Volkswagen đang đối mặt với 2 vụ kiện liên quan đến cháy tàu Felicity Ace. Nguyên nhân vụ việc này được cho là có thể do một chiếc ô tô điện Porsche.
Vào tháng 2/2022, tàu chở hàng Felicity Ace đã bất ngờ bốc cháy ở giữa Đại Tây Dương, kéo theo khoảng 4.000 chiếc ô tô thuộc các thương hiệu Audi, Bentley, Lamborghini, Volkswagen và Porsche bị hư hại nặng nề. Vụ việc này khiến cho Tập đoàn Volkswagen không chỉ thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn phải đối mặt với 2 vụ kiện từ các bên liên quan. Vụ kiện đầu tiên được đệ trình lên tòa án ở Stuttgart, Đức bởi 6 nguyên đơn, bao gồm cả hãng vận tải Mitsui OSK Lines và công ty bảo hiểm Allianz. Vụ kiện thứ hai được đệ trình tại Brunswick, Đức.
Các cuộc thảo luận bổ sung giữa các bên liên quan dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Nếu không đạt được thỏa thuận, vụ kiện sẽ tiếp tục diễn ra. Theo các tài liệu liên quan đến vụ kiện ban đầu năm 2023, các nguyên đơn cáo buộc VW che giấu thông tin về những rủi ro liên quan đến việc vận chuyển ô tô điện. Hơn nữa, đơn kiện được đệ trình lên tòa án Stuttgart cáo buộc rằng VW đã không tiết lộ các biện pháp phòng ngừa cần thiết để vận chuyển ô tô một cách an toàn.
Tổng trị giá của những chiếc ô tô bốc cháy cùng tàu Felicity Ace lên tới 155 triệu USD, trong đó có 1.110 chiếc Porsche. Theo Bloomberg, nguyên nhân của vụ cháy được xác định là bắt nguồn từ một chiếc xe điện Porsche. VW đã xác nhận một số thông tin về hai vụ kiện trong khi cả Mitsui OSK Lines và Allianz đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Ngoài những chiếc xe được sản xuất bởi VW, có cả những chiếc xe cá nhân bị chìm cùng với Felicity Ace, có thể kể đến như một chiếc Ford Mustang GT đời 2015, Porsche 718 Boxster GTS 4.0, BMW 750i đời 2007 và Honda Prelude SiR phiên bản JDM đời 1996. Ngoài ra, còn có một chiếc Land Rover Santana đời 1977, được sản xuất tại Tây Ban Nha.
Vụ cháy tàu này còn khiến Lamborghini phải khởi động lại dây chuyền sản xuất Aventador Ultimate dù trước đó đã tuyên bố khai tử mẫu siêu xe này.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: Motor1