Hyperloop là loại hình giao thông của tương lai, hoạt động dựa trên công nghệ trường điện từ và có tốc độ xấp xỉ vận tốc âm thanh. Mới đây, các nhà khoa học tới từ Đại học Kỹ thuật Munich, Đức đã xây dựng đường ống Hyperloop đầu tiên tại châu Âu.
Hyperloop là một loại hình giao thông tốc độ cao, hoạt động dựa trên công nghệ trường điện từ. Hệ thống này bao gồm các tàu dạng con thoi (Hyperloop Pod) được đặt trong đường ống chân không, phóng đi nhờ đệm không khí tạo ra bởi máy nén giúp giảm ma sát. Năng lượng để đẩy con tàu dựa vào cảm ứng điện từ.
Trong tương lai, những khoang tàu Hyperloop sẽ có thể di chuyển với tốc độ tối đa là 1220km/h (339 m/s - gần bằng với vận tốc âm thanh). Như vậy, các hành khách có thể sử dụng Hyperloop để đi từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong hơn 30 phút hoặc đi từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh trong khoảng gần 1 tiếng rưỡi.
Ý tưởng về Hyperloop được Elon Musk đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013, lấy cảm hứng từ một khái niệm từ năm 1799 được gọi là “Vactrain”. Kể từ lần đầu tiên được công bố, ý tưởng này đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư và công ty công nghệ tham gia phát triển.
Các đơn vị phát triển Hyperloop hi vọng rằng loại phương tiện này sẽ trải rộng mọi nơi, kết nối các trung tâm dân cư lại với nhau, kéo lại gần hơn khoảng các giữa các quốc gia, các lục địa.
Đi đầu trong việc phát triển Hyperloop là chương trình Hyperloop TUM của Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) ở Đức. Dự án này đã bắt đầu thực hiện từ năm 2015.
Theo một báo cáo trên Auto-medienportal, Hyperloop TUM đã về nhất trong cả 4 cuộc thi thiết kế tàu Hyperloop do Space X của Musk tổ chức. Dự án Hyperloop TUM hiện đang giữ kỷ lục về tàu Hyperloop chạy nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa đạt 482 km/h. Dựa trên những thành công đạt được, ngày 30/9, đội ngũ Hyperloop TUM đã khởi công xây dựng đường ống Hyperloop kích thước đầy đủ đầu tiên tại châu Âu.
Đoạn đường dài 24 mét này sẽ bao gồm một ống bê tông cường độ cực cao và một buồng thử nghiệm được trang bị công nghệ bay từ trường không tiếp xúc (maglev). Đường ống này được xây dựng nhằm thử nghiệm các công nghệ, tính ứng dụng và độ an toàn của các khoang tàu Hyperloop.
Trả lời về tương lai của chương trình TUM Hyperloop, ông Gabriele Semino, Giám đốc dự án cho biết: “Mục tiêu của TUM Hyperloop là phát triển công nghệ giúp việc vận chuyển tốc độ cao bền vững trong tương lai trở thành hiện thực. Chúng tôi đang tích hợp tất cả các hệ thống quan trọng trong dự án. Điều này giúp chúng ta có thể điều tra tính khả thi về mặt kỹ thuật của khái niệm Hyperloop nói chung. Việc thực hiện toàn diện và cabin hành khách thực tế có nghĩa là ở bước cuối cùng, hệ thống có thể được chứng nhận và do đó được sử dụng cho việc kinh doanh vận tải”.
Dự án có sự hỗ trợ đầy đủ của chính quyền bang Bavaria. Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng đường ống Hyperloop, Bộ trưởng Khoa học và Nghệ thuật Bavaria, ông Markus Blume gọi dự án là: “Một bước đột phá hướng tới sự di động của tương lai!”.
Mặc dù khái niệm Hyperloop vẫn còn một chặng đường dài phía trước và nhiều rào cản phải vượt qua trước khi nó bắt đầu chở hành khách, nhưng đây là một dự án mang đầy tính đột phá và nhiều ứng dụng thực tiễn. Khi Hyperloop được phổ biến, loại phương tiện này sẽ hỗ trợ con người rất nhiều trong việc đi lại, làm giảm nguy cơ tắc đường và góp phần phát triển đô thị hiện đại.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: Carscoops