Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn khi đổ đèo bằng xe máy ga, điển hình nhất là ở đoạn đường đèo lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trong vòng chưa đầy 2 tháng đã xuất hiện 2 vụ tại nạn thương tâm.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra
Cụ thể, vào chiều 23-12-2018, một đôi nam nữ khi đang di chuyển từ trên đèo xuống để di chuyển về Hà Nội, đến đoạn đường đèo thuộc xã Hồ Sơn thì bất ngờ xảy ra va chạm với ô tô 4 chỗ. Sau đó, đôi nam nữ bị ngã văng xuống đường, trong đó nam thanh niên cầm lái bị thương nặng nằm bất tỉnh còn cô gái ngồi phía sau bị gãy xương đùi được đưa đi bệnh viện vấp cứu.
Vụ tai nạn khi đổ đèo ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng xe máy ga ngày 23-12-2018 (Nguồn: Tiền Phong)
Kế đó, vào khoảng 16h ngày 8-2-2019 (tức mừng 4 tết), một chiếc xe máy chở đôi nam nữ lao xuống vực tại đoạn km18 đi qua thị trấn Tam Đảo. Địa điểm nạn nhân rơi xuống cách mặt đường đèo khoảng 15m, ngay sau đó đôi nam nữ này đã được người dân sinh sống trong khu vực đưa đi cấp cứu.
Hiện trường vụ tai nạn người đi xe máy ga lao xuống vực khi đổ đèo ở Tam Đảo ngày 8-2-2019 (Nguồn: Nguyễn Bình)
Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là do người điều khiển phương tiện trước khi xuống dốc, đổ đèo chủ quan không kiểm tra phương tiện. Cộng với kỹ năng đi đèo kém, không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn.
Kỹ năng “đổ” đèo bằng xe máy tay ga
Trên thực tế, đèo Tam Đảo có độ dốc cao, nhiều khúc cua tay áo, đường trơn do độ ẩm cao, nên không chỉ xe máy ga mà đối với xe máy số cũng có khăn trong việc di chuyển. Đối với việc đổ đèo thì người tham gia giao thông thường ưu tiên việc dùng xe máy số hơn, bởi có thể sử dụng các số 1, 2, 3, 4... để ghìm tốc độ theo kiểu phanh động cơ, thì xe máy ga lại không có những lựa chọn đó. Vậy trong trường hợp chỉ có xe máy ga là phương tiện di chuyển duy nhất, người điều khiển cần phải làm gì khi đổ đèo?
Tai nạn xe máy ga Honda Airblade khi đổ đèo Tam Đảo ngày 16-10-2016 (Nguồn: otofun)
Theo những người có kỹ năng và kinh nghiệm chạy xe máy ga nhiều ở đường đèo núi cho biết, xe ga hoàn toàn có thể phanh bằng động cơ như xe số, tuy nhiên lại ít người biết cách vận dụng đúng cách cơ chế này. Khác với xe máy số, ở xe máy ga phanh động cơ là lợi dụng độ bám của côn để giữ xe ở một tốc độ nhất định, đủ an toàn.
Vậy để có thể an toàn khi đổ đèo, ngoài việc kiểm tra hệ thống phanh, người điều khiển xe máy ga cần thực hiện cụ thể các bước sau:
Bước 1: Nổ máy
Xe trôi xuống dốc tương tự như thả chiếc lốp xe, viên bi, quả bóng lăn tự do từ đỉnh dốc xuống chân dốc. Với trọng lượng xe của và người ngồi trên xe càng lớn, quán tính càng lớn, do đó tốc độ trôi dốc ngày càng nhanh. Khi đó, phanh xe mất tác dụng, độ bám đường giảm, xe không thể giảm tốc như ý muốn khi gặp khúc cua hay phải dừng lại. Điều cốt tử là không bao giờ được tắt máy khi đổ đèo. Bởi lẽ, nếu tắt máy, lúc này xe chỉ di chuyển dựa trên hai bánh, tức không liên quan gì tới cơ cấu hộp số, động cơ.
Bước 2: Mớm ga
Khi đổ đèo, an toàn quan trọng hơn tốc độ. Do đó, làm thế nào xe đổ đèo trong khả năng kiểm soát của lái xe là quan trọng nhất. Khi đã nổ máy, để xe tự trôi đến mức tốc độ khoảng 15-20 km/h. Sau đó rà phanh, mớm ga tiếp tục để côn bám, cuối cùng thả phanh và ga, xe sẽ tự phanh động cơ.
Lúc này, xe sẽ tiếp tục bị ghìm ở khoảng tốc độ như trước khi thả phanh và ga, bởi lẽ các lá côn đã bám, tạo nên ma sát, tạo ra "phanh động cơ". Như vậy dù lái xe không phanh xe vẫn duy trì được tốc độ hợp lý.
Ở bước này, nếu thả hết ga từ đầu, xe sẽ xuống dốc tương tự trường hợp tắt máy, không có lực nào hãm lại. Khi ở tốc độ quá thấp, khoảng 15 km/h trở xuống, cơ chế của xe ga là tự ngắt côn để xe trôi theo quán tính. Do đó, nếu từ đầu không mớm ga, xe sẽ cứ thế trôi.
Bước 3: Duy trì tốc độ
Khi gặp những đoạn cua tay áo cần phanh đến mức rất chậm như sắp dừng lại, thì sau khi thoát cua, lại tiếp tục thực hiện như ở bước 2 để thiết lập tốc độ an toàn trở lại. Trên tác động của độ dốc và trọng lượng chở, xe sẽ bị đẩy dần tốc độ lên cao khi xuống dốc. Do đó, lái xe cần chú ý thỉnh thoảng rà phanh để đưa xe về mức tốc độ an toàn, thường ở khoảng 30-40 km/h tùy địa hình.
Đường lên xuống Tam Đảo có nhiều khúc cua gấp rất nguy hiểm (Nguồn: Khôi Trần)
Bước 4: Không rà phanh liên tục
Không thả trôi hoặc ga quá nhiều khiến tốc độ xe đẩy lên cao quá mức an toàn, khi đó lái xe phải rà phanh với áp lực lớn, liên tục để hãm tốc. Làm việc dưới cường độ lớn liên tục sẽ khiến má phanh và đĩa phanh mòn, mất độ bám thậm chí cháy phanh. Đây là trường hợp thường gặp ở những xe khách tai nạn trên đường đèo dốc.
Bước 5: Trang bị kỹ năng chạy đường núi
Bên cạnh 4 bước để kiểm soát tốc độ như ở trên, lái xe cần trang bị đầy đủ các kỹ năng chạy đường núi khác nếu muốn “phượt” bằng xe ga an toàn. Đó là kỹ năng đi đúng làn, vào cua, đi theo nhóm, quan sát...
Việc sử dụng xe máy ga khi đi “phượt” có những ưu và nhược điểm nhất định. Nếu muốn trải nghiệm bằng loại phương tiện này, người điều khiển xe máy ga nên hết sức thận trọng để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của mình.
Bên cạnh đó, khi di chuyển tới khu vực đồi núi, không chỉ riêng ở đèo Tam Đảo, người điều khiển không chỉ riêng xe máy ga cần lưu ý hệ thống biển báo, biển hướng dẫn trên đèo, để nắm chắc được về độ dốc, độ cua.... Khi lên đèo và đổ đèo, người điều khiển xe máy ga phải tuân thủ quy định về làn đường di chuyển, không lấn làn đường, đi đúng về phần làn đường của mình, tuyệt đối tập trung, không điều khiển xe trong trạng thái vừa đi vừa ngắm cảnh, vì phía trước và cả phía sau đều có xe di chuyển, đường đèo có nhiều góc khuất, nếu không để ý sẽ dẫn đến va chạm, tai nạn.
Trường Hùng (ANTĐ)