Thị trường ô tô Việt Nam năm 2025 đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng.
Người mua xe không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào những thương hiệu lâu đời, mà đang chuyển hướng sang cách tiếp cận thực dụng hơn, dựa trên hiệu quả sử dụng, giá trị đầu tư và trải nghiệm thực tế. Trong bối cảnh đó, cuộc cạnh tranh giữa các dòng xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Xe Nhật giữ vị thế dẫn đầu nhưng áp lực cạnh tranh gia tăng
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số hãng xe không thuộc hiệp hội, kết thúc quý I/2025, Toyota vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 13.000 xe bán ra. Thành công này chủ yếu đến từ các mẫu xe quen thuộc như Vios, Corolla Cross và Innova Cross. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu của hãng xe Nhật không còn là cuộc chơi "một mình một ngựa" như trước.
Hyundai hiện đang bám sát ở vị trí thứ hai với doanh số khoảng 12.000 xe, trong đó các mẫu Accent, Creta và MPV Custin đang thể hiện phong độ ổn định. Đáng chú ý, nhóm xe Trung Quốc bao gồm Chery, MG và gần đây là BYD đang ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt ở các phân khúc SUV đô thị và xe điện. Thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trong quý I đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh rõ sự cởi mở hơn từ người tiêu dùng Việt Nam đối với những lựa chọn mới trên thị trường.
Giá bán vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua xe
Một khảo sát trực tuyến gần đây cho thấy, đa số người tham gia đều coi yếu tố giá bán là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn ô tô. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chú trọng đến chi phí sử dụng lâu dài và mức độ tiện nghi, công nghệ trang bị trên xe.
Trong cuộc đua về giá và trang bị, các mẫu xe Trung Quốc đang tỏ ra chiếm ưu thế rõ rệt. Ví dụ, MG ZS mẫu CUV cỡ B có giá bán chỉ từ 518 - 588 triệu đồng nhưng lại sở hữu những trang bị gần như tương đương các mẫu xe Hàn, Nhật giá 700 - 800 triệu đồng.
Ngược lại, các mẫu xe Hàn Quốc như Hyundai Creta hoặc Kia Seltos có giá cao hơn, dao động từ 600 đến 800 triệu đồng, song lại gây dựng được niềm tin nhờ thương hiệu lâu năm, chất lượng lắp ráp ổn định và hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc. Trong khi đó, xe Nhật vẫn giữ mức giá cao hơn mặt bằng chung, với các mẫu như Toyota Corolla Cross hay Honda HR-V có giá từ 770 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng, nhưng vẫn duy trì được sức hút nhờ độ bền, tiết kiệm nhiên liệu và khả năng giữ giá tốt sau thời gian dài sử dụng.
Độ bền và chi phí vận hành: Lợi thế truyền thống của xe Nhật
Trong mắt nhiều người tiêu dùng Việt, các mẫu xe Nhật, đặc biệt là Toyota và Honda vẫn được xem như biểu tượng của sự bền bỉ và chi phí sử dụng hợp lý. Xe Nhật thường dễ sửa chữa, phụ tùng thay thế sẵn có và có thể vận hành ổn định trong nhiều năm với chi phí bảo trì thấp. Mạng lưới xưởng dịch vụ và đại lý rộng khắp từ thành thị đến nông thôn càng củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Nhật.
Tuy nhiên, các hãng xe Hàn Quốc đang từng bước rút ngắn khoảng cách. Những cải tiến trong chất lượng lắp ráp, độ hoàn thiện sản phẩm và đặc biệt là chính sách bảo hành lên tới 5 năm không giới hạn số km giúp người dùng an tâm hơn khi lựa chọn. Trong khi đó, xe Trung Quốc tuy sở hữu nhiều công nghệ hiện đại nhưng vẫn gặp rào cản lớn về niềm tin của khách hàng đối với độ bền và chi phí sử dụng về lâu dài.
Trang bị công nghệ: Xe Hàn và xe Trung vươn lên mạnh mẽ
Trong vài năm trở lại đây, cuộc đua công nghệ giữa các hãng xe đang diễn ra quyết liệt, với ưu thế nghiêng về xe Hàn Quốc và Trung Quốc. Những tính năng như hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS), màn hình trung tâm cỡ lớn, điều khiển giọng nói, cửa sổ trời toàn cảnh hay ghế massage hiện đã xuất hiện phổ biến trên các mẫu xe thuộc phân khúc tầm trung.
Các mẫu xe như Hyundai Tucson, BYD hay MG HS đều được trang bị dày đặc công nghệ hiện đại, vốn từng chỉ có trên xe cao cấp. Trong khi đó, các hãng xe Nhật đang trong quá trình "chạy đua theo sau", khi mà nhiều mẫu xe vẫn ưu tiên tính ổn định, bền bỉ hơn là những tính năng "gây ấn tượng" ngay từ lần trải nghiệm đầu tiên.
Hậu mãi vẫn là yếu tố then chốt giữ chân người dùng
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, chính sách hậu mãi được xem là yếu tố then chốt để giữ chân khách hàng và xây dựng lòng trung thành. Toyota, Hyundai và Kia hiện đang có lợi thế lớn nhờ hệ thống đại lý, xưởng dịch vụ và chuỗi cung ứng phụ tùng phủ khắp cả nước. Người dùng tại các tỉnh, thành phố nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa mà không gặp nhiều khó khăn.
Ngược lại, các hãng xe Trung Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống hậu mãi tại Việt Nam. Việc thiếu hụt linh kiện, phụ tùng hoặc thời gian chờ sửa chữa kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm người dùng, đặc biệt sau khi xe hết thời hạn bảo hành chính hãng.
Người trẻ đang thay đổi hành vi tiêu dùng và định hình xu hướng mới
Một điểm đáng chú ý là thế hệ khách hàng trẻ, trong độ tuổi từ 25 đến 35, đang trở thành nhóm người tiêu dùng chủ lực của thị trường ô tô tại các đô thị lớn. Khác với thế hệ đi trước, họ sẵn sàng đánh đổi một phần độ bền để lấy thiết kế thời trang, công nghệ hiện đại và trải nghiệm lái thú vị.
Đối tượng khách hàng này cũng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến xe điện, hybrid và các tính năng thông minh, đồng thời ít bị ràng buộc bởi yếu tố thương hiệu truyền thống. Đây là cơ hội lớn cho các hãng xe Hàn và Trung nếu biết tận dụng lợi thế về công nghệ, thiết kế và khả năng cá nhân hóa sản phẩm.
Thị trường đang “mở”, người tiêu dùng là trọng tâm cuộc đua
Thị trường ô tô Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh toàn diện và không còn là sân chơi độc quyền của bất kỳ thương hiệu nào. Người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái, linh hoạt và khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, buộc các hãng xe phải không ngừng cải tiến nếu muốn giữ vững vị thế.
Xe Nhật vẫn là lựa chọn an toàn cho nhóm khách hàng ưu tiên sự bền bỉ và tiết kiệm. Xe Hàn tiếp tục duy trì sức hút nhờ khả năng cân bằng giữa giá trị sử dụng và trải nghiệm. Trong khi đó, xe Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ nhờ mức giá hấp dẫn và trang bị vượt trội, nhưng vẫn cần thêm thời gian để chứng minh năng lực hậu mãi và độ bền sản phẩm.
Cuộc đua giữa các thương hiệu sẽ còn tiếp diễn, nhưng người chiến thắng sau cùng sẽ là hãng xe thấu hiểu người tiêu dùng Việt nhất, từ nhu cầu sử dụng hàng ngày, hành vi tiêu dùng cho đến trải nghiệm lái trên từng cung đường.
TH (Tuoitrethudo)