Khi bạn có đủ tầm ảnh hưởng để được đặt tên cho cả một thị trấn, đó là lúc bạn biết chắc rằng mình đã thành công.
Từ giải Pikes Peak đến Indianapolis 500, sự nghiệp lẫy lừng của tay đua 83 tuổi Bobby Unser đã là nguồn cảm hứng để người dân vùng ngoại ô Albuquerque thuộc tiểu bang New Mexico tự đặt tên cho địa danh này là “Unserville”.
Bất cứ ai sống tại Mỹ đều biết đến Đại lộ 66 (Route 66), tuyến đường huyết mạch của nước Mỹ trong hàng chục năm và có vai trò lịch sử cũng như kinh tế quan trọng đối với Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến 1985. Người dân Mỹ trìu mến gọi Đại lộ 66 là “Con đường Mẹ” (Mother Road) vì nói không ngoa, con đường này là một trong những nhân tố giúp nền kinh tế Mỹ bùng nổ trong những năm 30 của thập kỷ trước và tạo ra công ăn việc làm cho vô số người dân Mỹ sống dọc hai bên đường. Dài 3939 km, kết nối 8 tiểu bang thuộc nước Mỹ, bản thân Route 66 đã là một huyền thoại – nhưng tuyến đường này còn đặc biệt hơn khi nó chạy qua “Unserville”, quê hương của một huyền thoại sống.
3 lần vô địch giải đua danh giá nhất nước Mỹ Indianapolis 500, thắng vô số giải lớn nhỏ khác và được biết đến như là một trong những tay đua xe bánh trần (open wheel) có phong cách đua dữ dội nhưng lại tinh ranh nhất, Bobby Unser, nay đã 83 tuổi, chắc hẳn sẽ có vô số câu chuyện để kể cho con cháu. Tầm ảnh hưởng của gia đình ông nói chung, và bản thân ông nói riêng, là đủ lớn để người dân tại vùng ngoại ô Albuquerque dùng tên gia đình ông như là tên địa danh.
Có lẽ thị trấn Unserville là nơi có “mật độ” tay đua đoạt giải quán quân tại Indy 500 nhiều nhất thế giới. Bobby đoạt 3 giải quán quân, em trai ông, Al Unser, đoạt tới 4 giải nhất và con trai của ông, Al Unser Jr., (Junior) cũng sở hữu 2 chức vô địch tại giải đua danh giá Indy 500. Ba tay đua “thần thánh” trên cũng đã từng tạo nên một bức ảnh có lẽ là độc nhất vô nhị: 3 tay đua có quan hệ ruột thịt khoác vai nhau, mỗi người giơ những ngón tay lên, ám chỉ số lần họ vô địch tại Indy 500: Bobby 3 ngón, Al 4 ngón, Al Jr. 2 ngón. Bạn có thể nghĩ ra một bức ảnh gia đình nào “chất” hơn không?
Khi Bobby nói về đua xe, bạn sẽ phải lắng nghe, bất kể bạn là ai. Bobby như được sinh ra để đua xe, để ôm chiếc vô lăng và quên hết mọi thứ xung quanh. Ngay từ khi còn là thiếu niên, Bobby đã mê đua xe đến độ bỏ cả học để theo nghiệp bố. “Tất cả những gì chúng tôi làm hồi đó là đua xe, tán gái, đánh lộn và cắm đầu vào xưởng độ xe”, Bobby hồi tưởng.
Những năm gần đây, thứ duy nhất có thể khiến Bobby ngừng đua xe là bệnh tật. Ông bị chứng đau lưng kinh niên, thường xuyên phải chống gậy để có thể đi lại, nhưng mỗi khi nói chuyện về xe, ông lại hoạt bát và phấn chấn như hồi còn trẻ. Bạn bè thường đùa rằng ông là thể loại tay đua sẵn sàng cán qua bà nội mình, thậm chí là em trai mình – nếu điều đó khiến ông thắng một cuộc đua và điều đáng kinh ngạc là ông không phản đối câu đùa đó!
Cho đến tận ngày nay, khi đã 83 tuổi, ông vẫn cùng vợ mình, bà Lisa, tự tay điều khiển chiếc máy bay sơn màu xanh đỏ trắng đặc trưng bay lượn trên bầu trời. Ông đã từng suýt chết khi cố lập kỷ lục tốc độ với một chiếc xe trượt tuyết ở vận tốc 259 km/h tại Bình nguyên muối Bonneville Salt Flats, từng thống trị giải đua Pikes Peak International Hill Climb với 13 chức vô địch và tất nhiên, ông là một tượng đài tại Indy 500 với 3 lần bước lên bục cao nhất. Tốc độ, đua xe và khao khát chiến thắng là những gì người ta nói về ông.
Mới đây, tạp chí Autoweek đã có dịp ngồi trò chuyện với tay đua huyền thoại Bobby Unser và lắng nghe những thăng trầm trong sự nghiệp đua xe của ông. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về một trong những tay đua vĩ đại nhất trong lịch sử đua xe thế giới.
Q: Ông sống trên Đại lộ 66, một trong những con đường nổi tiếng nhất nước Mỹ, điều ấy thật phù hợp làm sao!
Bobby: Con đường này là một phần trong cuộc sống của tôi. Cha tôi mở một trạm dịch vụ và xăng dầu ở đây. Tôi có một xưởng sửa chữa động cơ ngay bên cạnh. Mỗi cuối tuần, tôi tham gia đua xe, bắt đầu từ đua xe Sprint và xe Midget. Tôi đóng cửa xưởng vào tháng Tư năm 1968, đơn giản vì tôi quá bận rộn với sự nghiệp đua xe.
Q: Ông bắt đầu kiếm được tiền nhờ đua xe từ khi nào?
Bobby: Tôi đua thể thức Sprint và Midget tại California và Arizona từ những năm mười mấy tuổi. Đó là những cuộc đua thú vị nhưng hầu như chẳng đem lại chút tiền bạc nào. Nếu như bằng một cách nào đó, tôi may mắn kiếm được 300 đô thì ngay buổi tối sau cuộc đua, tôi sẽ “quẩy” hết mình! Cuối cùng thì những khoản tiền lớn cũng đến: năm 1965, tôi thắng giải Pikes Peak đầu tiền và tiền thưởng đủ nhiều để tôi mua một chiếc máy bay Cessna cũ với giá 3.300 USD. Thú thực là lúc đấy tôi không biết lái máy bay như thế nào, cũng như chẳng có bằng lái máy bay. Dù vậy, cứ mỗi cuối tuần, tôi lại cưỡi nó đến California. Đơn giản chỉ là đổ dầu vào và bay thôi! Có những lúc tôi đổ hơi ít dầu nên khi đáp máy bay xuống California, bình dầu gần như cạn sạch. Lắm lúc thời tiết xấu, tôi phải hạ cánh khẩn cấp xuống đường đất chứ không thể tìm thấy đường băng trải nhựa tử tế. Đó quả là những hành trình đáng nhớ và kể ra thì tôi cũng cao số thật! Điều tuyệt vời nhất là tôi không phải lái xe 18 tiếng đến California để đua xe.
Q: Tại sao chiến thắng tại các sự kiện Pikes Peak có ý nghĩa quan trọng đến vậy đối với nhà Unser?
Bobby: Phải nói rằng giải Pikes Peak còn hơn cả một giấc mơ đối với tôi. Tôi và những anh em trong nhà có chiếc xe đầu tiên hồi tôi mới 8 tuổi, một chiếc Ford Model A. Quanh nhà tôi không có con đường trải nhựa nào, ngoại trừ Đại lộ 66. Chúng tôi thường chạy chiếc Model A trên Đại lộ 66, xunh quanh là bụi đất mịt mù. Pikes Peak thực sự là giải đua xe trong mơ của tôi. Ngay từ bé, tôi đã biết mình phải chinh phục giải đua danh giá này. Năm 15 tuổi, tôi chính thức cầm lái ở đây, bên cạnh những người đàn ông với tuổi đời gấp tôi nhiều lần. Năm 16 tuổi, tôi có danh hiệu đầu tiên của đời mình tại giải Southwest Championship, hạng mục Super Modifieds. Tôi bỏ học ngay sau đó, đơn giản vì học để làm gì, khi tôi sẽ trở thành một tay đua chuyên nghiệp? Và thế là tôi đã giành được 13 chức vô địch tại đây, Pikes Peak. Tôi và các anh em liên tục cải tiến xe đua, khiến chúng nhanh hơn và mạnh hơn theo những cách mà các đối thủ không hề biết. Khi họ biết chúng tôi nâng cấp xe như thế nào, tôi đã thắng 6 mùa giải LIÊN TIẾP.
Q: Sau thành công tại Pikes Peak, ông tiếp tục làm nên tên tuổi tại Indy 500. Trong 3 lần lên ngôi tại Indy, lần nào là đáng nhớ nhất đối với ông?
Bobby: Lần đầu, năm 1968. Không cảm giác nào có thể so sánh với cảm giác lần đầu lên ngôi tại Indy 500. Không, kể cả khi tôi giành được cúp vô địch tại mùa 1981, để mất nó, rồi được trả lại thì cảm xúc cũng không bằng với lần đầu tiên tôi đạt được ước mơ của mình. Trong mùa giải 1968, rất nhiều người đã bám trụ được đến cuối cuộc đua, nhưng không phải ai cũng có thể cán đích. Tôi là người đầu tiên chạy 1 vòng đua với tốc độ trung bình 273,5 km/h tại mùa giải năm đó. Đó là một thành tích không tưởng, tất cả mặt báo đều nói về nó. Tôi vượt chiếc Andy Granatelli của Joe Leonard một cách dễ dàng đến nỗi nhiều người không thể tin đó là sự thật. Giữa cuộc đua, xe của tôi bị gãy cần số, đội đua phải đẩy nó về pit nhưng sau khi sửa xe, tôi lại vượt Joe Leopard nhiều lần nữa. Đến cuối cuộc đua, xe của cả 2 đối thủ chính của tôi đều hỏng (Joe Leopard và Carl Williams). Tôi là người chiến thắng.
Q: Ai là tay đua giỏi nhất trong gia đình Unser?
Bobby: Rất khó để xác định điều đó vì mỗi người đều có những cá tính riêng. Jerry Jr. (anh trai Bobby Unser) thực sự giỏi. Anh ấy có thể thống trị giải đua với một chiếc xe nguyên bản. Anh ấy có rất nhiều điểm mạnh, đáng tiếc là anh ấy quá yểu mệnh (Jerry Jr. thiệt mạng sau một tai nạn ở giải Indy 500 năm 1959). Chú Louis Unser thì khá bảo thủ. Chú ấy cũng có tiềm năng đua xe, nhưng ở sâu thẳm trái tim, chú vẫn muốn trở thành thợ máy, chuyên tâm độ xe hơn là trở thành tay đua. Em trai tôi, Al Unser, gần như không mặc phải một sai lầm nào trong suốt sự nghiệp đua xe. Khi chiếc xe tốt, không gặp phải trục trặc gì, Al gần như bất khả chiến bại nhưng nếu xe có vấn đề, phong độ của Al sẽ giảm hẳn. Tôi thì hơi khác so với em trai mình – tôi sẽ đua cho đến khi chiếc xe vỡ tan tành thì thôi. Một là tôi chiến thắng, hai là chiếc xe sẽ tan tành xác pháo. Sự sợ hãi không nằm trong từ điển của tôi và nếu được quay lại 40 năm trước, tôi cũng sẽ vẫn đua theo cách như thế.
Q: Ông thắng mùa giải Indy 500 năm 1981, có lẽ là mùa giải gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử giải đua Indianapolis. Ông cán đích trước, được coi là người về nhất nhưng ngay sau đó, bị tụt hạng xuống thứ nhì vì cáo buộc vượt xe khi đèn vàng và rồi ngay ngày hôm sau, chức vô địch lại được trả về tay ông. Đến bây giờ, ông còn suy nghĩ về chiến thắng gây tranh cãi đó nữa không?
Bobby: Tôi nghĩ về nó trong một thời gian dài, tôi thực sự bị ám ảnh với nó. Anh biết đấy, Mario Andretti là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Anh ấy rất nhanh và khó bị đánh bại. Anh ấy cáo buộc tôi phạm luật khi vượt xe lúc có đèn vàng nhưng chính anh ấy cũng vi phạm! Trong cuộc đua năm ấy, tôi vượt qua anh ấy nhiều lần, xe của tôi cũng mạnh hơn tất cả. Nếu tôi sai thì Mario Andretti cũng sai, tất cả bằng chứng đều được ghi lại.
Gần đây tôi phải vào viện phẫu thuật tuyến tiền liệt, đó quả là một khoảng thời gian khó khăn. Đoán xem ai gọi cho tôi đầu tiên khi tôi trong viện? Đúng vậy, là Mario. Cuộc điện thoại đầu tiên kể từ những cãi vã sau cuộc đua năm 1981! Anh ấy chỉ muốn nói chuyện, và chỉ nói chuyện mà thôi. Tôi là 1 người cứng rắn nhưng thực sự, tôi đã khóc. Chúng tôi từng ở chung phòng mỗi khi có giải đấu. Anh không biết tôi cảm thấy như thế nào khi lần đầu tiên nói chuyện lại với Mario sau từng ấy năm đâu. Tôi thậm chí còn không nhận ra giọng người bạn cũ. Tôi hỏi “Ai đấy?” và chỉ nhận ra đó là Mario khi anh ta hét lên “Đậu má! Tao đây!” (nguyên văn: Damn it! It’s me!”).
Từng này tuổi, tôi chắc chẳng cần thêm chiếc xe hay máy bay nào trong gara nhà mình cả. Nói chuyện với người bạn cũ thực sự khiến sức khỏe tôi tốt lên, tôi thực sự đã vượt qua những hận thù trong quá khứ. Tôi sẽ đi gặp và nói chuyện với ông bạn già, trực tiếp.
Q: Ông thấy giải IndyCar hiện tại như thế nào?
Bobby: Tôi nghĩ nhà tổ chức giải đang mắc sai lầm nghiêm trọng. Người hâm mộ không thích xem một giải đấu mà xe đua nào cũng giống nhau, cũng phải tuân theo những quy chuẩn vô cùng chặt chẽ đến độ nhàm chán. IndyCar đang sao chép NASCAR, và đó chính là điều khiến giải IndyCar đánh mất đi sức hấp dẫn trong mắt người hâm mộ. Những xe đua làm theo quy chuẩn rất nhanh, rất mạnh nhưng xe đua của tay đua nào cũng giống nhau cả, thật lố bịch! Hiện tại chỉ có 2 hãng sản xuất động cơ chính thức, tất cả đội đua đều phải dùng động cơ này. Đua xe nói chung sẽ tốt hơn, hấp dẫn hơn nếu như các xe đua không giống hệt nhau đến độ nhàm chán. Nói chung, người hâm mộ không thích điều này và tôi cũng vậy.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)