Toyota đặt mục tiêu ra mắt xe điện chạy bằng pin thể rắn vào giai đoạn năm 2027-2028 với phạm vi di chuyển lên tới 1.200km sau mỗi lần sạc đầy.
Pin thể rắn là công nghệ mà gần như tất cả các hãng xe lớn trên thế giới đều đang đổ dồn nguồn lực để phát triển. Nhờ có mật độ năng lượng cao hơn, pin thể rắn có khả năng lưu trữ điện năng gấp khoảng 3 lần so với pin lithium-ion truyền thống có cùng trọng lượng. Do đó, có thể nhận định thương hiệu nào dẫn đầu về công nghệ pin thể rắn cũng sẽ dẫn đầu tương lai nền công nghiệp xe điện.
Vào hồi tháng 6 năm nay, Toyota đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ ra mắt xe điện chạy pin thể rắn vào năm 2027. Tuyên bố này ngay lập tức đập tan mọi nghi ngờ về khả năng của Toyota trong làn sóng xe điện, bởi trước đó hãng xe Nhật Bản này tỏ ra không mấy mặn mà với việc chuyển đổi điện hóa dải sản phẩm.
Mới đây, Toyota tiếp tục cho biết chi tiết hơn về dự án phát triển công nghệ pin của mình. Theo đó, hãng xe Nhật Bản sẽ hợp tác cùng công ty hóa dầu Idemitsu để sản xuất chất điện phân rắn sunfua với quy mô đủ cho hơn 10.000 xe, trong thời gian từ 2027-2028. Tuy nhiên con số này giống như “đem muối bỏ bể” nếu so với kế hoạch sản xuất 3,5 triệu xe điện vào năm 2030 của hãng.
Theo lộ trình của công ty, xe điện Toyota sẽ có phạm vi hoạt động tối đa lên đến 800km vào năm 2026 và 1.000km từ năm 2027-2028. Ngoài ra, loại pin lithium iron phosphate (LFP) với giá cả phải chăng hơn sẽ được hãng cho ra mắt vào năm 2026-2027, cho phép xe đi được quãng đường khoảng 600 km sau một lần sạc đầy. Pin thể rắn dự kiến ra mắt 2027-2028, cung cấp phạm vi hoạt động tối đa lên đến 1.200 km.
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: InsideEV