Một vụ nổ lớn mới đây đã phá hủy một phần trạm sạc Supercharger của Tesla tại bang Washington (Mỹ) khiến toàn bộ địa điểm này phải tạm ngưng hoạt động.
Điều này làm dấy lên lo ngại về làn sóng tấn công ngày càng gia tăng nhắm vào thương hiệu Tesla, cũng như chính Elon Musk.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 sáng tại khu vực Sleater Kinney, bên ngoài một siêu thị Target trên đường 655 Sleater Kinney Rd. Theo thông tin từ Sở Cảnh sát Lacey, người dân trong khu vực đã gọi báo sau khi nghe thấy “một tiếng nổ lớn”.
Khi lực lượng chức năng có mặt, họ phát hiện một phần trạm Supercharger bị phá hủy nghiêm trọng, với một tủ sạc bị vỡ tung thành nhiều mảnh và ít nhất một trạm sạc bị hư hại nặng.
Cảnh sát Lacey cho biết, họ đang phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) để làm rõ nguyên nhân vụ nổ, đồng thời tạm thời xếp đây vào diện “hành vi phá hoại có chủ đích”.
Về phía Tesla, hãng đã xác nhận đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng và sẽ cung cấp toàn bộ dữ liệu từ hệ thống camera giám sát tại trạm sạc. Sau vụ việc, trang mạng xã hội X chính thức của Tesla đã đăng tải dòng trạng thái: “Đừng đụng đến hạ tầng quan trọng”.
Dù chưa có kết luận chính thức, vụ nổ tại trạm sạc Tesla đang được xem là biểu hiện mới nhất của làn sóng phẫn nộ ngày càng gay gắt nhắm vào tỷ phú Elon Musk. Trong thời gian gần đây, nhiều trạm sạc Tesla cũng đã trở thành mục tiêu phá hoại, còn các dòng xe như Cybertruck thì bị vẽ bậy, làm xước hoặc đập phá ngay tại các bãi đỗ công cộng.
Theo Elon Musk, làn sóng này phần nào bắt nguồn từ phản ứng dữ dội của một bộ phận dân chúng đối với các chính sách thắt chặt ngân sách liên bang dưới thời ông đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Department of Government Efficiency (DOGE) – một cơ quan mới gây nhiều tranh cãi vì cắt giảm mạnh nhân sự và chi tiêu Chính phủ. Tỷ phú này cũng cáo buộc các lãnh đạo đảng Dân chủ đã “kích động thù hằn” với Tesla và cá nhân ông thông qua các phát ngôn công khai.
Điều đáng lo ngại là khi hình ảnh cá nhân của Elon Musk gắn chặt với thương hiệu Tesla, nhiều người đang nhắm vào các cơ sở vật chất và sản phẩm của công ty như một hình thức phản đối, bất kể người dùng cuối hoàn toàn không liên quan đến các tranh cãi chính trị. Chủ xe Tesla, phần lớn chỉ là người tiêu dùng bình thường đang trở thành “nạn nhân trung gian” trong cuộc đối đầu mang tính biểu tượng này.
Hiện tại, Tesla đang phối hợp với công ty năng lượng Puget Sound Energy để khôi phục hoạt động tại trạm sạc bị hư hỏng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, vụ việc lần này lại một lần nữa cho thấy tình trạng bất ổn và chia rẽ trong xã hội Mỹ đang bắt đầu lan sang cả lĩnh vực công nghệ và giao thông, nơi những cái tên như Tesla không chỉ đơn thuần là một thương hiệu xe điện, mà còn là biểu tượng cho một thời đại đầy tranh cãi.
TH (Tuoitrethudo)