Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, thời điểm này Vinpearl Air rút khỏi thị trường hàng không sẽ không gây tác động đến thị trường.
Liên quan đến thông tin Tập đoàn Vingroup chính thức đóng cửa hãng hàng không Vinpearl Air dù chưa một lần cất cánh, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đơn vị này vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của Tập đoàn Vingroup cũng như Vinpearl Air về việc rút lui khỏi thị trường hàng không.
Trả lời về việc Vinpearl Air bất ngờ rút khỏi thị trường, liệu ngành hàng không có xáo trộn, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, thời điểm này sẽ không gây tác động đến thị trường vận tải hàng không.
Theo lãnh đạo Cục này, nếu thị trường có nhu cầu, các hãng hàng không đang khai thác hoàn toàn có thể bổ sung lực lượng. Thậm chí có thể có hãng mới khác thành lập. Hơn nữa, Vinpearl Air vẫn chưa bay. Và ngay cả khi bay thì theo kế hoạch, đến 2025, hãng này cũng chỉ khai thác 30 tàu bay. Đội tàu như vậy chiếm tỷ trọng không đáng kể so với thị trường.
Trước đó, sáng 14/1/2020, Vingroup đã bất ngờ phát thông cáo nêu rõ Tập đoàn này chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ GTVT, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Vingroup khẳng định đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là “Công nghệ và Công nghiệp” của Vingroup.
Quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.
Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Nói về lí do rút khỏi lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.
Việc Vingroup "từ bỏ" Vinpearl Air được coi là thông tin gây chấn động trong giới kinh doanh hàng không. Ngay từ khi được thành lập, giới chức ngành hàng không cũng như các chuyên gia đã có những bình luận rất tích cực về việc Vinpearl Air gia nhập thị trường.
Trước đó, giữa tháng 7/2019, Vingroup khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp. Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng này đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc “xuất khẩu” phi công.
Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.
Dự kiến, Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.
Hải Dương (ANTĐ)