Mới đây, Caresoft Global Technologies, một công ty chuyên đánh giá và phân tích ô tô đã "mổ xẻ" những chiếc xe Trung Quốc và tiết lộ nhiều thông tin thú vị.
Tại cơ sở của Caresoft, các kỹ sư tháo rời từng chi tiết của các mẫu xe đến từ Trung Quốc để kiểm tra cách nó được lắp ráp và xác định chi phí. Những kỹ sư đã bày hàng nghìn linh kiện trên bàn hoặc gắn trên tường để phân tích.
Sau quá trình nghiên cứu, phân tích, Caresoft Global Technologies nhận định, dù ba hãng xe Ford, GM và Chrysler đã có sự cải tiến trong quy trình sản xuất tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ của các đối thủ Trung Quốc.
Caresoft Global Technologies lấy ví dụ, một nhà sản xuất ô tô thường sử dụng tới 12 nam châm đất hiếm để giữ trần xe được cố định, mỗi nam châm có giá 1 USD (hơn 25 nghìn VNĐ). Chưa hết, vì trần xe được làm bằng nhôm, nên cần có thêm các giá đỡ bằng thép được tán đinh vào để nam châm có thể bám dính. Trong khi đó, một hãng xe Trung Quốc chỉ sử dụng các dải keo dính đơn giản để cố định trần xe, với chi phí chỉ khoảng 1 xu mỗi miếng.
Ngoài ra, trên các mẫu xe điện của Trung Quốc hoặc Tesla, thanh giằng nằm phía sau bảng điều khiển có thể được làm bằng nhựa hoặc kết hợp kim loại mỏng với giá đỡ bằng nhựa. Trong khi đó, ở các mẫu xe điện của ba hãng xe lớn trên thì thanh giằng thường được làm bằng nhôm dày khá tốn kém.
Chỉ hai ví dụ trên cũng có thể thấy tại sao Trung Quốc có thể làm ra những chiếc xe giá cả phải chăng nhưng vẫn rất hiện đại.
Chính phủ Trung Quốc, thông qua một tổ chức có tên Trung tâm Nghiên cứu & Công nghệ Ô tô Trung Quốc (China Automotive Technology & Research Center) đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô trong nước để thiết lập các tiêu chuẩn chung cho các bộ phận linh kiện trong toàn ngành. Cách làm này giúp giảm sự phức tạp, cắt giảm chi phí và nâng cao tốc độ cũng như hiệu suất bằng cách tăng cường khả năng chia sẻ linh kiện giữa các thương hiệu.
Xe Trung Quốc đang đe dọa nền sản xuất ô tô thế giới bởi tốc độ của họ. Trên thực tế, năm 2024 đã có khoảng 6,4 triệu xe ô tô sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài, tăng 23% so với năm 2023. Trong đó, Chery và BYD là hai thương hiệu phát triển nhanh nhất ở Australia năm năm 2024. Geely cũng lọt top 10 thương hiệu nổi bật tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Ở Nam Phi, các hãng xe Trung Quốc chiếm 9% thị trường vào năm 2024. Ở Bắc Mỹ, MG hiện tại còn bán chạy hơn cả Ford, Hyundai và Honda ở Mexico vào năm 2024.
Được biết, Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các nhà sản xuất ô tô trong nước cạnh tranh với nhau. Dù khốc liệt nhưng cuộc chiến sinh tồn này giúp các hãng xe Trung Quốc liên tục đổi mới, phát triển nhanh chóng và có khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” trên toàn cầu.
Mathew- Giám đốc điều hành Caresoft nhận định, trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nếu các hãng xe truyền thống không thay đổi, bứt phá và sẵn sàng học hỏi từ các hãng xe Trung Quốc, Tesla và các công ty khởi nghiệp khác thì rất dễ bị tụt hậu phía sau.
TH (Tuoitrethudo)