Phạm vi hoạt động trên mỗi lần sạc là yếu tố mà người dùng đặc biệt quan tâm khi lựa chọn mua xe điện. Tuy nhiên, khả năng vận hành thực tế của một chiếc xe thường sẽ không giống 100% với quảng cáo từ hãng.
Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh những khác biệt này bằng cách phân tích dữ liệu từ hàng nghìn chiếc Tesla đang lăn bánh hằng ngày.
Recurrent – một công ty nghiên cứu về công nghệ và doanh số ô tô, đã thu thập dữ liệu từ hơn 12.000 chiếc Tesla trong 360.000 chu kỳ sạc cùng với phản hồi từ một số tài xế. Theo báo cáo, thống kê dựa trên 3.332 chiếc Tesla Model Y cho thấy ở mức nhiệt độ dưới 0 độ C, Tesla Model Y có phạm vi hoạt động trung bình bằng khoảng 45% so với ước tính của EPA. Ở nhiệt độ ấm hơn, trong khoảng 20-30 độ C, phạm vi của xe được cải thiện, bằng 60% con số mà EPA đưa ra.
Dữ liệu từ Tesla Model S cũng cho ra kết quả tương tự. Ở nhiệt độ lạnh hơn, mẫu sedan điện này có quãng đường di chuyển chỉ bằng 50% so với ước tính EPA. Trong khi đó, ở vùng khí hậu ấm hơn, tầm vận hành của xe bằng khoảng 60%.
Trong một thử nghiệm riêng biệt, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Recurrent, ông Scott Chase nhận thấy rằng phạm vi tối đa trên chiếc Model Y 2021 chỉ là 405km trong quãng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, kém xa so với công bố từ hãng. Vào tháng 12 và tháng 1, phạm vi di chuyển tối đa của xe lần lượt là 302 và 315 km.
Bình luận về vấn đề này, ông Chase cho biết: “Chủ xe điện biết phạm vi hoạt động của họ giảm xuống khi trời nóng và lạnh, nhưng họ không thấy điều đó trên bảng điều khiển ô tô của mình. Thực tế là các định luật vật lý cũng áp dụng cho Tesla và thương hiệu này cũng không khác nhiều so với các nhà sản xuất ô tô khác”.
Nhằm cải thiện vấn đề về hiệu xuất xe điện, mới đây, Tesla đã quyết định trang bị máy bơm điện trên tất cả các xe ra mắt trong thời gian gần đây. Đây là hệ thống sử dụng nhiệt sinh ra từ pin và động cơ để làm ấm cabin, giúp tối ưu hóa tốc độ sạc và cải thiện phạm vi lái xe, theo giải thích của thương hiệu có trụ sở tại Austin.
Các buổi kiểm tra xe điện của EPA diễn ra trong phòng thí nghiệm được kiểm soát nhiệt độ và tốc độ tối đa. Chu kỳ thử nghiệm cũng cho phép nhà sản xuất “điều chỉnh một vài thông số”, do đó có thể mang lại kết quả không chính xác.
Các thang đo về phạm vi di chuyển của xe điện có sự khác nhau giữa từng khu vực, trong đó chỉ số EPA ở Mỹ được coi là sát với thực tế hơn so với WLTP của Châu Âu. Theo thống kê, chỉ số WLTP thường cao hơn 22% so với EPA và NEDC của Trung Quốc.
Nhìn chung, quãng đường di chuyển của xe điện không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ và cách lái xe của người dùng. Một số yếu tố khác cũng gây tác động lớn đến số km thực tế như tốc độ gió, địa hình, tình trạng lốp xe, tuổi thọ của pin…
Thái Sơn (Tuoitrethudo)
Tham khảo: InsideEVs