Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về đề xuất của Vinfast liên quan chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với xe ô tô điện.
Hứa hẹn tiềm năng phát triển
Trong công văn lấy ý kiến, Bộ Tài chính nêu rõ, hiện nay tốc độ tăng trưởng xe ô tô điện hiện rất nhanh, mặc dù hàng năm, xe ô tô điện chỉ chiếm 2,6%/tổng lượng xe bán trên toàn cầu nhưng mức tăng trưởng được ghi nhận tăng 50%.
Trên thế giới, các quốc gia đang có xu hướng hạn chế hoặc bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện nhiên liệu sạch.
Hãng Bloomberg dự báo năm 2022 hoặc sớm hơn, ô tô điện sẽ rẻ bằng xe chạy xăng và khi ấy thị trường và doanh số ô tô điện sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Dự báo đến năm 2050, ô tô điện chiếm 80% tổng phương tiện trên thế giới.
Trong khi đó, tại Việt Nam ô tô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ và hiện chỉ có Vinfast đầu tư, sản xuất. Tháng 4, hãng này mới cho ra mắt chiếc xe đầu tiên, dự kiến công suất xe chạy pin của Vinfast có thể lên đến 250.000 chiếc/năm và có thể nâng lên 500.000 đến 1 triệu chiếc xe/năm.
Hiện tại Vinfast đang tập trung vào dòng xe ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe buýt điện nhiều hơn 24 chỗ (hiện xe buýt điện đã đưa vào sử dụng thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM). Các dòng xe khác sẽ tiếp tục phát triển trong một vài năm.
Theo khảo sát của Frost & Sullivan (Mỹ), 33% người Việt được hỏi đều trả lời họ nghĩ đến mua ô tô điện từ lần đầu ra mắt. Vì vậy, Việt Nam được hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho xe điện chạy pin.
Về chính sách ưu đãi hiện hành đối với xe ô tô điện, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng xe ô tô điện, trong đó có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ (LPTB).
Cụ thể, đối với chính sách thuế TTĐB, giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống, giảm thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện và tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.
Đối với xe điện, giảm thuế suất thuế TTĐB với mức thuế áp dụng như sau: xe ô tô điện dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất 15% (giảm 10%), xe chở người thuế suất từ 10-16 chỗ ngồi là 10% (giảm 5%) và xe từ 16-24 chỗ ngồi thuế suất là 5% (giảm 5%).
Đối với LPTB, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay mới chỉ có ưu đãi (miễn LPTB) với xe buýt sử dụng năng lượng sạch nhằm góp phần khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, chưa ưu đãi đối với xe cá nhân.
Kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản luật
Dẫn các ưu đãi về chính sách thuế, phí đối với các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và quan điểm, định hướng của Nhà nước trong việc phát triển xe ô tô điện ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan.
Trong đó, về thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho rằng nội dung sửa đổi thuộc thẩm quyền Quốc hội, do đó cần phải trình Quốc hội để sửa đổi Luật Thuế TTĐB.
Còn về LPTB, các nội dung liên quan đến mức thu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính đang tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thu LPTB để trình Chính phủ sửa đổi nghị định số 140/2016/NĐ-CP về LPTB (dự kiến trong tháng 10/2021). Trường hợp phải ban hành sớm hơn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về chính sách ưu đãi khác có liên quan đối với xe điện chạy pin, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đề xuất nội dung cụ thể để Bộ này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ .
Bộ Công Thương: Có thể xem xét miễn thuế TTĐB và LPTB trong 5 năm
Trong văn bản cho ý kiến gửi Bộ Tài chính về đề xuất ưu đãi thuế TTĐB và LPTB đối với xe ô tô điện, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, Bộ Công Thương nêu quan điểm: “Việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế TTĐB và LPTB áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét".
(ANTĐ)