Tập đoàn xe hơi danh tiếng Daimler cho biết, họ không hề liên quan tới việc bán xe cho nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un và cũng không biết ông Kim có được những chiếc Mercedes-Benz đời mới từ đâu.
Theo đó, trong một buổi phỏng vấn mới đây, đại diện Tập đoàn Daimler (đơn vị chủ quản của Mercedes-Benz toàn cầu) cho biết hãng này không hề bán xe cho Chủ tịch Triều Tiên - Kim Jong Un như những cáo buộc trước đó cho rằng Daimler đang lén lún "tuồn" xe cho nhà lãnh đạo này bất chấp lệnh cấm vận các mặt hàng xa xỉ vào Triền Tiên của Liên hợp quốc.
Ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo tối cao, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên vốn được biết tới là một nhà lãnh đạo trẻ đầy quyền lực và rất uy nghi trước mỗi lần xuất hiện trước truyền thông trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ít người biết rằng ông Kim ngoài là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn còn là một tay chơi xe khét tiếng với bộ sưu tập đầy đủ các nhãn hiệu xe sang như Mercedes-Benz S-Class, Roll-Royce Phantom, Maybach 62S và gần đây nhất là một chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard chống đạn đời mới.
Maybach 62S của Chủ tịch Triều Tiên trong chuyến công du tới Hà Nội dự Hội nghị Thuợng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
Chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard của ông Kim Jong Un đã từng xuất hiện trước truyền thông quốc tế qua những lần gặp song phương giữa Chủ tịch Kim Jong Un tại hội nghị Mỹ - Triều với Tổng thống Mỹ Donald Trump, gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay gần nhất là chuyến thăm Nga và hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong tất cả những chuyến công du nước ngoài này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đều sử dụng những mẫu xe siêu sang như Maybach 62S, Mercedes-Benz S600 Pullman Guard làm phương tiện di chuyển. Chính vì vậy, điều này khiến những câu hỏi xung quanh vấn đề cấm vận những mặt hàng xa xỉ của Liên hợp quốc áp dụng lên Triều Tiên đang diễn ra như thế nào.
Mercedes-Benz S600 Pullman Guard của Chủ tịch Triều Tiên trong chuyến công du tới Nga gặp Tổng thống Putin
Rolls-Royce Phantom xuất hiện trong cuộc gặp giữa ông Kim và Ngoại trưởng Mỹ ở Triều Tiên
Những cuộc điều tra kín đã diễn ra để trả lời câu hỏi trên. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với giới truyền thông quốc tế, đại diện của Tập đoàn Daimler, bà Silke Mockert cho biết, Daimler hoàn toàn không biết những chiếc xe này được chuyển tới Triều Tiên bằng cách nào. Và đối với Daimler, việc xuất khẩu chính xác các sản phẩm theo luật pháp là quy tắc căn bản của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Cũng theo bà Silke Mockert, Daimler không có bất kỳ quan hệ kinh doanh nào với Triều Tiên trong suốt hơn 15 năm qua và luôn tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh cấm vận của EU và Mỹ. Để ngăn chặn việc vận chuyển các sản phẩm đến Triều Tiên và đại sứ quán của nước này trên khắp thế giới, Daimler đã thực hiện một quy trình kiểm soát xuất khẩu toàn diện. Việc bán xe của Daimler bởi các bên thứ ba, đặc biệt các xe đã qua sử dụng, nằm ngoài tầm kiểm soát và trách nhiệm hãng.
Như vậy, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên có được những mẫu xe sang đời mới của phương tây nhiều khả năng không liên quan tới các nhà sản xuất như Daimler. Giả thuyết phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại chính là Triều Tiên đã mua xe qua một bên thứ ba, sau đó xe sẽ được vận chuyển qua Trung Quốc rồi mới tới Triều Tiên. Chính vì vậy, việc Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ vào Triều Tiên sẽ khó lòng cản được "niềm đam mê" xe cộ của ông Kim Jong Un.
Hoàng Đạt (Tuoitrethudo)