Đóng
 

Chủ nhật, 24/11/2024 | 22:13
14:39  |  22/10/2021

Nga: Phát triển máy bay chở khách MS-21 tốn kém gấp... 4 lần tiêm kích Su-57

Mặc dù máy bay chở khách nội địa MS-21 của Nga vẫn chưa hoàn thiện, nhưng chi phí nghiên cứu chế tạo đã đắt gấp gần 4 lần so với tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57.

Theo Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec, 220 tỷ Ruble đã được chi cho việc nghiên cứu chế tạo máy bay chở khách đầy hứa hẹn MS-21, tuy nhiên con số này còn lâu mới là cuối cùng, trong khi tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57 hiện chỉ tiêu tốn 60 tỷ Ruble.

Cho đến nay, MS-21 vẫn chưa sẵn sàng để bắt đầu sản xuất hàng loạt và bàn giao cho khách hàng, các chuyên gia kỳ vọng loại máy bay này sẽ được chứng nhận vào năm tới, nhưng chưa có cơ sở để đặt niềm tin.

Báo chí Nga cho rằng các lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng triển vọng của MS-21, mặc dù một số hãng hàng không nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm.

Irkut MS-21 (МС‑21 trong bảng chữ cái tiếng Nga) có nghĩa là Máy bay chở khách cho thế kỷ 21, đây là loạt sản phẩm máy bay phản lực dân dụng có cự ly hoạt động ngắn và trung bình.

Chiếc phi cơ nói trên có khả năng chở theo 150 - 212 hành khách, đây là sản phẩm do Tổng công ty Irkut và Viện thiết kế Yakovlev thuộc Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) hợp tác phát triển.

Danh nghĩa là máy bay Nga nhưng động cơ trên MS-21 là PW1000G do hãng Pratt & Whitney của Mỹ chế tạo, hệ thống điện tử của Rockwell Collins, hệ thống điều khiển tích hợp của Goodrich và đồ nội thất từ C&D Zodiac tại Huntington Beach, California.

Nga rất mong muốn MS-21 sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của các dòng máy bay thương mại lớn hiện nay như Boeing hay Airbus và dần vươn lên lấy lại vị thế của phi đội Ilyushin và Antonov từ thời Liên Xô.

Mặc dù vậy công việc không đơn giản như người Nga dự liệu, bởi chẳng dễ dàng gì để Boeing hay Airbus lại cung cấp sản phẩm cho đối thủ để lắp ráp.

Lý do rất dễ hiểu vì điều này sẽ tạo ra mặt hàng cạnh tranh với chính mình, bởi vậy giá thành của chiếc MS-21 dự báo tương đối cao, trong khi độ tin cậy chưa được khẳng định.

Bên cạnh đó, hiệu lực từ các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Nga sau những gì diễn ra tại Ukraine đã khiến cho Moskva thiếu hụt trầm trọng nguyên vật liệu để hoàn tất chiếc máy bay của mình.

Đã từng có hy vọng rằng ngành công nghiệp chế tạo Nga sẽ từng bước vượt qua khó khăn để dần dần tự chế tạo sản phẩm thay thế trong nước.

Nhưng đáng tiếc rằng điều này gần như bất khả thi, dẫn tới việc thời điểm sản xuất hàng loạt máy bay thương mại MS-21 đã bị đẩy lui rất nhiều lần.

Người đứng đầu Tập đoàn Rostech - ông Sergey Chemezov từng cho biết việc sản xuất đại trà máy bay dân dụng MS-21 sẽ bị trì hoãn do lệnh cấm vận từ Mỹ nhằm vào việc nhập khẩu vật liệu composite.

Các biện pháp hạn chế của phương Tây đã dẫn tới hậu quả là máy bay MS-21 ban đầu dự kiến bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt trong năm 2019, nhưng thực tế cho đến nay quá trình trên vẫn chưa xảy ra.

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào Aerocomposite JSC (công ty con của UAC - đơn vị sở hữu dự án MS-21) cùng hai công ty ONPP Tekhnologiya, Romashyn JSC (của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec).

Ngoài ra Washington còn yêu cầu hai tập đoàn Hexcel (Mỹ) và Toray Industries (Nhật) ngừng cung cấp composite là nguyên liệu cấu thành cặp cánh chính cũng như thân của MS-21.

Động thái trên khiến cho dự án gặp khó khăn lớn, khi nó được cho là máy bay dân dụng thân hẹp sở hữu thiết kế có chứa vật liệu composite cao nhất nhì toàn ngành hàng không hiện nay.

Mặc dù Rostech đã yêu cầu các nhà cung ứng vật liệu trong nước sản xuất composite nội địa cho MS-21, nhưng đây gần như là điều bất khả thi, bởi Moskva chưa nắm được bí quyết chế tạo vật liệu composite độ bền lớn.

Bạch Dương (ANTD)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...