Bộ GTVT cho rằng, việc bổ sung thêm giá cước vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định vào diện kê khai giá áp dụng trong phạm vi toàn quốc là không phù hợp với quy định.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Taxi Hà Nội liên quan đến đề nghị bổ sung cước vận tải hợp đồng vào diện kê khai giá cước.
Bộ GTVT cho biết, điểm 1 khoản 1 Điều 15 của Nghị định 177/2013 của Chính phủ và điểm m khoản 9 Điều 1 của Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, các loại cước vận tải thuộc diện kê khai giá gồm: cước vận tải tuyến cố định, cước vận tải taxi.
Cũng theo Bộ GTVT tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 177 quy định, căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng trình UBND tỉnh bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá tại địa phương (nếu có).
Từ quy định nêu trên, Bộ GTVT cho rằng, việc bổ sung thêm giá cước vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định vào diện kê khai giá áp dụng trong phạm vi toàn quốc là không phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm cước vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định vào diện kê khai giá hay không sẽ do UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để xem xét quyết định.
Trước đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc các hãng taxi công nghệ không bị kiểm soát về giá là bất hợp lý. Bởi xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất hoạt động như taxi, trong khi taxi kê khai và niêm yết giá cước đầy đủ, muốn tăng giá phải giải trình lý do thì xe hợp đồng điện tử số lượng xe gấp nhiều lần lại không làm điều này.
“Xe hợp đồng điện tử cũng cần phải đăng ký kê khai giá cước hoặc phải có giá trần. Khi xe hợp đồng kê khai giá có thể căn cứ vào đó để áp số lượng xe đang hoạt động kinh doanh với giá trần sẽ tính ra mức doanh thu để yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế, trong trường hợp họ không khai báo đầy đủ số lượng phương tiện”, ông Hùng phân tích.
Hải Dương (ANTĐ)