Đóng
 

Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:29
15:59  |  05/06/2022

[HƯỚNG DẪN] Mẹo khi đi xe máy qua vùng ngập nước

Trong mùa mưa, việc bắt buộc phải cho xe "lội qua" những đoạn đường ngập nước là chuyện không hiếm gặp. Vậy làm thế nào để lội nước một cách an toàn nhất, giảm tránh tối đa rủi ro thiệt hại cho chiếc xe máy của bạn?

Theo lời khuyên của các chuyên gia, cách tốt nhất để tránh thiệt hại là không cho xe lội nước. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp bất khả kháng và buộc phải cho chiếc xe máy của mình đi qua những đoạn đường mưa ngập, cần chú ý như sau:

Quan sát bao quát để ước tính mực nước ngập của cả đoạn đường. Nhiều trường hợp thấy nước ngập còn nông, vẫn thoải mái phi xe vào nhưng tới giữa đoạn đường ngập, xe lại bị chết máy do mực nước quá sâu.

Nếu nước ngập ở mức vừa phải (khoảng 20-30 cm tương đương dưới 1 nửa bánh xe), tài xế có thể tiếp tục cho xe di chuyển chậm rãi. Cách điều khiển xe an toàn nhất là phải giữ được cho động cơ luôn hoạt động, không được để chết máy.

Đối với xe số, tài xế nên về số thấp (1 hoặc 2) và giữ đều ga, chạy chậm. Đối với xe ga, tài xế nên ga đều tay ở mức nhiều hơn so với cần thiết và chủ động tăng giảm tốc độ bằng phanh.

Trong trường hợp đang đi qua đoạn ngập mà động cơ bị tắt đột ngột:

Nếu nước ngập chưa tới nửa bánh xe, chưa ngập ống xả, tức là gần như động cơ chưa bị vào nước thì tài xế có thể khởi động lại xe và di chuyển tới cửa hàng sửa chữa hay trạm cứu hộ gần nhất để kiểm tra xe và thay dầu nhớt động cơ hay dầu nhớt hộp số nếu cần thiết.

Nếu nước ngập tới nửa bánh xe, chưa ngập ống xả tức là một phần của lốc máy, hộp số đã bị ngập nước thì tài xế có thể cân nhắc khởi động xe và chắc chắn cần phải thay dầu nhớt động cơ hay dầu nhớt hộp số càng sớm càng tốt.

Nếu nước đã ngập qua bánh xe hoặc cao hơn, lúc này động cơ và hộp số gần như chắc chắn đã bị vào nước. Trong trường hợp này, tài xế tuyệt đối không khởi động lại xe mà phải dắt, đưa tới trạm cứu hộ hoặc cửa hàng sửa chữa gần nhất để sửa chữa, thay dầu.

Thêm một điều mà các tài xế xe máy phải thuộc lòng, đó là tuyệt đối không cố khởi động lại xe khi đang ở giữa dòng nước. Nếu chết máy, cần dắt lên nơi cao ráo như vỉa hè, dựng chân chống giữa, sau đó dốc ngược đầu xe bằng cách ấn xuống phần tay dắt phía sau xe, ghì mạnh cả thân người để bánh trước kênh lên, nhằm ép cho nước mưa ngập trôi ra khỏi ống xả.

Tiếp theo, tháo nắp chụp và tháo bugi ra khỏi xe; trên xe số bugi thường nằm phía trước chân phanh còn trên xe ga, bugi thường nằm dưới sàn ở vị trí sau chân trái tài xế. Các xe máy trên thị trường đều được trang bị sẵn tròng cỡ 17 và mỏ lết cỡ 14 để có thể tháo mở bugi - thường được để sẵn trong cốp xe. Sau đó, đạp cần khởi động để ép hết nước ra khỏi ống xả.

Bước tiếp theo, thử tiếp mát cho bugi bằng cách lắp bugi vào nắp chụp rồi dí vào sát phần thân động cơ và ấn thử nút đề nổ. Nếu bugi phát ra tia lửa điện đều, mạnh và tập trung, tức là còn hoạt động tốt thì có thể lắp lại và cho xe khởi động. Còn nếu bugi phát ra tia lửa nhỏ và tỏa chùm ra xung quanh thì tài xế cần thay bugi mới.

Theo ông Trần Thanh Kha - Giám đốc công ty bugi NGK Việt Nam - bugi xe máy nên được thay mới định kỳ sau mỗi 8.000km hoặc tương đương 1 năm sử dụng (tùy điều kiện nào tới trước), để đảm bảo bugi có thể hoạt động trơn tru, hoàn hảo nhất.

Cũng theo tính toán của các chuyên gia, việc thay mới bugi có thể giúp chủ xe tiết kiệm nhiên liệu lên tới trên 10%, so với việc tiếp tục sử dụng những chiếc bugi đã cũ. Tức là nếu trung bình mỗi tháng, chủ xe phải chi 2 triệu tiền đổ xăng thì số tiền nhiên liệu chênh lệch mỗi tháng đã đủ để mua một chiếc bugi mới và sẽ được lợi tiền chênh lệch đổ xăng (có thể lên tới khoảng 200.000 đồng) trong 11 tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, ông Kha cũng chia sẻ Việt Nam là một quốc gia có số lượng xe máy khổng lồ, dung lượng thị trường lên tới 45 - 50 triệu chiếc (chưa kể lượng xe mới được liên tục bổ sung vào thị trường ước tính khoảng 2-3 triệu xe/năm). Với lượng người dùng lớn như vậy, NGK Việt Nam - đơn vị nắm giữ 80% thị phần bugi xe máy - cũng thường xuyên đồng hành cùng các đội nhóm giải cứu, sẵn sàng ứng cứu người dân gặp vấn đề về xe.

Đặc biệt trong mùa mưa, NGK Việt Nam đã tung ra "ATM bugi" - cung cấp bugi mới miễn phí dành cho người dân. Tại các điểm ngập, người dân chỉ cần tìm đến các đội nhóm cứu hộ túc trực sẵn, hoặc liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng, sẽ có kỹ thuật viên tới "giải cứu" xử lý và thay mới bugi nếu cần thiết.

Thị trường khổng lồ cũng dẫn tới vấn nạn hàng giả - nhái hoành hành, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Theo đại diện của NGK Việt Nam, thời điểm 5 - 10 năm trước, lượng bugi giả lưu hành trên thị trường lên tới 20%, tức là cứ 5 chiếc bugi sẽ có một chiếc là giả nhái. Với trách nhiệm xã hội của mình, NGK đã nỗ lực đấu tranh để làm giảm tỉ lệ bugi giả nhái xuống còn khoảng dưới 10% như hiện nay.

Bên cạnh đó, đại diện NGK Việt Nam cũng chia sẻ cách phân biệt bugi giả và thật: dựa vào mẫu mã sản phẩm (chữ in trên thân bugi rõ ràng, màu sắc nét, không bị lem hay mờ đục, chất liệu hoàn thiện tốt - phần kim loại không bị han rỉ, các mối nối hay bulông không xộc xệch...) và quan trọng nhất là chọn mua sản phẩm tại các địa điểm đại lý chính hãng.

Phan Anh (Tuoitrethudo)