Với mức giá tương đồng nhau, Mitsubishi Outlander và Mazda CX-5 là những đối thủ vô chính của nhau. Tuy vậy, cả hai mẫu xe đều có những thế mạnh riêng và chúng ta sẽ cùng khám phá qua bài so sánh này.
Crossover từ lâu đã là loại xe được nhiều gia đình đông người lựa chọn nhờ các yếu tố như cabin rộng rãi, di chuyển tự do nhiều địa hình. Chúng đa dụng, rộng rãi hơn sedan nhưng có khả năng hoạt động linh hoạt hơn xe MPV. Chính sự linh hoạt và thực dụng đã khiến xe crossover trở thành loại xe bán chạy nhất trên thế giới trong vài năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, phân khúc crossover là sân chơi của những hãng xe Nhật. Có thể kể đến Honda CR-V, Mazda CX-5 và Mitsubishi Outlander. Đây đều là những mẫu xe ăn khách bởi thiết kế đẹp, không gian nội thất rộng rãi và chi phí sử dụng tối ưu. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng so sánh Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium và Mazda CX-5 2.0L Luxury. Hai mẫu xe này có giá bán lần lượt là 950 và 949 triệu đồng.
Kích thước tổng thể
Khi đặt 2 chiếc xe lên bàn cân, ta sẽ thấy Outlander là chiếc xe to lớn hơn. Outlander có chiều dài lớn hơn CX-5 145 mm, hẹp hơn 30 mm nhưng cao hơn 30 mm. Chính vì kích thước lớn hơn nên Outlander có thể bố trí thêm hàng ghế thứ 3 với tổng cộng 7 chỗ ngồi, trong khi CX-5 chỉ có 5 chỗ. Tuy nhiên, CX-5 có trục cơ sở dài hơn 10 mm, không quá đáng kể nhưng vẫn là hơn so với Outlander. Khi so sánh các thông số khác, ta thấy Outlander nhẹ hơn 15 kg so với CX-5 và có bán kính quay đầu tốt hơn.
Trang bị ngoại thất
Nhìn chung, thiết kế trên CX-5 và Outlander đều hướng đến đối tượng khách hàng lịch lãm, hiện đại. Cả hai hãng xe không sử dụng nhiều đường nét táo bạo, gân guốc mà tập trung trau chuốt vào đường cong, thanh mảnh. Chiếc crossover của Mitsubishi có vẻ bề ngoại lịch lãm đặc trưng của ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield với mặt ca lăng mạ crôm cỡ lớn và các đường nét hài hòa, cân đối.
Ngược lại, Mazda CX-5 lại mang kiểu dáng trẻ trung và phá cách hơn. Cá nhân tôi thấy thiết kế của chiếc Mazda CX-5 đẹp và hiện đại hơn nhưng cũng sẽ có những khách hàng ưu ái sự sang trọng, bệ vệ của Outlander.
Về hệ thống đèn chiếu sáng, Mazda CX-5 có hệ thống đèn hiện đại hơn với công nghệ tự động cân bằng góc chiếu và mở rộng góc chiếu, trong khi Outlander cũng đậm chất thực dụng với hệ thống rửa đèn pha. Đây là một tính năng nhỏ nhưng vô cùng hữu dụng khi bạn đi dưới trời mưa hoặc phải băng qua những cung đường đất bùn lầy lội. Tuy nhiên, nếu bàn về thiết kế thì tôi đánh giá cao thiết kế đèn pha của Mazda CX-5 hơn.
Nhìn sang bên thân xe, chiếc Outlander có kiểu dáng khỏe khoắn và mạnh mẽ, nam tính hơn, trong khi Mazda CX-5 có chút điệu đà, thời trang theo hơi hướng “sang chảnh”. Cá nhân tôi thích những thiết kế thẳng và vuông vức hơn nên tôi đánh giá cao Outlander hơn. Tuy nhiên, bộ la-zăng của CX-5 lại đẹp hơn và có kích thước 19 inch lớn hơn.
Cả 2 chiếc xe đều có đèn hậu LED nhưng tôi đánh giá cao thiết kế của Outlander hơn. Đèn hậu của Outlander có thiết kế các ống LED to bản và dày dặn, mang đến ấn tượng về sự vững chãi đúng theo tinh thần của ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield. Đèn hậu của CX-5 không hề xấu nhưng cá nhân tôi thấy chúng hơi lệch tỷ lệ so với kích thước cả phần đuôi xe.
Trang bị nội thất
Về thiết kế khoang nội thất, ta có thể nhận thấy ngay rằng Outlander có phong cách thực dụng, trực quan, trong khi CX-5 có phong cách lịch lãm, hiện đại. Xét về mặt thẩm mỹ, tôi đánh giá cao khoang nội thất của CX-5 hơn. Không gian bên trong mẫu CUV của Mazda có thiết kế hài hòa, phân tầng, mảng rõ ràng và mang hơi hướng xe châu Âu, trong khi nội thất Outlander có thiết kế thực dụng đúng chất châu Á.
Tuy nhiên, khi bóc tách từng trang bị, tiện ích, ta sẽ thấy Mitsubishi Outlander có những lợi thế nhất định khi so với Mazda CX-5. Đầu tiên là 2 lẫy chuyển số trên vô lăng Outlander. Đây là trang bị không phải ai cũng sử dụng nhưng một khi đã quen với nó thì khả năng điều khiển chiếc xe của bạn sẽ tăng lên khá nhiều, đơn giản vì lúc nào 2 tay bạn cũng đặt trên vô lăng. Cá nhân tôi thấy lẫy chuyển số trên vô lăng là trang bị rất hữu ích khi đi đường đèo dốc, nhiều khúc cua gắt.
Một lợi thế nhỏ nữa của Outlander là cả 4 cửa kính đều lên xuống 1 chạm chống kẹt, trong khi Mazda CX-5 chỉ có kính lái. Outlander cũng có màn hình trung tâm tốt hơn: dù màn hình có kích thước nhỏ hơn CX-5 nhưng nó lại hỗ trợ cả Apple Carplay và Android Auto. Hàng ghế thứ 2 của Outlander có thể trượt lên xuống, linh hoạt hơn hàng ghế 2 của CX-5. Bù lại, CX-5 có những lợi thế như dàn âm thanh Bose 10 loa tốt hơn và cốp rộng rãi hơn 28 lít so với Outlander.
Hệ thống an toàn
Hệ thống an toàn là thứ Outlander 2.0 vượt trội so với Mazda CX-5 2.0. Chiếc CUV của Mitsubishi có 7 túi khí, bao gồm cả túi khí đầu gối tài xế, trong khi CX-6 chỉ có 6 túi khí, thiếu túi khí đầu gối. Các tính năng an toàn chủ động của Outlander cũng tốt hơn so với CX-5 bao gồm Kiểm soát điểm mù, Cảnh báo phương tiện cắt ngang đuôi xe và Kiểm soát chân ga khi phanh. Cá nhân tôi thấy tính năng Cảnh báo phương tiện cắt ngang đuôi xe là đáng giá nhất. Nó đặc biệt hữu ích trong cách tình huống như lùi xe ra khỏi bãi đỗ mà khuất tầm nhìn hay lùi xe từ trong nhà xuống vỉa hè. Đổi lại, CX-5 có hệ thống Kiểm soát lực kéo và có thêm 4 cảm biến tiệm cận ở đầu xe.
Động cơ, hệ truyền động
Tình thế đảo chiều khi chúng ta so sánh khả năng vận hành của 2 chiếc xe. Bảng thống kê trên cho thấy chiếc Mazda CX-5 nhỉnh hơn đối thủ ở các thông số như công suất động cơ, tỷ lệ công suất/trọng lượng và hộp số 6 cấp. Trong điều kiện thực tế, khi tôi đạp thốc ga 2 chiếc xe thì CX-5 với hộp số có cấp đã phản ứng nhanh hơn với yêu cầu tăng tốc của tôi, dù khả năng tăng tốc của 2 chiếc xe là tương đương, không có chiếc nào thực sự vượt trội. Cảm giác vô lăng của 2 chiếc xe cũng không mấy ấn tượng dù chiếc CX-5 có vô lăng chính xác hơn 1 chút.
Mitsubishi Outlander lại nhỉnh hơn đối thủ ở khoản cách âm. Ở tốc độ 50 km/h, tôi đo được độ ồn trung bình của Outlander là 52,5 dB, trong khi CX-5 là 53,7 dB. Ở vận tốc 80 km/h, độ ồn trung bình của Outlander là 54,5 dB, trong khi CX-5 là 55,1 dB. Về cảm nhận tiếng ồn thì Outlander cho cảm giác êm tai hơn vì chiếc xe ít bị tiếng ồn lốp hơn CX-5. Trong khuôn khổ bài thử nghiệm thì Outlander cũng tiêu thụ ít xăng hơn CX-5, phản ánh đúng thông số mà nhà sản xuất đưa ra.
Kết luận
Mazda CX-5 và Mitsubishi Outlander đều là những mẫu crossover ăn khách và nhận được sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng Việt Nam. Chiếc CX-5 thu hút những khách hàng trẻ đang tìm kiếm một chiếc xe thời trang nhưng vẫn có được những ưu điểm đặc trưng của xe nhật như bền bỉ, chi phí sử dụng thấp và giá trị thanh khoản cao. Trong khi đó, Mitsubishi Outlander là chiếc xe thực dụng nhưng vẫn bảnh bao và sở hữu những công nghệ an toàn hàng đầu phân khúc. Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng khi lựa chọn một trong hai chiếc xe này.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)