Đóng
 

Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:32
10:10  |  15/04/2020

BMW Isetta - Cuộc đào thoát vĩ đại trên chiếc xe tí hon

Đó là một kế hoạch không tưởng: Klaus-Günter Jacobi giúp bạn thân của ông thoát khỏi Đông Đức bằng chiếc xe BMW Isetta tí hon của ông. Vượt qua Bức tường Berlin với hàng trăm lính gác và chó săn? Câu chuyện ly kỳ của ông được kể lại trong bài viết này.

Ngày 23 tháng 5 năm 1963, một chiếc BMW Isetta đỗ trước cửa khẩu Bornholmer Street vào một buổi ảm đạm đầy sương mù. Một người đàn ông muốn đi từ Đông Đức sang Tây Đức, xếp sau hàng xe tưởng như bất tận. Hơn một tiếng xếp hàng, chiếc xe tí hon dừng lại trước bốt kiểm soát. Những gã lính mặt lạnh tanh bắt đầu rà soát từng centimét trên chiếc Isetta, chó săn sủa liên hồi. Từng giây trôi qua chậm như cả tiếng đồng hồ đối với tài xế và nhất là người đàn ông đang trốn trong khoang máy của chiếc Isetta. Chỉ có đúng lớp thân vỏ mỏng manh của chiếc BMW tí hon bảo vệ anh ta khỏi cặp mắt dò xét của lũ lính canh. Bỗng nhiên cửa cốp bị giật mạnh, ánh đèn pin lùng sục vào trong, anh ta bèn nín thở. Nếu như bị phát hiện, thứ duy nhất anh ta nhận được là tấm vé một chiều đến thẳng nhà tù phát xít.


Cầu Bornholmer, một trong những ranh giới chia cắt Đông Đức và Tây Đức​

Giờ đây, Klaus-Günter Jacobi là một người đàn ông cao 195 cm vẫn giữ được vóc dáng cao lớn dù đã 80 tuổi. Căn hộ nhỏ chỉ 30 mét vuông của ông được trang trí với nhiều kỷ vật thời chiến mà ông giữ lại. Điều đặc biệt của căn hộ này là khung cảnh ngoài ban công, nơi ông Jacobi có thể nhìn rõ ngọn đồi Teufelsberg, hay còn được biết đến với biệt danh “Núi Quỷ”. Đây là thiết bị quân sự được quân đội Mỹ xây dựng thời Chiến tranh lạnh nhằm nghe lén và phá sóng radio của quân Liên Xô. “Tôi thích khung cảnh này, nó gợi lại nhiều kỷ niệm cá nhân về cái thời Berlin còn chia 2 ngả”, ông Jacobi chia sẻ.


Klaus Jacobi thời còn trẻ, ngồi trong chiếc BMW Isetta của ông​

Klaus-Günter Jacobi sinh ra tại Pankow, một thị xã nhỏ tại Đông Berlin. Tháng 10 năm 1958, Đảng Cộng hòa Dân chủ Đức thể hiện rõ sự độc đoán và buộc tội, bỏ tù những người chống đối, chàng trai trẻ Jacobi, lúc đó mới 18 tuổi, ngay lập tức chạy trốn, rời bỏ quê hương. Anh tận mắt chứng kiến giới cầm quyền Đông Đức tước bỏ quyền tự do công dân, chứng kiến người dân Đông Berlin cố gắng vượt rào kẽm gai một cách tuyệt vọng, anh đã nhận thấy một điều: Tây Đức là tự do!

Trong khi Jacobi chạy khỏi Đông Đức, Manfred Koster vẫn ở lại. Cả hai là bạn thân từ bé, thường xuyên chơi đùa trên phố với nhau và còn học cùng trường. Jacobi muốn người bạn thân cùng rời bỏ Đông Đức nhưng Koster đã từ chối. Có thể anh không muốn rời bỏ quê hương, có thể anh vẫn tin vào đường lối của Đảng Cộng hòa Dân chủ, nhưng quan điểm của anh sớm thay đổi.

Tháng 11 năm 1962, hơn 1 năm sau khi Bức tường Berlin được dựng lên, Manfred Koster nhận được tin ngập ngũ. Anh được yêu cầu gia nhập quân ngũ Đông Đức vào tháng 6 năm 1963. Trong vài năm qua, anh đã thấy được sự thật về những kẻ cầm quyền Đông Đức đàn áp dân chúng, tước đi quyền tự do của chính anh và những người dân lương thiện khác. Anh phải ra đi.

Trèo qua Bức tường ư? Rủi ro bị phát hiện và ăn hàng tá “kẹo đồng” là rất cao. Có vài trăm người bị bắn chết chỉ trong năm 1962 khi cố vượt qua bức tường trái phép. Manfred phải tìm cách khác. Anh chợt nhớ đến người bạn niên thiếu Jacobi, có thể bạn anh có cách “vượt biên” an toàn. Nhưng làm thế nào để gặp lại Klaus-Günter Jacobi khi Manfred không thể đặt chân sang Tây Đức?

Manfred đã rất nhanh trí. Anh có một người anh trai tên là Hans, người đã sang Tây Đức một cách hợp pháp từ nhiều năm trước. Trong một dịp Hans về thăm nhà, Manfred đã lấy thẻ căn cước của anh trai để đường hoàng bước qua cửa khẩu sang Tây Đức. Anh em trai có khuôn mặt khá giống nhau nên Manfred có thể loạt qua dễ dàng. Anh đến nhà Jacobi mà không báo trước vào một buổi tối tháng 11. Không ngần ngại, Klaus-Günter Jacobi đã lên một kế hoạch táo bạo để giải thoát người bạn thân.

Chiếc Isetta làm nên lịch sử


Với hơn 160.000 nghìn xe được bán ra, BMW Isetta là xe hơi 1 xy-lanh bán chạy nhất trong lịch sử

BMW Isetta là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân Đức hậu thế chiến, chí ít là tại Tây Đức. Thời đó, chỉ có khoảng 2% hộ gia đình Đức có đủ tài chính để mua 1 chiếc xe hơi đúng nghĩa. Vì lẽ đó, khi chiếc Isetta đầu tiên lên kệ vào năm 1955 với mức giá chỉ 2.550 mác (khoảng 1.450 USD theo thời giá hiện tại), gần như ai cũng có thể mua một chiếc. Dù chỉ có động cơ 13 mã lực và tốc độ tối đa khoảng 80 km/h, Isetta cũng có đủ khả năng để phục vụ 1 gia đình nhỏ.

Jacobi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc BMW Isetta vào năm 1961 tại showroom kế bên quán bar ưa thích của ông. Ngay sau lần đầu tiên chạm mặt, ông đã mua ngay một chiếc màu trắng đỏ với giá 1.550 mác, rẻ hơn giá niêm yết vì đây là xe trưng bày. Với chiếc Isetta, ông đi khắp mọi nơi, bao gồm cả việc chạy sang Paris để thăm em gái mình, hay dạo quanh Italy nơi hàng tá phụ nữ đẹp thốt lên trầm trồ khi thấy chiếc xe nhỏ nhắn dễ thương. Tuy nhiên, không hành trình nào đáng nhớ bằng cuộc giải thoát bạn thân bằng chiếc xe siêu nhỏ này.


Một chiếc mô hình giống hệt với chiếc xe Jacobi từng sở hữu

Giấu một người đàn ông trưởng thành trong chiếc xe chỉ dài 2,2 mét, rộng 1,3 mét là một ý tưởng vừa thiên tài, vừa điên rồ. Thiên tài ở chỗ: không ai nghĩ một chiếc xe bé như BMW Isetta lại có thể giấu được người bên trong mà không bị phát hiện. Những xe hơi lớn hơn thường bị khám xét kỹ hơn, thậm chí còn bị mổ xẻ ra để phân tích khả năng giấu người bên trong.

Điên rồ ở chỗ: làm sao mà Jacobi giấu được một người cao 1m70 trong không gian chật hẹp và không bị lính gác phát hiện? Lính gác lục soát xe qua biên giới vô cùng cẩn thận vì nếu để lọt người, họ sẽ bị phạt rất nặng. Những người lính thậm chí còn dùng gương phản chiếu để kiểm tra dưới gầm xe. Vậy làm sao để Jacobi làm được điều khó tin này? Không gian duy nhất mà ông thấy khả dĩ là khoảng trống ngay sát chỗ đặt động cơ xe.

May mắn thay, Klaus-Günter Jacobi có đủ kỹ năng để thực hiện phi vụ khó tin này. Ông theo nghề thợ sửa xe từ năm 1956 đến 1959. Sau đó, ông kiếm sống bằng nghề dạy lái xe trong khi vẫn tiếp tục phụ giúp tại gara ông từng làm việc. Như vậy, Jacobi có một nơi an toàn để chỉnh sửa chiếc Isetta với đầy đủ phụ tùng.

Trong nhiều tuần liên tục, Jacobi lái xe đến gara vào mỗi buổi tối. Ông phải gấp rút hoàn thành việc chỉnh sửa xe vì ngày Manfred nhập ngũ đã đến rất gần. Người chủ gara thường xuyên mở cửa gara đến đêm muộn nhằm giúp Jacobi hoàn thành công việc. Ngay cả những nhân viên ở đây cũng thi thoảng ở lại phụ giúp ông. Cũng rất may mắn khi không có ai báo cáo việc làm của Jacobi với chính quyền! Quá trình độ xe được tóm lược như sau:

1. Tháo thùng chứa đồ ra và thu gọn lại, đặt nó vào khung với vị trí cao hơn 10 cm, vừa đủ chỗ cho ngăn trú ẩn.
2. Tháo ghế sau và lốp dự phòng, cắt thép để tạo ra một ô cửa nhỏ kích thước 50 x 50 cm để người chui vào.
3. Loại bỏ lọc gió, tinh chỉnh hệ thống xả để tạo chỗ trống cho ngăn trú ẩn.
4. Đập dẹp ống xả để làm phẳng sàn ngăn trú ẩn.
5. Lắp thêm sàn ngăn trú ẩn bằng thép để ngăn sức nóng ống xả.
6. Gò, sơn lại chiếc xe sao cho trông như mới, tấm cản sau được cắt bớt một chút để tránh cạ gầm do sức nặng của người trú ẩn bên trong.
7. Sự thay đổi cuối cùng được thực hiện ngay trong ngày đào thoát: bình xăng 14 lít của Isetta được tháo bỏ, thay thế bằng bình xăng độ có dung tích chỉ khoảng 2 lít xăng – vừa đủ để vượt qua biên giới.

Mục đích chính của Jacobi, tất nhiên, vẫn là giải thoát người bạn niên thiếu khỏi sự bất công. Tuy nhiên, ông cũng tìm thấy sự thỏa mãn khi làm một việc “trái luật”. Đó là hành động cho thấy sự bất bình của ông với giới cầm quyền hà khắc, hệt như điều ông và Manfred thường làm khi còn trẻ. Khi đó, khi mà biên giới Đông – Tây Đức chưa đóng cửa, ông và Manfred thường xuyên lẻn qua Tây Đức mua quần áo, hoa quả và nhiều vật dụng khác để bán kiếm lời. Ánh mắt ông già Jacobi vẫn sáng ngời khi hồi tưởng lại thời trai trẻ. “Do thám đám lính gác, quan sát thời điểm họ đổi ca, vẽ ra quãng đường họ đi tuần tra… chúng tôi chẳng khác nào những kẻ vượt biên chuyên nghiệp”.


Một chiếc Isetta được dựng lại dựa trên chiếc xe giải thoát của Jacobi, trưng bày tại Bảo tàng Bức tường Berlin

Tuy nhiên, Klaus-Günter Jacobi không thể tự mình lái xe giải cứu bạn thân. Lúc đó, Đông Đức không công nhận vùng Tây Berlin là một phần của Tây Đức. Chính vì thế, một người sống ở Tây Berlin như Jacobi không thể đi qua biên giới sang Đông Đức. May mắn thay, ông những học sinh lái xe quả cảm sẵn sàng thay ông làm việc đó.

Ban đầu, một sinh viên y khoa xung phong nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, cô ấy đã bỏ cuộc khi nhóm của Jacobi chạy thử quay biên giới. Đoàn xe dài vô tận và sự kiểm soát gắt gao của lính gác khiến cô không chịu đựng nổi. “Tôi không trách cô ấy nhưng đó thực sự là một tin buồn, thời gian của Manfred không còn nhiều”, ông Jacobi hồi tưởng.

Ngày 23 tháng 5, chỉ 1 tuần trước hạn nhập ngũ của Manfred, nhận được một cuộc gọi từ sáng sớm. Hai học sinh lái xe của ông sẵn sàng tham gia phi vụ bí mật này. Họ không xưng tên với Jacobi vì ngộ nhỡ kế hoạch bại lộ thì Jacobi sẽ thể khai ra tên người tham gia – rất thông minh! Ngay 11h trưa hôm đó, Jacobi giao chìa khóa cho 2 học sinh quả cảm, họ mang thêm 1 chiếc Volkswagen Bettle để dự phòng.

Hai chàng trai đón Manfred Koster ở Pankow và lái xe khỏi thị trấn, tấp vào bìa rừng để Manfred trốn vào khoang bí mật trong chiếc BMW Isetta. Họ tháo bình xăng nguyên bản và thay bình xăng mini vào. Tất cả công đoạn đều được thực hiện trong bóng tối nên lâu hơn dự kiến.

Bỗng nhiên ánh đèn xe hơi rọi đến chỗ họ. Đó là những người nông dân. Họ đến để xem có thể giúp đỡ gì không và 2 học sinh của Jacobi bảo rằng họ chỉ bị xịt lốp xe và mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Cuối cùng thì sau một khoảng thời gian dài, Manfred đã yên vị trong chiếc Isetta. Trời mưa nặng hạt, tiếng lộp độp trên nóc xe dường như cũng không to bằng tiếng thình thịch trong lồng ngực Manfred…

Cùng lúc đó, Jacobi đang đợi ở phía tây cầu Bornholmer Bridge, đốt hàng tá thuốc. Ông liên tục nhìn về phía cửa khẩu, chờ đợi hình ảnh của chiếc Isetta màu đỏ. Đã gần 11 rưỡi và nhóm của ông đã trễ hẹn 1 tiếng rưỡi. Cửa khẩu đóng vào lúc 12 giờ đêm…

Và rồi, ngay trước nửa đêm, tấm barie mở lên và cả chiếc Isetta và Beetle băng qua biên giới. Khi hai chiếc xe tiến đến, Klaus Jacobi lập tức chạy theo.

“Manfred! Manfred”!

“Klaus!”, một giọng nói thều thào phát ra từ trong chiếc Isetta

“Chúng ta thành công rồi! Tôi sẽ kéo bạn ra khỏi xe ngay lập tức!”

Tại một công viên bên đường Grünthaler, nhóm của Jacobi cần 5 phút đồng hồ để kéo Manfred ra khỏi chiếc xe. Chân run rẩy, lưng đau nhói nhưng không gì có thể cản được Manfred tận hưởng thứ ông tìm kiếm bấy lâu: sự tự do!

Chiếc Isetta vẫn chưa hoàn toàn cạn xăng nên Jacobi và Manfred quyết định lái xe vòng vòng để ăn mừng chiến thắng của họ trước giới cầm quyền Đông Đức. Tất nhiên, lần này Manfred đường hoàng ngồi ở ghế trước.

Tóm lược hành trình đào thoát của Manfred:

1. 11 giờ trưa ngày 23/5, Klaus Jacobi trao chìa khóa cho 2 học sinh can đảm tại căn hộ của ông ở số 30 đường Steglitzer Damm.
2. 15h55: Hai học sinh vượt qua cửa khẩu, bước chân sang đất Đông Đức.
3. 6h05 tối: Hai học sinh đón Manfred tại nhà thờ Old Parish.
4. 9h tối: Manfred chui vào ngăn bí mật trong chiếc Isetta gần hồ Karpfenteich, Heinersdorf.
5. 10h30: Đoàn xe đến cửa khẩu.
6. 11h55: Sau hơn 1 tiếng chờ đợi, cuối cùng thì 2 chiếc xe đã vượt qua cửa khẩu.
7. 0h20 sáng 24/5: Tại công viên bên đường Grünthaler, Manfred bò ra khỏi chiếc Isetta, chính thức trở thành một người tự do!

Sau khi chiếc Isetta hoàn thành sứ mệnh, Jacobi đã phá hủy nó để tiêu hủy vật chứng. Dù sao thì sau quá trình độ ngăn bí mật thì chiếc xe cũng không thể đăng kiểm được. Thứ duy nhất Jacobi giữ lại là chìa khóa ngăn động cơ. “Đôi khi lịch sử được viết nên bởi những hành động nhỏ nhất”, ông nói khi chầm chậm hé lộ chiếc chìa khóa trong lòng bàn tay. Giờ đây, ông không còn liên lạc với người bạn niên thiếu Manfred nhưng câu chuyện đào thoát năm 1963 là điều ông không bao giờ quên.

Ông Jacobi nói rằng sau khi giải thoát Manfred, 2 người học sinh can đảm của ông tiếp tục giải cứu những người khác bằng cách tương tự. Họ đã thay đổi kết cấu một chiếc Isetta khác giống như chiếc Isetta màu đỏ của Jacobi. 18 tháng sau phi vụ với Manfred, hai học sinh này mới bị phát hiện. Chiếc xe bỗng nhiên chòng chành và người phụ nữ trốn bên trong đã bị phát hiện. Tính đến lúc đó, bộ đôi học sinh của Jacobi đã giải cứu thành công 9 người. Cũng từ phi vụ bại lộ đó mà báo giới cũng như dân chúng mới biết câu chuyện ẩn sau những chiếc xe tí hon.

Ba mươi năm sau kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, ông Jacobi vẫn nhờ tường tận từng chi tiết của câu chuyện phi thường với chiếc BMW nhỏ màu đỏ. Giờ đây, ông làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng Bức tường Berlin. Trong số hơn 850.000 khách thăm quan mỗi năm, gần như chẳng ai biết vai trò lịch sử của người hướng dẫn tóc bạc phơ trong bảo tàng. “Tôi không tìm kiếm sự nổi tiếng. Điều quan trọng nhất là tôi đã giải cứu thành công bạn của mình và chứng minh rằng chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng”.

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)

Tags: BMW   lịch sử   xe Đức   Xe BMW   BMW Isetta