Chưa có nghiên cứu chính thức nào cho rằng xe điện có khả năng cháy cao hơn xe xăng, tuy nhiên, nếu không may có hỏa hoạn xảy ra thì việc dập tắt đám cháy từ xe điện cũng không hề dễ dàng.
Bản chất của ắc quy điện có nhiều hóa chất phức tạp, bởi vậy, chúng rất khó bị dập tắt bằng các phương pháp thông thường như nước hay bình cứu hỏa. Chưa kể chúng còn khả năng âm ỉ cháy lại sau nhiều tuần, hoặc thậm chí nhiều tháng không sử dụng.
Do vậy, có nhiều nghiên cứu cho rằng chăn chống lửa là phương pháp dập cháy xe điện hữu hiệu nhất. Các hóa chất bên trong ắc quy điện rất khó để dập tắt. Chính vì thế, việc chặn nguồn oxy không cho lửa tiếp cận và lan ra nhờ chăn chống lửa trùm kín xe sẽ là thiết thực nhất.
Phòng chữa cháy tại Centro Zaragoza (Tây Ban Nha) đã từng thử nghiệm khi chiếc xe Nissan Leaf bị cháy. Cách chữa cháy là dùng một loại chăn chống lửa chuyên dụng cho ô tô.
Đám cháy do chiếc xe điện gây ra có nhiệt độ lên tới 1.976 độ nhưng chỉ sau 30 giây "trùm chăn", nhiệt độ bên trong giảm xuống còn 676 độ. Sau vài phút, nhiệt độ giảm còn 248 độ. Tuy nhiên, ngay sau khi bỏ chăn ra, lửa lại tiếp tục bùng lên do ắc quy mất kiểm soát.
Bridgehill - nơi sản xuất loại chăn chống lửa trên cho biết, để giảm nhiệt độ thân và ắc quy xe xuống tối đa thì mỗi chiếc xe điện cần được phủ kín ít nhất một tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, có một số loại ắc quy mới sử dụng lithium-ion có khả năng tự sinh oxy do các chất oxy hóa bên trong ắc quy. Trong trường hợp này, giải pháp hiệu quả nhất chỉ có thể là đưa xe vào thùng nước lớn hoặc các con sông/hồ gần đó để trực tiếp giảm nhiệt ắc quy mà thôi.
Ngày nay, lượng phương tiện ngày một nhiều, khu vực đỗ xe đông đúc, nếu không may có hỏa hoạn xảy ra, việc tiếp cận hiện trường cũng là khá khó khăn. Trang bị chăn chống lửa có lẽ sẽ phần nào hạn chế những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Trong tương lai, các hãng xe có thể cũng sẽ quan tâm hơn đến vấn đề hoàn thiện công nghệ ắc quy điện và khả năng loại bỏ lithium-ion khỏi trang bị này.
TH (Tuoitrethudo)