Trong Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét đã quy định chặt chẽ hơn về hành vi mở cửa xe ô tô khi tham gia giao thông.
Cụ thể về hành vi mở cửa xe ô tô khi tham gia giao thông, tại Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định: "Người điều khiển phương tiện giao thông không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn". Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công An xây dựng và trình Quốc hội xem xét mới đây đã quy định một cách chặt chẽ hơn về hành vi này.
Theo đó, tại điều 24 của Dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định rõ: "Đối với người lái xe, người ngồi trong xe ô tô trước khi mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe, khi thấy an toàn mới được mở cửa. Không được mở cửa, để cửa mở khi phương tiện đang di chuyển".
Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là đối với phương tiện là ô tô, người lái và người ngồi trong xe khi muốn mở cửa ra ngoài phải chú ý quan sát phía trước, phía sau và phía ở cửa xe. Chỉ được phép mở cửa khi thấy an toàn. Ngoài ra, tuyệt đối không được để cửa mở hoặc mở cửa khi phương tiện đang di chuyển.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì lý do tài xế hoặc người ngồi trong xe ô tô mở cửa xe thiếu quan sát
Về chế tài xử phạt, theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định với các hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 - 400.000 VNĐ. Ngoài phạt tiền, người vi phạm quy định này mà gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.
Đối với trường hợp mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn để xảy ra tai nạn ngoài ý muốn do lỗi của người mở cửa xe, người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình đã gây ra. Đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đặc biệt, đối với trường hợp mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là phạt tiền từ 30 - 100 triệu VNĐ, kèm theo phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)
Photo: distasiofirm / bikeradar