, AUX và đi kèm dàn âm thanh 6 loa. Navara có màn chỉ 5 inch, cũng đi kèm dàn âm thanh 6 loa, hỗ trợ kết nối AM/FM, MP3, Bluetooth, USB, AUX nhưng không có Apple CarPlay và Android Auto.

Tuy nhiên, màn hình của Navara chạy hệ điều hành Android nên có khả năng truy cập mạng internet và có đủ các app điển hình của Android như Google Maps, Youtube v.v.. Màn hình Navara kém nhạy hơn Triton, thiếu độ sáng và tương phản nên khó nhìn ban ngày nhất là khi chạy xe giữa trưa nắng. Màn hình cảm ứng điện dung nên có thể dùng được khi bạn khi đeo găng tay. Màn hình của Triton có giao diện đẹp hơn, sáng hơn 1 chút so với Navara, cũng dùng được khi bạn đeo găng tay và nhạy hơn so với Navara.

Tựu chung lại về phần nội thất, tôi sẽ dành cho Nissan Navara 7/10 điểm. Nissan Navara tuy không có thiết kế nội thất hiện đại như Triton nhưng nó lại tiện dụng, thực tiễn hơn với nút đàm thoại rảnh tay trên vô lăng, khoang nội thất rộng rãi hơn và nhất là cửa gió điều hòa cho hành khách phía sau. 7/10 điểm cũng là số điểm dành cho Mitsubishi Triton. Mitsubishi Triton là mẫu xe ra đời sau nên sở hữu một số tính năng nổi trội hơn so với Navara, cụ thể là màn hình tốt hơn, lẫy chuyển số sau vô lăng v.v.. Tuy nhiên, nhiều tính năng tạo ra sự khác biệt cho dòng xe Triton tại Thái Lan đã bị cắt bỏ khi nhập về Việt Nam (Hỗ trợ phanh khi gặp vật cản, camera 360, Cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn v.v..). Cần lưu ý rằng Triton bản cao nhất đắt hơn nhiều so với đời trước, khoảng 70 triệu đồng nên sự cắt giảm tính năng này là điều bạn cần cân nhắc khi lựa chọn xe.

Về trang bị an toàn, cả 2 chiếc xe đều mất điểm khi chỉ được trang bị 2 túi khí. Cả 2 cũng rất tương đồng với các trang bị tiêu chuẩn trong phân khúc (ABS, BA, EBD, Cân bằng điện tử ESP, Khởi hành ngang dốc HAS, Kiểm soát đổ đèo HDC. Nissan Navara có thêm Hệ thống phanh chủ động hạn chế trượt bánh (ABLS) và camera lùi trong khi Triton có thêm Hệ thống kiểm soát lực kéo (ASTC), không có camera lùi. Tuy nhiên, tôi chỉ dành cho 2 chiếc xe cùng 1 điểm số là 6/10 vì thiếu túi khí.

Trải nghiệm

Mitsubishi Triton 2019 vẫn sở hữu động cơ Diesel MIVEC 2.4L tăng áp cung cấp công suất tối đã 181 mã lực ở 3.500 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 430 Nm tại 2.500 vòng/phút. Đây là khối động cơ duy nhất trong phân khúc sở hữu công nghệ biến thiên van nạp MIVEC, hứa hẹn mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu song hành cùng hiệu năng ấn tượng.

Nissan Navara sở hữu động cơ lớn hơn một chút và cũng hợp lý khi động cơ này mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Động cơ dầu 2.5L YD25 High cho công suất tối đa 188 mã lực tại 3.600 vòng/phút, 450 Nm tại 2.000 vòng/phút. Khi xét tỷ lệ công suất/trọng lượng, Nissan Navara cũng trội hơn 1 chút với 95 mã lực/1000 kg, trong khi Triton là 94 mã lực/1000 kg.

Tuy nhiên, ưu điểm của khối động cơ Triton là nó có thân máy được làm bằng hợp kim nhôm, nhẹ hơn so với vật liệu gang truyền thống. Cải tiến này khiến động cơ của Triton nhẹ hơn 30 kg, giảm trọng lượng mà hệ thống treo trước phải “gánh”, cải tiện 1 chút tỷ lệ phân bố trọng lượng cầu trước/cầu sau, thứ sẽ mang lại trải nghiệm thú vị hơn.


Mitsubishi Triton có các tấm chắn gầm bằng thép, giúp bảo vệ động cơ, hộp số tốt hơn

Khi xét đến gầm bệ, cả 2 chiếc xe cùng có thiết kế khung gầm rời với cấu hình hệ thống treo tương tự: Hệ thống treo trước tay đòn kép với thanh giảm chấn dầu, có thanh cân bằng, treo sau lá nhíp với thanh giảm chấn dầu. Sự khác biệt nằm ở việc khối động cơ được bảo vệ như thế nào từ bên dưới. Nissan Navara chỉ có các tấm chắn gầm bằng nhựa, trong khi chắn gầm của Triton bằng thép. Điều đó cho thấy Triton có “gen off-road” trội hơn so với Navara.

Đúng vậy, khả năng off-road là ADN của Mitsubishi. Trong khi đối thủ Navara có hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian, có tính năng gài cầu điện tử và khóa vi sai cầu sau tương đối  tiêu chuẩn trong phân khúc xe bán tải thì Triton tạo sự khác biệt bằng hệ thống dẫn động 4 bánh phức tạp hơn nhiều. So với những mẫu xe bán tải khác, Mitsubishi Triton 2019 thực sự tạo ra sự khác biệt với Hệ thống truyền động 2 cầu Super Select 4WD-II trứ danh. Xe có tới 4 chế độ gài cầu, bao gồm 2H (1 cầu sau), 4H (2 cầu nhanh), 4HLc (2 cầu nhanh với khóa vi sai trung tâm) hay 4LLc (2 cầu chậm, khóa vi sai trung tâm). Đúng vậy, sự khác biệt của Triton 2019 là bộ khóa vi sai trung tâm, trong khi mọi đối thủ chỉ có khóa vi sai cầu sau.

Khả năng vượt địa hình trên Triton mới còn đường tăng cường thêm với nút chọn chế độ Địa hình (Offroad Mode) với 4 lựa chọn địa hình (Sỏi – Tuyết/Bùn – Cát – Đá). Với mỗi chế độ vận hành, máy tính sẽ tinh chỉnh hiệu suất động cơ, độ nhạy chân ga và độ can thiệp của hệ thống cân bằng điện tử ESC nhằm khiến xe vượt qua mọi loại địa hình khắc nghiệt. Video này sẽ chứng minh khả năng off-road của Mitsubishi Triton.

Vậy khi trở lại với đường phố, nơi mà những chiếc bán tải này hoạt động trong phần lớn thời gian thì sao? Thứ đầu tiên tôi muốn so sánh là cảm giác vô lăng. Cả hai đều sử dụng hệ thống trợ lực dầu nhưng chiếc Navara cho cảm giác vô lăng nặng hơn hẳn và tỷ số truyền của vô lăng cũng thấp hơn, dẫn tới việc khi cần quay đầu trong phố, Navara tỏ ra vụng về và khiến bạn phải vần vô lăng nhiều hơn so với Triton. Nếu đi phố và đi cao tốc, tôi vẫn thích sự đủ đầm chắc nhưng vẫn linh hoạt của vô lăng Triton hơn.

Một điểm khác biệt nữa khiến tôi thấy chiếc Triton luôn thể hiện sự lanh lẹ, linh hoạt hơn Navara là khi nổ máy. Khi ấn nút đề, cỗ máy 2.4L của Triton nổ luôn, êm ái, mượt mà, ít rung  động. Khi tôi ấn nút đề của chiếc Navara, trong khoảng 1 giây đồng hồ, không có gì xảy ra cả. Sau đó, động cơ và đèn xe mới sáng lên kèm theo rung động không hề nhỏ của khối động cơ Diesel. Đó là một chi tiết nhỏ thôi nhưng vẫn là sự khác biệt giữa 2 chiếc xe.

Về độ ồn động cơ, chiếc Triton cũng cho trải nghiệm êm ái hơn với tiếng ồn động cơ trung bình đạt 63 dB, trong khi Navara ồn hơn với mức trung bình 67 dB. Đó là kết quả được đo ở logo xe khi máy nổ cầm chừng, tắt điều hòa. Ngồi ở ghế lái, tôi cũng thấy chiếc Triton cách âm khỏi tiếng ồn động cơ tốt hơn so với Navara, nhất là khi đạp ga thốc. Với chiếc Triton, khi vào số D, chỉ cần khẽ nhấc chân phanh là chiếc xe đã lướt đi nhẹ nhàng. Đó là do cấp số 1 có tỷ số truyền ngắn hơn, tạo đà cho chiếc xe chiến thắng tự trọng của nó dễ hơn. Navara cũng cho cảm giác rời khỏi vị trí đứng yên tương đối nhẹ nhàng, tuy không mượt mà và yên tĩnh như Triton. Ưu điểm của Navara là khi chạy đường trường, hộp số 7 cấp khiến động cơ hoạt động ở tua vòng thấp hơn so với Triton (chỉ có hộp số 6 cấp), qua đó tiết kiệm dầu hơn. Tựu chung lại, về mặt trải nghiệm thì tôi cho Navara 8/10 điểm, còn Triton xuất sắc hơn, xứng đáng với 9/10 điểm.

Kết luận

Có thể thấy, với mức giá rẻ hơn khá nhiều so với Ford Ranger Wildtrak Bi-Turbo, cả hai chiếc Nissan Navara và Mitsubishi Triton đều xứng đáng là sự thay thế đáng cân nhắc. Tổng điểm của Navara qua 5 mục so sánh là 36/50, trong khi Triton trội hơn với 39/50 điểm. Bằng những lợi thế đặc trưng, mỗi chiếc xe trên lại phù hợp hơn với những nhóm khách hàng khác nhau. Nissan Navara là lựa chọn tối ưu hơn cho những người đang cần 1 cỗ máy có thể phát huy hết công năng “cày cuốc” của 1 chiếc xe bán tải nhưng vẫn có nội thất rộng rãi. Ngược lại, Mitsubishi Triton là chiếc xe bán tải có thiết kế đẹp, khả năng vận hành tối ưu và phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng thường xuyên trong phố. 

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo) 

Tags: mitsubishi   Nissan   xe bán tải   xe gia đình   Navara   xe Nhật   Triton  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...