Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc, thời gian tới, TP Hà Nội còn nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành kế hoạch 235/KH-UBND thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố.
TP Hà Nội đặt ra mục tiêu mỗi năm xử lý từ 7 - 10 điểm thường xuyên ùn tắc, đồng thời hạn chế phát sinh điểm ùn tắc mới, không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Hà Nội cũng phấn đấu xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để kế hoạch đạt được hiệu quả, TP Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc.
Thành phố tập trung đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống cầu qua sông, các nút giao thông trọng điểm… Thành phố lên kế hoạch tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông, đồng thời xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu dọc tuyến quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 4 giờ được dừng nghỉ.
Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương.
Đồng thời, TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe; không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng từ 30-35% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thúy Hà (Tuoitrethudo)