Mới đây, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM (PC08) đã kiểm tra, phát hiện 68 xe gắn máy độ chế, không giấy tờ tại một toà nhà ở đường Lê Quang Định. Vậy theo quy định, hành vi 'độ, chế' xe có phạm pháp, chế tài xử lý ra sao?
68 chiếc xe gắn máy 'độ', chế này bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang tập trung để tham gia sự kiện sự kiện offline nhóm RS150 để giao lưu và nhận quà.
Phòng PC08 phối hợp cùng đội CSGT-TT Công an quận Bình Thạnh đã kiểm tra từng phương tiện, phát hiện nhiều xe không có giấy tờ nên đã tạm giữ các phương tiện vi phạm, đưa về trụ sở để làm rõ.
Về hành vi 'chế', 'độ' xe, theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc này sẽ làm chiếc xe thay đổi khác đi so với nguyên bản mà nhà sản xuất bán ra thị trường.
Khoản 2, điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 về Bảo đảm quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ quy định, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, pháp luật không cho phép cá nhân tự ý ‘chế', 'độ’ lại chiếc xe của mình, nếu cố tình vi phạm sẽ bị phạt hành chính - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Xe máy độ, chế xếp la liệt tại khu gửi xe của một một toà nhà ở đường Lê Quang Định, TP. HCM
Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.
Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng với cá nhân, từ 600.000-800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi: Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn; Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe;
Phạt tiền từ 800.000-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi: Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, các trường hợp phải đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe bao gồm cả trường hợp cải tạo, xe thay đổi màu sơn.
Trường hợp cá nhân điều khiển xe 'chế', 'độ' gây tai nạn nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015 sửa đổi và bồi thường thiệt hại do mình gây ra; theo Điều 590 BLDS 2015 - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.
Huệ Linh (ANTĐ)