Đóng
 

Thứ hai, 25/11/2024 | 08:31
10:10  |  20/05/2019

Hành trình dài hiện thực hóa "giấc mơ" bay thẳng tới Mỹ

Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới được Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cấp chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Nhưng “giấc mơ” bay thẳng tới Mỹ liệu có sớm trở thành hiện thực hay không thì câu trả lời vẫn chưa có ngày khởi hành chuyến bay thương mại chính xác.

“Giấc mơ” bay thẳng đến Mỹ đang chờ thành hiện thực

10 năm cho 1 chứng chỉ

Chiều 15-2-2019, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã trao chứng chỉ CAT 1 của FAA cho Cục Hàng không Việt Nam. Đây là một thành tựu quan trọng và là kết quả nhiều năm làm việc tích cực của Bộ GTVT. Việc đạt được CAT 1 là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không Việt Nam được phép mở đường bay đến Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, đây là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam. 

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết:  “FAA đã thực hiện nhiều đợt rà soát kỹ thuật với hàng chục tiêu chí và đều đánh giá kết quả tốt cho xếp loại an toàn hàng không của Việt Nam. Việc đạt CAT 1 có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, đây là tiền đề, điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không có thể xúc tiến các bước tiếp theo nhằm mở đường bay thẳng tới Mỹ. Thứ hai, đạt được CAT1 giúp nâng cao rất nhiều uy tín của hàng không Việt Nam trên thị trường hàng không quốc tế. Thứ ba, dù có thể chưa thực hiện bay thẳng sang Mỹ ngay, nhưng các hãng hàng không trong nước có thể hợp tác liên danh với các hãng hàng không lớn đang thực hiện bay thẳng đến Mỹ” - ông Đinh Việt Thắng nói.

Trên thực tế, để bay thẳng đến Mỹ thì dòng máy bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam như B787, A350 phải giảm tải (giảm khối lượng hàng hóa, bớt số lượng khách so với thiết kế) hoặc mua thêm các dòng máy bay hiện đại hơn, đủ khả năng bay 12 - 13 giờ liên tục. Đây là một khó khăn, chưa kể các đường bay quá cảnh một điểm dừng đã có rất nhiều hãng hàng không lớn quốc tế cạnh tranh.

Giấc mơ “bay thẳng đến Mỹ” đã đạt được một nửa, nửa còn lại phụ thuộc vào chính các hãng hàng không. Hiện nay, bay từ Việt Nam đi Mỹ phải quá cảnh ở một nước thứ ba nên sẽ mất từ 18 giờ trở lên nếu đến bờ Tây, và từ 21 giờ trở lên nếu đến bờ Đông (tính cả thời gian quá cảnh và tùy hãng hàng không).

Nếu bay thẳng đi Mỹ (hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật), thời gian sẽ rút ngắn xuống còn 13 giờ. Tuy vậy, việc thực hiện đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ hoặc ngược lại là bài toán kinh tế chưa có lời giải hài hòa. Hãng hàng không được đặt nhiều kỳ vọng nhất là “anh cả” Vietnam Airlines thì cho biết, chưa tính đến việc mở đường bay thẳng đến Mỹ trong tương lai gần.

Không dễ giải bài toán thương mại 

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khi trả lời các cổ đông tại một cuộc họp mới đây cho biết, từ năm 2008, khi đặt máy bay Boeing 787 hãng đã lên kế hoạch bay thẳng đến Mỹ. “Đường bay Mỹ là cầu nối hàng không hết sức quan trọng, nhưng việc chuẩn bị thị trường lại không hề dễ dàng. Việc FAA phê chuẩn CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam vừa qua chỉ là một thủ tục trong rất nhiều thủ tục rất khó khăn phải hoàn tất để bay đến Mỹ” - ông Thành chia sẻ.

Theo đó, các thủ tục pháp lý là vô cùng phức tạp và Vietnam Airlines cần khoảng 2 năm nữa chuẩn bị. Đơn giản như chuyện trang web của Vietnam Airlines hiện tại chưa thân thiện với người khiếm thị để họ có thể thao tác trên đó thì đã không thể vào Mỹ rồi. Trong khi đó, để thay đổi việc này cũng phải mất 2 năm để thực hiện. Cùng với đó, các dòng máy bay hiện tại chưa thể bay đủ tải tới Mỹ nên vẫn phải quá cảnh tại nước thứ 3. Thời gian tới, khi kỹ thuật máy bay phát triển hơn nữa thì mới có thể tính tới khả năng bay tầm xa và bay thẳng tới Mỹ.

Đặc biệt, ông Dương Trí Thành cũng đặt ra vấn đề, tại sao các hãng hàng không Mỹ đã đủ điều kiện bay thẳng tới Việt Nam từ khá lâu rồi nhưng họ không triển khai? Cụ thể, hãng hàng không United Airlines đã bay đến TP.HCM từ năm 2007 nhưng sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta  Airlines cũng đã bay tới TP.HCM và phải đóng đường bay rất nhanh sau đó. “Mỹ không phải là một thị trường tiềm năng về lợi nhuận. Còn nếu coi đây là khoản đầu tư, kiểu như xây cầu để thông dòng chảy về du lịch, đầu tư, thương mại, hàng hoá, hội nhập, tạo điều kiện cho người dân đi lại… thì cần có một người xây cầu, và đó là Vietnam Airlines”- lãnh đạo   Vietnam Airlines chia  sẻ.

Theo tính toán của Vietnam Airlrines, khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm. Bây giờ phải tìm cách cắt lỗ, giảm xuống dưới con số 30 triệu USD/năm. Trong khi đó, đây lại là đường bay vô cùng cạnh tranh, giá vé thấp mà chi phí khai thác lại cao. Chính vì vậy, khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi là rất dài. Để khắc phục được điều này cần rất nhiều biện pháp và phải thực hiện tốt. Đó là tìm cách hợp tác với các hãng hàng không khác để phối hợp nguồn khách, nguồn hàng...

Nhận định về tương lai mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đều cho rằng, giấc mơ bay thẳng đến Mỹ chưa bao giờ là đơn giản. Còn Cục Hàng không Việt Nam thì cho biết, mở đường bay thẳng đến Mỹ trong 5 năm đầu tiên sẽ lỗ, nhưng cái được của hãng hàng không quốc gia là thương hiệu và năng lực cạnh tranh sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu giảm, hoạt động giao lưu thương mại và nhu cầu thị trường tăng thì mức độ lỗ sẽ giảm bớt hơn. 

Trên thực tế, để bay thẳng đến Mỹ thì dòng máy bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam như B787, A350 phải giảm tải (giảm khối lượng hàng hóa, bớt số lượng khách so với thiết kế) hoặc mua thêm các dòng máy bay hiện đại hơn, đủ khả năng bay 12 - 13 giờ liên tục. Đây là một khó khăn, chưa kể các đường bay quá cảnh một điểm dừng đã có rất nhiều hãng hàng không lớn quốc tế cạnh tranh. Do vậy các hãng hàng không Việt Nam cần phải có sự tính toán rất kỹ. 

“Tân binh” sẽ mở đường?

Trong khi “anh cả” Vietnam Airlines còn đang tính toán bài toán kinh tế thì “tân binh” Bamboo Airways mới đây cho biết, sẽ sớm mở đường bay thẳng tới Mỹ. Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói rằng, hiện nay hãng có 10 máy bay với tần suất phục vụ 50 chuyến/ngày. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019 đội máy bay của Bamboo Airways sẽ tăng lên 40 chiếc và đến năm 2021 là 100 chiếc, trong đó có khoảng 10 chiếc Boeing 787 - Dreamliner. Đây là loại máy bay thân rộng hiện đại có thể phục vụ đường bay thẳng đến các nước châu Âu và Mỹ.

“Hiện chúng tôi đã có những chuyến bay charter flight (bay thuê bao trọn gói cho các hãng lữ hành) đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc). Tới đây hãng sẽ hướng tới các chuyến bay quốc tế đường dài sang Đức, Anh quốc, Cộng hòa Séc. Nếu không có gì thay đổi, chậm nhất đến quý 1-2020 chúng tôi sẽ bay thẳng   đến Mỹ” - ông Trịnh Văn Quyết thông tin.

Hải Dương (ANTD)

Tags: Việt Nam   Mỹ   giao thông   hàng không  

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...

Ô tô mới

Kia EV9 GT 2025 ra mắt: Phiên bản hiệu suất cao mạnh hơn 500 mã lực

Tại Triển lãm Ô tô Los Angeles 2024 đang diễn ra tại Mỹ, Kia đã chính thức công bố ra mắt EV9 GT. Đây chính là phiên bản cao cấp nhất và mạnh nhất của dòng CUV điện đầu bảng đến...