Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo từ 1-4-2020, thử nghiệm xe hợp đồng điện tử hết hiệu lực. Vậy sau thời điểm này, "số phận" của các loại hình ứng dụng đặt xe như Grab, Be, Fastgo sẽ ra sao?
Chiều tối nay, 3-3, phóng viên đã đặt ra câu hỏi trên tới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước khi ra thông báo dừng thí điểm loại hình ứng dụng đặt xe, Bộ đã có đánh giá hoạt động thí điểm đối với Grab và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo khi có Nghị định thay thế Nghị định 86 thì dừng hoạt động thí điểm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngày 11-2 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên kể từ ngày 1-4-2020. Do đó, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ dừng hoạt động từ ngày 1-4-2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
“Vậy sau khi dừng việc thí điểm taxi công nghệ, các loại hình như Grab, Be, Fastgo... sẽ được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải?”. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: “Loại hình xe nào phù hợp với quy định tại Nghị định 10 về hoạt động vận tải đường bộ sẽ được hoạt động”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, một trong số những quy định mới tại Nghị định số 10 là taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi thì doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách và cơ quan thuế để kiểm soát thuế.
“Loại hình nào cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật mới được hoạt động chứ không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác” - ông Đông nói.
Duy Tiến (ANTĐ)