Đóng
 

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:14
10:11  |  24/10/2022

Chuyên gia: Cần sớm có mạng lưới trạm sạc cho ô tô điện tại các đô thị lớn trên cả nước

Hệ thống trạm sạc là nền tảng để phát triển ô tô điện – phương tiện văn minh và tốt cho môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam do chưa có quy hoạch, quy chuẩn và quy định chính thức từ cơ quan chức năng nên đa số người dân đang hiểu chưa đúng về nguy cơ và mức độ an toàn của trạm sạc. Trong khi so với các cây xăng hiện tại, trạm sạc điện vượt trội về chỉ số an toàn cháy nổ, không gây ô nhiễm không khí và đặc biệt không cần hệ thống lưu trữ nhiên liệu ẩn chứa nhiều rủi ro.

KTS Nguyễn Duy Hậu, chuyên gia về quy hoạch cho biết, phát triển xe điện là xu hướng tất yếu hiện nay. Xe điện đang là giải pháp khả thi nhất về kinh tế cũng như công nghệ để bảo vệ môi trường, nhất là ở các đô thị lớn.

Rất cần có các trạm sạc điện dùng chung cho ô tô điện ngay từ các khu chung cư lớn

Đương nhiên, đi cùng với phát triển xe điện, yêu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ cho xe điện hoạt động cũng là đòi hỏi bắt buộc.

Dù vậy, theo vị kiến trúc sư, đây không phải vấn đề có thể làm trong một sớm một chiều; cũng không thể đầu tư manh mún, chắp vá mà cần một giải pháp tổng thể trong quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch vùng, quy hoạch miền, quy hoạch tuyến, điểm và đặc biệt phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đồng bộ hóa cho các sản phẩm xe chạy điện trong tương lai; tránh sự độc quyền của các hãng xe cũng như tránh lãng phí tài nguyên vị trí, đất đai, năng lượng, dịch vụ…

KTS Nguyễn Duy Hậu phân tích, hiện nay, rất cần việc có ngay quy hoạch mạng lưới các trạm sạc phục vụ cho xe điện ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là do mỗi hãng xe lại có công nghệ sạc pin theo tiêu chuẩn khác nhau nên ngay tại châu Âu và Mỹ, chính quyền đã yêu cầu các hãng bắt buộc đồng bộ các cổng sạc nhằm tối ưu chi phí hạ tầng.

“Chúng ta cần sớm có ngay tiêu chuẩn kỹ thuật chung, tránh tình trạng như các loại điện thoại thông minh dùng nhiều dây sạc khác nhau rất khó để dùng chung hạ tầng”, ông Hậu nói và nhắc đến kế hoạch của một doanh nghiệp sẽ lắp tổng cộng khoảng 150.000 cổng sạc cho ô tô điện các loại tại 63/63 tỉnh, thành phố trong năm nay, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc.

KTS Hậu đặc biệt nhắc đến tầm quan trọng của việc cần có quy hoạch trạm sạc tại các khu đô thị đông dân cư, hệ thống cao tốc, quốc lộ bởi đây chính là điểm quan trọng nhất, nan giải nhất, có liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. "Xe điện là văn minh nhưng không có trạm sạc rộng khắp, tiện dụng thì không ai muốn dùng", ông Hậu nói thêm.

Đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, cần tổ chức quy hoạch phủ các trạm sạc rộng khắp bởi các trạm này ít ảnh hưởng đến môi trường như tiếng ồn, không khí ô nhiễm, cháy nổ và hệ thống lưu trữ nhiên liệu như cây xăng.

Chính việc chưa có quy hoạch, quy chuẩn, quy định chính thức từ cơ quan chức năng nên một doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam đang phải tự triển khai lắp đặt trạm sạc và bị vấp phải phản đối ở một số nơi do người dân hiểu chưa đúng về nguy cơ và mức độ an toàn của trạm sạc, trong khi trạm sạc thực chất có chỉ tiêu an toàn rất cao.

Trên thực tế, các trạm sạc sẽ cần hệ thống điện cấp 3 pha mạnh, ổn định và ưu tiên các nguồn điện sạch như mặt trời hay thủy điện. KTS Hậu nêu vấn đề, việc này liên quan đến ngành điện, là quy hoạch chuyên ngành đặc thù, nên cần sớm có chủ trương, chính sách để làm căn cứ pháp lý, từ đó có giải pháp kỹ thuật chung, áp dụng đại trà.

“Như ở các khu đô thị đông dân cư, các trạm biến áp đã có sẵn, chỉ cần bố trí không gian phù hợp. Tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối có thể do ngành điện chủ động đưa ra, cung cấp. Quỹ đất cần cân đối phù hợp cho các trạm sạc. Tiến tới, các khu đô thị mới sẽ phải có các trạm sạc điện đạt chuẩn”, KTS Hậu chia sẻ.

Về các điểm sạc trong đô thị, KTS Hậu đưa ra loạt giải pháp: Kết hợp với các khu gửi xe cố định hoặc kết hợp các bãi xe của trung tâm thương mại, siêu thị; kết hợp nơi để xe của cơ quan hành chính và trường học; kết hợp để xe trong các tòa nhà văn phòng, chung cư có tầng hầm để xe; cuối cùng là hệ thống sạc lưu động - có thể của nhà cung cấp xe nhưng cũng có thể cấp phép cho các trung tâm và dịch vụ cứu hộ xe.

KTS Hậu đề xuất, Hà Nội với đặc thù riêng, cần nghiên cứu, bàn bạc để lựa chọn ra những quy chuẩn liên quan đến phương tiện; trạm sạc, đầu sạc, nguồn điện; thí điểm làm trước để làm mẫu cho cả nước.

Đây không chỉ là việc của các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện cũng như các đơn vị kết hợp khai thác tại điểm trông giữ xe.

“Vừa qua, Hà Nội có loạt xe buýt điện đi vào hoạt động rất văn minh, thỏa mãn tiêu chí xanh, sạch, đẹp, tiện nghi. Người dân rất hoan nghênh và muốn được thêm nhiều dịch vụ nữa từ các phương tiện tương tự. Việc sớm có quy hoạch, triển khai xây dựng các trạm sạc điện rộng khắp, ngay từ các khu đô thị lớn là việc cần làm ngay và chính quyền các cấp cần ưu tiên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai nội dung này”, ông Hậu nói.

NNP (ANTD)

Tư vấn

Lựa chọn SUV phân khúc 1,5 tỷ liệu có khó?

Tại thị trường Việt Nam, phân khúc xe SUV cỡ 1,5 tỷ luôn là phân khúc khác biệt hoàn toàn so với các phân khúc giá rẻ, bởi khách hàng lựa chọn mua xe ở phân khúc này đều có những...