Nghị định mới của Chính phủ bổ sung và thay đổi một số quy định về về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Chính phủ quy định xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 13 Nghị định quy định rõ như sau: Không được sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Tuy nhiên, với các xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định.
Nghị định cũng quy định từ ngày 1/7/2023, tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định.
Văn bản Nghị định nêu rõ: “Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước”.
Khoản 7 Điều 22 của Nghị định đưa ra thông tin về vấn đề cấp lại phù hiệu sau khi bị thu hồi: “Sau khi hết thời gian bị thu hồi phù hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định”.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)