Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT về lộ trình trang bị cabin đào tạo, sát hạch lái xe đồng thời đề xuất xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô.
Chưa có cabin hợp quy chuẩn
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có đơn vị có đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái xe ôtô, chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.
Mặt khác, việc lùi thời điểm áp dụng để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất ca bin học lái xe ôtô cũng như để các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp ca bin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật và để công tác đào tạo lái xe ôtô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp GPLX.
Theo quy định hiện hành, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo lái xe ôtô áp dụng cabin điện tử sẽ có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023).
Kiến nghị lùi lộ trình áp dụng cabin đào tạo sát hạch lái xe
Tuy nhiên đến nay, nhiều trung tâm đào tạo lái xe và cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục kiến nghị lùi thêm thời điểm áp dụng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gặp khó khăn về tài chính và chưa có sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn.
Cần lùi thời gian để có thử nghiệm, đánh giá
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm, Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung cấp loại thiết bị này ra thị trường.
“Hiện thiết bị này chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng đến đâu, sự cần thiết thế nào. Cách đây khoảng 20 năm, cabin điện tử được nhập khẩu từ nước ngoài đã được áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, chi phí cho một bộ cabin điện tử khoảng 350 - 400 triệu đồng, ngang với số tiền đầu tư xe ô tô tập lái. Trong bối cảnh chưa biết hiệu quả của loại thiết bị này thế nào, chưa có thiết bị hợp quy đã phải bỏ ra số tiền lớn nên hầu như chưa có cơ sở đào tạo nào áp dụng.
“Cần thiết phải cho phép lùi thời hạn áp dụng để có thử nghiệm, đánh giá, nếu cabin điện tử thực sự hiệu quả mới áp dụng đại trà. Việc này sẽ tránh được lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho xã hội nếu việc áp dụng không đi vào thực tế cuộc sống”, ông Quyền cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) cho hay, hiện trung tâm chưa có kế hoạch mua sắm vì chưa có đơn vị được chứng nhận sản phẩm hợp quy.
“Sau đại dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo đang gặp nhiều khó khăn, số học viên giảm chỉ còn khoảng 40% so với thời điểm trước đó. Trong hoàn cảnh đó mà phải bỏ ra số tiền lớn cả chục tỷ đồng để đầu tư cabin điện tử là quá sức đối với các trung tâm”, ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe ôtô Đức Thịnh (huyện Đông Anh) cho biết, những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan.
“Việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, song cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà. Cần thiết có thể cho phép lùi thời điểm áp dụng thêm 2 năm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn,” ông Hải nói.
Ông Hải tính toán, mỗi bộ cabin có giá 400-500 triệu đồng, với Trung tâm sát hạch lái xe ô tô Đức Thịnh sẽ phải bỏ ra số tiền đầu tư từ 10-15 tỷ đồng cho khoảng 20-30 cabin để đào tạo lưu lượng bình quân khoảng 1.000 học viên/tháng.
NNP (ANTĐ)