Đóng
 

Thứ tư, 30/10/2024 | 07:59
22:10  |  08/11/2019

Thay dầu máy như thế nào cho đúng?

Thay dầu nhớt định kỳ là khâu bảo dưỡng không quá phức tạp nhưng không phải chủ xe nào cũng biết cách chọn lựa loại dầu nhớt tốt nhất. Thậm chí, nhiều chủ xe còn chưa hiểu rõ tác dụng của dầu nhớt và vì sao phải thay dầu định kỳ.

Nếu như chủ xe có thể nắm vững những kiến thức cơ bản về dầu nhớt thì việc sử dụng và chăm sóc xe hơi sẽ trở nên dễ dàng và kinh tế hơn nhiều. Bài viết ngày hôm nay sẽ chỉ ra những kiến thức cơ bản để bạn đọc có thể tự mình lựa chọn loại dầu nhớt tốt nhất cho chiếc xe của mình.

Dầu nhớt, hay còn gọi là dầu nhờn hay dầu máy, là một loại chất lỏng có tác dụng chính là bôi trơn các chi tiết trong động cơ, tạo lớp màng ngăn chặn sự mài mòn giữa các chi tiết để động cơ hoạt động hiệu quả, bền bỉ. Hai tác dụng khác cũng không kém phần quan trọng của dầu nhớt là góp phần làm mát động cơ và làm kín buồng đốt để quá trình đốt cháy nhiên liệu tối ưu nhất.

Hai thành phần cơ bản của dầu nhớt động cơ là gốc dầu và phụ gia với tỷ lệ khoảng 9 trên 1. Trong quá trình vận hành, dưới tác động của lực ma sát giữa các chi tiết máy, nhiệt độ và áp suất, cả 2 thành phần này sẽ dần bị ôxy hóa khiến dầu mất độ nhớt dẫn tới mất khả năng bảo vệ động cơ. Tùy từng loại dầu nhớt mà quá trình oxy hóa diễn ra nhanh hay chậm. Có nhiều loại dầu chất lượng trung bình chỉ có thể đi được 2.000 km mỗi lần thay nhưng cũng có loại cao cấp giúp xe bạn đi được 10.000 km mới phải thay dầu.

Màu sắc của dầu nhớt có chỉ ra chất lượng của loại dầu đó hay không?

Nhiều chủ xe có chung câu hỏi rằng liệu màu sắc của dầu trong chai mới có minh chứng cho chất lượng dầu nhớt hay không. Dù nhiều người sử dụng cho rằng màu nâu cánh gián đại diện cho loại dầu nhớt chất lượng tốt nhưng sự thực lại không như vậy. Sự thực là màu sắc của dầu nhớt khi mới bóc ra khỏi hộp không có nghĩa là dầu nào tốt hay dở. Gốc dầu tinh khiết có màu gần như trong suốt nên màu sắc của dầu nhớt chính là màu của các phụ gia thêm vào. Mỗi hãng dầu nhớt đều có các công thức phụ gia riêng nên cần khẳng định rằng màu sắc của dầu không đại diện cho chất lượng dầu nhớt.

Dầu đã qua sử dụng mà có màu đen thì tức là phải thay ngay lập tức?

Một vấn đề khác mà nhiều chủ xe băn khoăn là màu sắc của dầu đã qua sử dụng. Nhiều người cho rằng nếu dầu trích từ động cơ có màu đen thì tức là dầu đã hết công năng và cần thay thế ngay lập tức để bảo vệ động cơ. Tuy nhiên, đó là một quan niệm không có cơ sở khoa học. Hai nguyên nhân chính tạo ra màu đen của dầu động cơ là chu trình nhiệt và muội sinh ra bởi nhiên liệu không cháy hết trong kỳ nổ. Chu trình nhiệt chính là quá trình sử dụng xe hằng ngày khi động cơ liên tục đạt nhiệt độ làm việc, sau đó trở lại nhiệt độ môi trường và tiếp tục trở lại nhiệt độ làm việc. Sự nóng – lạnh luân phiên đó khiến các phụ gia nhạy cảm với nhiệt độ dần trở nên đậm màu hơn.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính khiến dầu bị đen đi là do muội than sinh ra do nhiên liệu không được đốt triệt để, điều rất thường gặp với các động cơ tăng áp có hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp. Điều quan trọng nhất cần lưu ý ở đây là những hạt muội than này không hề có hại cho động cơ vì chúng quá nhỏ, kích cỡ trung bình chỉ 1 micron, tức là nhỏ hơn 70 lần so với 1 sợi tóc. Các hạt muội than siêu nhỏ này là quá nhỏ để làm hại động cơ vì động cơ hiện đại bây giờ có dung sai giữa các chi tiết máy lên tới 250 micron. Muội than luôn sinh ra trong mỗi kỳ nổ nên người sử dụng xe hơi không cần phải quá lo lắng khi dầu nhớt chuyển sang màu đen dù mới được thay thế trong thời gian gần đây.

Các thông số trên chai dầu có ý nghĩa gì?

Trên mỗi chai dầu nhớt đều có rất nhiều thông số kỹ thuật và các ký tự viết tắt. Hiện nay trên các diễn đàn đang có rất nhiều luồng thông tin khác nhau khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là tiêu chuẩn toàn cầu, đâu là thuật ngữ marketing. Dù vậy, khi nhìn vào bất cứ chai dầu nào, sẽ có những “từ khóa” cung cấp các thông tin quan trọng mà bạn cần nắm được trước khi chọn mua.

Điều đầu tiên bạn cần phân biệt thế nào là dầu khoáng (Mineral Oil), dầu bán tổng hợp (Semi-Synthetic) và dầu tổng hợp toàn phần (Fully Synthetic). Hai yếu tố quan trọng nhất để phân loại dầu nhớt vào 3 nhóm này là tỷ lệ lưu huỳnh trong dầu và độ bão hòa của dầu. Lưu huỳnh thì ai cũng biết là có hại như thế nào rồi, còn độ bão hòa thì là độ trơ của dầu trước những tác nhân hóa học có hại. Những cặn bẩn trong xăng hay không khí thường mang các hợp chất có hại, sẽ phá hỏng cấu trúc phân tử của dầu nhớt. Nói đơn giản thì một loại dầu có độ bão hòa tuyệt đối (100%) thì cũng giống như chúng ta đã ăn đầy bụng rồi thì ta sẽ không bị dụ dỗ bởi những đồ ăn gây béo phì ví dụ như gà rán KFC hay phô mai que.

Nói một cách ngắn gọn thì:

Nếu tỷ lệ lưu huỳnh quá cao và độ bão hòa quá thấp, dưới 90% thì đó là loại dầu tệ nhất – Dầu Khoáng – chất lượng tệ nhất, giá rẻ nhất
Nếu tỷ lệ lưu huỳnh ở mức trung bình và độ bão hòa của dầu cũng trung bình thì nó là dầu bán tổng hợp – chất lượng trung bình, giá trung bình
Nếu tỷ lệ lưu huỳnh cực thấp và độ bão hòa gần đạt mức tối đa 100% thì đó là dầu tổng hợp toàn phần, cao cấp nhất và cũng đắt nhất.

Trên một số chai dầu cao cấp bạn sẽ thấy những từ viết tắt như là PAO hay là “made 100% from PAO”. Đây không phải là “nhà của Pao” ở Sapa đâu! Vậy PAO là cái gì? Đó là gốc dầu tổng hợp cao cấp nhất trong ngành sản xuất dầu nhớt bôi trơn, nên nói đơn giản thì nếu bạn nhìn thấy PAO thì cứ yên tâm mà sử dụng vì chắc chắn đấy là loại dầu cao cấp, đắt tiền. Thông thường thì các loại dầu nhớt đắt tiền nhất sẽ phối trộn cả gốc dầu PAO và gốc dầu ê-te, vốn có đẳng cấp tương đương gốc PAO. Để phân tích kỹ xem PAO hay Ê-te tốt hơn thì sẽ mất rất thời gian của các bạn, tôi chỉ nói rất đơn giản là chúng cũng như Bentley với Rolls-Royce trong thế giới xe vậy, không ông nào vượt trội hẳn nhưng cả 2 đều là đẳng cấp thượng hạng.

Thông số API cũng rất quan trọng trong việc xác định phẩm cấp của dầu nhớt. Bạn không cần biết rõ API là từ viết tắt của cái gì đâu, bạn chỉ cần biết là kể từ khi loài người biết sử dụng dầu nhớt thì đã có bộ tiêu chuẩn API rồi. Vậy tiêu chuẩn API sẽ cho bạn biết những thông tin gì? Sau từ API sẽ là S hoặc C, nếu là S thì đây là dầu nhớt dùng cho động cơ chạy xăng, nếu là C thì sử dụng được cho động cơ chạy dầu. Theo sau ký tự S hoặc C sẽ là một ký tự trong bảng chữ cái A B C … và nếu càng là ký tự sau cùng của bảng chữ cái thì chất lượng dầu càng tốt. Hiện tại, tiêu chuẩn cao nhất với dầu cho máy xăng là SN, còn cao nhất cho máy dầu là CK.

Những từ viết tắt 0W-30 hay 5W-40 cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thông số cho thấy độ nhớt của dầu và dải nhiệt độ khởi động cùng tính năng bảo vệ khi khởi động của dầu.

Cụ thể hơn, con số đứng trước ký tự W liên quan đến khả năng khởi động lạnh (hay còn gọi là khởi động ở nhiệt độ thấp) và tính bôi trơn liên tục, bảo vệ động cơ ngay từ khi khởi động. Con số này càng nhỏ thì dầu duy trì được dòng chảy hoặc độ loãng ở nhiệt độ lạnh càng tốt, từ đó dễ dàng bơm đến các chi tiết máy và bảo vệ tốt hơn ngay khi khởi động. Ngoài ra, về giá cả, loại dầu nào có số đứng trước W càng nhỏ thì sẽ có giá thành càng cao (0 – 5 – 10 – 15,...) vì nó liên quan đến chất lượng dầu gốc sử dụng. Để tạo ra các loại dầu đó, nhà sản xuất phải sử dụng dầu gốc tổng hợp hoặc thêm vào các phụ gia tăng tính chất của dầu.

Còn về con số đứng sau W, đây chính là yếu tố thể hiện khả năng duy trì độ nhớt của dầu ở nhiệt độ cao. Khi nhiệt độ tăng lên, dầu bị loãng ra; do đó, một loại dầu tốt là loại dầu phải duy trì được độ nhớt để đảm bảo được tính bôi trơn cho động cơ. Con số này càng lớn thì khi ở môi trường nhiệt độ cao, loại dầu đó sẽ duy trì được độ nhớt càng tốt. Ví dụ, nếu so sánh giữa 2 loại 5W-30 và 10W-40, khi nhiệt độ tăng cao thì dầu 10W-40 sẽ vẫn đặc hơn dầu 5W-30 và vẫn duy trì được độ nhớt ở mức cao hơn, hoặc có thể nói là dầu 10W-40 duy trì được màng dầu dày hơn ở nhiệt độ cao.

Nhìn chung thì dầu lỏng (ví dụ như 0W-20 hoặc 30) sẽ dễ dàng len lỏi vào mọi ngõ ngách trong động cơ hơn, sẽ đi từ máng dầu lên các chi tiết máy ở trên cao nhanh hơn. Đây là đặc điểm ưu việt giúp bảo vệ động cơ tốt hơn khi khởi động xe, thời điểm mà sự mài mòn xảy ra nhiều nhất, có hại nhất. Tuy nhiên, dầu lỏng thì sẽ dần mất đi khả năng bôi trơn ở nhiệt độ cao.

Dầu đậm đặc (ví dụ như 5W-40 hay 10W-50) giữ được khả năng bôi trơn ở nhiệt độ cao tốt hơn dầu lỏng, đổi lại thì lực cản cũng nhiều hơn dầu lỏng dẫn tới hao công suất hơn, khi bạn lái thì sẽ có cảm giác máy bị ì ạch, không bốc. Tất nhiên những tính chất trên không phải là tuyệt đối vì chìa khóa ở đây là các phụ gia, thành phần không thể thiếu của dầu cao cấp. Những loại phụ gia khác nhau thậm chí có thể khắc phục hoàn toàn nhược điểm của dầu lỏng hay dầu đặc. Phụ gia là bí quyết riêng của từng hãng nên trong phạm vi video này, tôi sẽ không bàn đến phụ gia.

Những con số này không phải là hãng sản xuất dầu thích in gì cũng được mà đó là tiêu chuẩn về độ nhớt được quy định bởi Hiệp hội Kỹ sư ô tô quốc tế - SAE, tổ chức uy tín nhất thế giới về các quy chuẩn cơ khí. Hằng ngày đang có hàng chục nghìn kỹ sư làm việc chăm chỉ để tạo ra những ký tự đơn giản, dễ hiểu in trên các sản phẩm tiêu dùng. Chúng ta không việc gì phải tin tưởng vào những “kinh nghiệm dân gian” cả, chỉ cần đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng đi kèm mẫu xe bạn mới mua để biết được thông số chính xác nhất dành cho xe của chính bạn.

Loại dầu nhớt nào phù hợp với xe của bạn?

Sau đây là một vài trường hợp thực tế về việc sử dụng xe ở Việt Nam, bao gồm cả xe cũ và xe mới. Đầu tiên là trường hợp chủ yếu đi trong phố bằng xe mới. Thực tế thì đây là trường hợp rất phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn như HN hay TP.HCM. Hãy cùng phân tích điều kiện làm việc của động cơ nói chung và dầu nhớt nói riêng trong tình huống này. Khi đi phố, nhất là phố đông thì bạn thường xuyên phải thay đổi tốc độ liên tục và không thể tránh khỏi việc đạp dư ga, dẫn tới việc tiêu hao nhiều xăng hơn, đồng nghĩa với việc xăng cháy không hết cũng nhiều hơn. Những giọt xăng thừa đó sẽ dần dần pha loãng dầu nhớt, làm giảm tuổi thọ dầu.

Như vậy, chúng ta nên thay dầu sớm hơn một chút so với khuyến cáo của nhà sản xuất. Về phẩm cấp dầu thì nên chọn loại dầu lỏng đúng với khuyến cáo của hãng xe, ví dụ như 5W-20 hay 5W-30 để duy trì khả năng bôi trơn động cơ ở tốc độ thấp, vòng tua thấp. Hầu hết hãng xe hiện nay đều khuyến cáo sử dụng dầu lỏng cho xe của họ với độ nhớt nằm trong khoảng 20 đến 30, nhất là xe có động cơ tăng áp dung tích nhỏ. Chỉ riêng những loại xe hiệu suất cao mới được khuyên dùng dầu đặc có độ nhớt 40.

Trường hợp tiếp theo là những người đi phố bằng xe cũ (trên 5 vạn km). Mọi chi tiết cơ khí sẽ có sự mài mòn nhất định không thể tránh khỏi. Dù bạn có dùng động cơ bằng titan hay bằng vàng thì nó cũng sẽ bị mài mòn ở một mức độ nào đó. Do đó, công thức chung của trường hợp này là sử dụng loại dầu nhớt có độ đậm đặc tăng 10 điểm so với khuyến cáo dành cho xe mới (ví dụ 5W-20 lên thành 5W-30). Tất nhiên là bạn phải lắng nghe chiếc xe của mình để lựa chọn loại dầu phù hợp nhất.

Về chất lượng dầu thì nếu đủ điều kiện thì vẫn nên chọn loại dầu tổng hợp toàn phần đạt tiêu chuẩn API SN vì bạn bỏ nhiều tiền ra 1 lần nhưng tuổi thọ dầu nhớt tăng 3 4 lần so với dầu rẻ tiền, có thể lên tới 1 vạn km. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn ít phải cho xe đi bảo dưỡng, thay dầu hơn, thời gian đó dùng để kiếm tiền hay đi chơi với gia đình thì xứng đáng hơn cứ 2, 3000 km lại đi thay dầu. Đó là chưa kể đến việc dầu nhớt cao cấp bảo vệ động cơ của bạn tốt hơn với gốc dầu cao cấp nhất và phụ gia hiện đại.

Tiếp theo là khách hàng là các doanh nghiệp vận tải, thường xuyên chạy đường quốc lộ tuyến cố định. Đây là nhóm khách hàng vô cùng khắt khe về vấn đề tối ưu chi phí hoạt động. Nguyên nhân là nếu chỉ tiết kiệm được 200.000 đồng mỗi năm khai thác xe thôi nhưng nhân lên với đội xe hàng nghìn chiếc thì số tiền cũng rất lớn. Chính sự chi li đó dễ khiến họ nảy sinh tâm lý sử dụng dầu nhớt giá rẻ để tiết kiệm chi phí thay dầu.

Tuy nhiên, nhóm khách hàng này vẫn nên sử dụng dầu nhớt loại cao cấp nhất mà khả năng tài chính cho phép. Nguyên nhân là xe vận tải cứ dừng nghỉ 1 ngày thôi là đã “đánh rơi” rất nhiều tiền rồi. Ví dụnhư một doanh nghiệp xe chạy xuyên việt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, nếu dùng dầu rẻ tiền thì mỗi lần chạy HN – HCM – HN 1 vòng là đã phải dừng lại ở trạm bảo dưỡng để thay dầu và bảo dưỡng các thành phần khác. Trong khi cũng cung đường đó, nếu đổ dầu cao cấp thì có thể chạy được 3 vòng mới phải thay dầu. Đó là còn chưa kể dầu nhớt cao cấp sẽ khiến những con trâu cày này bền bỉ hơn, cày cuốc hiệu quả hơn, ra nhiều tiền hơn. Thời gian là tiền bạc, người doanh nhân nào cũng quá rõ điều này. Cũng nhóm khách hàng này nhưng sử dụng xe cũ thì vẫn nên áp dụng công thức tăng 10 điểm độ đậm đặc giống như xe con.

Như vậy, việc chọn đúng loại dầu nhớt tốt nhất trong điều kiện tài chính của bạn cũng không hề quá khó khăn. Bạn chỉ cần phân biệt được sự khác biệt giữa dầu khoáng và dầu tổng hợp, các chỉ số chất lượng  API, độ nhớt SAE và tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất xe và nhà sản xuất dầu là đã có thể yên tâm tự mình lựa chọn loại dầu nhớt tốt ưu nhất.

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)   

Tư vấn

Chính thức từ 1/1/2025, tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt

Từ tháng 1/2025, tài xế lái xe ô tô không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần, lái xe liên tục không quá 4 giờ.