Đóng
 

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:58
11:01  |  10/03/2020

Thực hư chuyện "thổi" giá 30 triệu đồng/khóa thi bằng lái xe ôtô

Kể từ đầu năm 2020, số lượng người đăng ký học lái xe bỗng dưng tăng đột biến khiến nhiều trung tâm đào tạo rơi vào tình trạng quá tải. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu  tăng mạnh, không ít kẻ môi giới, cò mồi đã “thổi” giá học phí lên mức cao chót vót 30 triệu đồng/khóa.

Đầu năm học, cuối năm mới được thi

Theo Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT ban hành năm 2019, phần thi sát hạch lý thuyết sẽ có hiệu lực trong năm nay, còn phần sát hạch thực hành sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021. Chính vì vậy, hàng triệu người chưa có bằng lái xe ô tô đã ùn ùn đổ xô đi học để… chạy thời điểm. Thực trạng này đã đẩy các trung tâm đào tạo, sát hạch, rơi vào cảnh dở khóc dở cười bởi quá tải, còn học viên thì phải rồng rắn xếp hàng. 

Chị Đặng Hoàng Trang ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội thông tin, đầu tháng 2-2020 chị nghe nhiều người nói về việc học và thi lấy bằng lái xe sẽ cực kỳ khó khăn so với trước đây. Bởi vậy, chị đã tìm một trung tâm đào tạo có tiếng trên địa bàn Hà Nội để đăng ký học lái xe hạng B2. “Tuy nhiên, khi tôi điện thoại tới 2 trung tâm để hỏi thì đều nhận được câu trả lời rằng, phải đến tháng 3 hoặc tháng 4 mới có thể vào học. Nhưng điều tệ hơn là phải đợi đến cuối năm 2020 hoặc đầu 2021 mới được thi. Lý do của sự chậm chạp này là do quá tải lượng học viên đăng ký” - chị Trang cho hay.

Không chỉ riêng chị Trang, nhiều người có nhu cầu học và thi sát hạch lái xe đang rơi vào cảnh phải xếp hồ sơ cả năm trời. Thậm chí, có những học viên đã học xong từ cuối năm 2019 nhưng vẫn được các trung tâm đào tạo thông báo phải chờ đến cuối năm 2020 mới được thi. 

Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho biết, trung tâm đang bị quá tải hồ sơ đến tận tháng 6-2020. Tương tự, ông Lê Văn Đại, Giám đốc trung tâm đào tạo lái xe Sài Đồng (Hà Nội) thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay lượng người đăng ký học và thi sát hạch lái xe tại trung tâm tăng thêm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện trung tâm mới khai giảng lớp tháng 2, song hồ sơ chờ xếp lớp mới đã hết tháng 3, còn lịch sát hạch thì phải chờ Sở GTVT Hà Nội thông báo.

Mức học phí lái xe phổ biến dao động từ 10-15 triệu đồng cho cả khóa học thực hành và lý thuyết

Học “chạy” thông tư

Đề cập đến nguyên nhân khiến tình trạng người dân ùn ùn đi học lái xe, ông Toản cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do Nghị định 100 quy định xử phạt nặng về lỗi vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, nhiều gia đình có nhu cầu cả 2 vợ chồng cùng phải biết lái xe, để khi người chồng có hơi men thì các bà vợ sẽ lái thay. Nguyên nhân thứ hai là một số trung tâm đào tạo, sát hạch của quân đội hiện dừng đào tạo, do đó số lượng người muốn học phải dồn về các trung tâm dân sự. 

Đặc biệt nhất là sự truyền miệng về Thông tư 38 của Bộ GTVT, sẽ có sự thay đổi đáng kể theo hướng siết chặt việc đào tạo, sát hạch, và người thi sẽ phải học nghiêm túc hơn. Cụ thể: từ 1-5-2020 sẽ thực hiện điểm danh học viên học môn Pháp luật Giao thông đường bộ. Đến tháng 1-2021 sẽ điểm danh về thời gian lái xe thực hành. 

Cũng từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn Pháp luật Giao thông đường bộ đối với học viên (trừ hạng B1); Tổ chức đào tạo về phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. “Học viên muốn “né” những khó khăn sắp tới nên việc đăng ký học từ thời điểm này đã tăng đột biến” - ông Toản nhìn nhận.

Ngoài vấn đề học thì việc sát hạch lái xe cũng sẽ rất nghiêm ngặt. Đó là sẽ  thực hiện lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1-1-2020. Đó là chưa kể đến việc chuẩn bị triển khai sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe. 

Từ ngày 1-6-2020, GPLX cấp mới sẽ có mã 2 chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe. Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.

Liên quan đến nhiều thông tin cho rằng, lợi dụng tình trạng người dân ùn ùn đi học lái xe để tăng học phí, ông Đại khẳng định, mức học phí ở trung tâm vẫn duy trì 5 triệu đồng/khóa. Tuy vậy, chắc chắn mức học phí này sẽ được điều chỉnh khi trung tâm phải đầu tư thêm trang thiết bị để đáp ứng theo yêu cầu mới của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. “Trước đây có tình trạng nở rộ trung tâm đào tạo sát hạch lái xe nên không ít nơi đã phải hạ học phí để có học viên. Nay thì mức học phí được điều chỉnh về đúng giá trị thực. Mức học phí lái xe dao động từ 10-15 triệu đồng cho cả khóa học thực hành và lý thuyết là phổ biến và duy trì cả chục năm nay” - ông Toản cho hay. 

Trả lời về việc, có hay không các trung tâm đào tạo “bắt tay” nhau để tăng học phí nhân thời điểm học viên đông đúc? Lãnh đạo các trung tâm đều khẳng định, mỗi trung tâm đào tạo có mức phí khác nhau để cạnh tranh, nhưng không thể bắt tay tăng giá. Đào tạo lái xe hiện đã được xã hội hóa, bản thân các cơ sở đào tạo tự xây dựng thương hiệu, thông tin tuyển dụng học viên, học viên tự đăng ký cơ sở đào tạo không cần qua trung gian, cò mồi gây thông tin sai lệch. 

Hải Dương (ANTĐ)