Đóng
 

Chủ nhật, 24/11/2024 | 22:15
10:28  |  14/09/2020

Trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm nhằm nâng ý thức trách nhiệm người điều khiển phương tiện

Nếu vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe ngoài việc bị phạt tiền còn bị trừ điểm trong giấy phép lái xe. Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật Bảo đảm TTATGT), mỗi GPLX sẽ có 12 điểm tương ứng với 12 tháng, đây là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này.

Phù hợp với xu thế

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết lái xe còn bao nhiêu điểm. Khi lái xe bị trừ hết điểm thì đương nhiên GPLX đó sẽ được coi là không có hiệu lực. Nếu lái xe vẫn cố tình điều khiển phương tiện thì coi như không có GPLX.

Những quy định xử phạt tiếp theo đối với hình thức vi phạm này sẽ được CSGT áp dụng trong quy định cụ thể. Muốn được cấp GPLX mới, lái xe phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng. Đại tá Đỗ Thanh Bình đánh giá đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan Nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của lái xe sau vi phạm.

Trước khi đề xuất và trình Chính phủ nội dung quy định này, Cục CSGT đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao và có sử dụng hệ thống trừ điểm như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong thời gian tới, Cục CSGT sẽ sớm xây dựng hướng dẫn, mức điểm trừ cụ thể cho từng hành vi.

Về khoảng thời gian thi lại như trên, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) đánh giá là hoàn toàn cần thiết. “Không thể rút ngắn thời gian thi lại, cấp GPLX mới, bởi điều đó sẽ giảm đi tính răn đe cũng như ý thức của người điều khiển phương tiện. Nếu cứ bị trừ hết điểm, rồi chỉ sau 1 - 2 tuần là lái xe vi phạm lại được thi để cấp GPLX mới thì không ổn. Phải có đủ thời gian để cho họ học, ôn luyện cũng như nghiền ngẫm vi phạm của mình. Nếu không được CSGT phát hiện, xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ khủng khiếp đến thế nào. Từ đó khi ngồi sau vô lăng, họ mới biết điều gì là quý giá” - Trung tá Thiều Mạnh Ngọc nói.

Tạo sự công bằng, nâng cao ý thức

Hầu hết ở các nước, khi lái xe vi phạm bị xử phạt, cơ quan quản lý sẽ tính điểm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi. Khi bị mất toàn bộ số điểm, họ sẽ thu hồi GPLX và người muốn được cấp lại giấy phép sẽ phải thi lại, học lại luật. Ngoài quản lý toàn diện, việc này còn tác động giúp lái xe có ý thức hơn, hạn chế tái phạm. Đây là biện pháp quản lý rất hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ cũng như tạo nên sự công bằng cho tất cả các lái xe trên đường.

Theo đại diện của Cục CSGT, trong thời hạn 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm áp dụng cho năm kế tiếp. Trong 1 năm mà lái xe không vi phạm thì sẽ không được cộng tích luỹ điểm sang năm kế tiếp. Đại tá Đỗ Thanh Bình phân tích, khi lái xe không vi phạm thì số điểm trong GPLX vẫn được giữ nguyên chứ không có chuyện cộng dồn điểm cho năm sau.

Đối với những lái xe ý thức cao, không vi phạm và bị trừ điểm thì CSGT có thể sẽ kiến nghị được mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn. Như vậy, sẽ phù hợp với xu thế phát triển chung, ứng dụng CNTT để hoàn toàn có thể công khai minh bạch giúp người dân tự kiểm tra được. Ví dụ, lái xe vi phạm vượt đèn đỏ sẽ biết trong hệ thống theo dõi mình bị mất bao nhiêu điểm.

Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT triển khai đồng bộ phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm ra đời thì toàn bộ phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ nằm trong hệ thống này. Lúc CSGT ra quyết định phạt sẽ phải nhập dữ liệu vào hệ thống để theo dõi song song với dữ liệu quản lý cấp, đổi GPLX. Việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả GPLX ô tô, môtô, xe gắn máy.

Có nghĩa là bất kể ai điều khiển phương tiện nằm trong diện quy định của Luật Bảo đảm TTATGT đều có thể bị trừ điểm nếu vi phạm. Trên thực tế, người điều khiển xe máy vi phạm rất nhiều lỗi như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây ra rất nhiều vụ tai nạn đau lòng. Chính vì vậy, việc trừ điểm đối với GPLX môtô, xe máy là cần thiết. Điều đó cũng tạo ra sự công bằng cho tất cả các các lái xe, phương tiện khác.

Minh Anh (ANTĐ)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...