Đóng
 

Thứ năm, 02/05/2024 | 05:43
00:44  |  30/06/2023

80% startup xe điện ở Trung Quốc phá sản khi không còn được hỗ trợ

Hiện nay, thị phần xe điện ở Trung Quốc đang nằm trong tay các hãng lớn như BYD hay Tesla, trong khi các công ty khởi nghiệp dần bị loại bỏ.

Từ năm 2010, thị trường xe điện tại Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh với hàng loạt công ty mới được thành lập. Sự vươn lên nhanh chóng của các startup này được hỗ trợ tích cực bởi các chính sách từ Chính phủ. Theo các báo cáo, từ năm 2009 đến 2022, Trung Quốc đã rót hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) vào các khoản trợ cấp sản xuất và giảm thuế cho xe điện.

Thị trường ô tô điện Trung Quốc đang tự thanh lọc

Tuy nhiên, kể từ khi các chính sách ưu đãi cho xe điện của Chính phủ Trung Quốc hết hạn vào đầu năm 2023, tình hình thị trường tại quốc gia này đã có nhiều thay đổi đáng kể. Theo Bloomberg, báo cáo dựa trên chỉ số HHI quý I/2023 - một thước đo được sử dụng để đánh giá mức độ cạnh tranh của thị trường -  cho thấy mảng ô tô điện tại quốc gia tỷ dân này đã bắt đầu chuyển từ giai đoạn quá đông đúc sang tập trung thị phần vào một vài hãng lớn.

Điều này được thể hiện rõ qua thống kê cho thấy Trung Quốc hiện đang có khoảng 100 hãng xe điện, giảm sâu so với con số 500 nhà sản xuất vào năm 2019. Các chuyên gia cho rằng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều công ty xe điện phải phá sản và thị phần sẽ chỉ tập trung vào vài hãng xe mạnh nhất.

Thị phần nằm trong tay các “ông lớn”

Theo ông Wang Hanyang - chuyên viên phân tích thị trường tại 86Research - 80% các công ty khởi nghiệp Trung Quốc về xe năng lượng mới đã hoặc đang rời khỏi thị trường.

Hiện tại, thị phần theo doanh số của 4 công ty dẫn đầu đã tăng lên 60% trong quý đầu tiên của năm 2023, cao hơn nhiều so với mức 44% của cùng kỳ 3 năm trước.

Trong khi đó, Trung Quốc lại quyết định sẽ không tiếp tục hỗ trợ các nhà sản xuất gặp khó khăn. Giải thích cho động thái này, ông Xin Guobin - một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc - cho biết rằng dừng trợ cấp sẽ khiến các vụ hợp nhất xảy ra, từ đó giúp các thương hiệu còn sống sót có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng mua và sử dụng xe điện thông qua các chính sách ưu đãi thuế và trợ cấp tín dụng.

Trong bối cảnh các startup phải phá sản hoặc xác nhập vào công ty khác thì các ông lớn trên thị trường xe điện Trung Quốc lại đang bành trướng mạnh mẽ. BYD – công ty được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư nổi tiếng Berkshire Hathaway, đã thống trị thị trường xe điện suốt 2 năm qua. Hơn 30% lượng xe NEV (năng lượng mới) bán ra tại đại lục đều xuất xưởng từ công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này, tăng từ mức dưới 15% vào cuối năm 2020.

Hãng xe điện lớn nhất toàn cầu Tesla cũng chứng kiến doanh số tăng bùng nổ trong quý I/2023, sau hai năm liên tục mất thị phần. Với việc đang nắm giữ khoảng 11% thị phần, công ty của Elon Musk đang cùng BYD chiếm lĩnh gần một nửa thị trường xe điện Trung Quốc.

Công ty nhỏ gần như biến mất

Thị trường xe điện khốc liệt tại Trung Quốc cũng cho thấy một thực tế là ngay cả những công ty đã có một số thành công nhất định cũng có thể “lâm vào đường cùng” nếu không nhanh chóng bắt kịp xu thế.

Trước đây, Zhidou Electric Vehicle - một công ty có trụ sở tại Ninh Hải - từng bán được 100.000 xe với quãng đường di chuyển chỉ 100 km mỗi lần sạc trong giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên, nhà sản xuất này sau đó đã nhanh chóng gặp khó khăn khi Trung Quốc chấm dứt trợ cấp cho những chiếc xe điện có quãng đường di chuyển dưới 150 km vào năm 2018.

Tương tự, Beijing Electric Vehicle - hiện thuộc bộ phận EV của BAIC Motor - đã từng dẫn đầu doanh số ô tô thuần điện trong hơn 5 năm bằng cách nhắm vào các nhà khai thác vận chuyển nhưng cũng bắt đầu báo lỗ sau khi không còn nhận trợ cấp.

WM Motor Technology Group - hãng xe được hỗ trợ bởi gã khổng lồ Baidu - cũng đang phải cắt giảm lương, đồng thời sa thải nhân viên để giảm bớt gánh nặng tài chính khi bị lỗ nặng trong nhiều tháng qua.

Các chuyên gia nhận định thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên thách thức, không chỉ với các thương hiệu trong nước mà cả các hãng nước ngoài. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Ford gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường châu Á này, trong khi Volkswagen chưa có dòng xe nào lọt top 10 chiếc EV bán chạy nhất.

Trong tương lai, xu thế chọn xe điện của người dân sẽ có nhiều sự thay đổi. Trong đó, các tính năng thú vị như lái tự động, màn hình tích hợp và thậm chí cả hệ thống karaoke sẽ nhường chỗ cho sự an toàn, hiệu suất và độ bền của xe. Nếu điều này xảy ra, các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen sẽ có lợi thế.

Thái Sơn (Tuoitrethudo)